24h

Sửa Luật Hóa chất: Cân nhắc đảm bảo sự thống nhất

Gia Nguyễn 12/09/2024 14:30

Góp ý Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), nhiều ý kiến đề xuất, cần tiếp tục rà soát các quy định để đảm bảo sự thống nhất với Luật Dược, Luật Bảo vệ môi trường.

Xoay quanh nội dung Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), tại phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 12/9, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với việc sửa đổi Luật Hóa chất, tuy nhiên, quá trình sửa đổi cần tập trung vào một số nội dung như: Sự đồng bộ của Luật Hóa chất với các luật khác; nêu rõ các hành vi bị cấm đối với hóa chất; quản lý hóa chất độc hại và nguy hiểm.

sua-luat-hoa-chat-2.12.9.2.jpg
Sáng 12/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) - Ảnh: Media Quốc hội

Đánh giá cao Báo cáo của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đối với Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - Bùi Văn Cường cho rằng, các Báo cáo đã bám sát với tình hình thực tế để sửa đổi, bổ sung, tuy nhiên, Ban soạn thảo Dự án Luật cần tiếp tục rà soát các quy định của Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) để phù hợp và thống nhất với Luật Dược, Luật Bảo vệ môi trường.

Theo ông Cường, đối với các hành vi bị cấm trong Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), Ban soạn thảo Dự án Luật cần quy định rõ không chỉ có công bố các hành vi bị cấm mà còn phải kịp thời công bố thông tin từng hóa chất, hàng hóa bị cấm nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.

sua-luat-hoa-chat-2.12.9.1.jpg
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - Bùi Văn Cường tham gia góp ý Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) tại phiên họp - Ảnh: Media Quốc hội

Tham gia đóng góp ý kiến vào Dự án Luật (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, chủ trương chung của lãnh đạo Đảng, Nhà nước là đơn giản hóa hệ thống pháp luật. Những nhiệm vụ nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì ban hành, không Nghị định hóa luật, không Thông tư hóa luật. Chức năng, nhiệm vụ nào của các bộ ngành thì Chính phủ quy định không phải do luật quy định.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Khắc Định cũng yêu cầu Ban soạn thảo Dự án Luật làm rõ hơn về Phát triển bền vững ngành Công nghiệp hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng hiện đại nằm trong 4 chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội.

Đồng thuận với quan điểm của Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Khắc Định, Chủ tịch Quốc hội - Trần Thanh Mẫn khẳng định, việc làm luật phải có sự đổi mới, ngắn gọn, dễ hiểu dễ nhớ. Những vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì Quốc hội sẽ ban hành, những nhiệm vụ nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ có Nghị định, Thông tư ban hành.

“Quan điểm về việc đóng góp vào Dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) là Ban soạn thảo phải tiếp tục rà soát, thể chế hóa chủ trương, xây dựng và triển khai việc cấm sử dụng các loại hóa chất độc hại, gây ảnh hưởng tới nguồn nước; tiếp tục chủ động, ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường quản lý tài nguyên môi trường…”, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ.

Tham gia góp ý Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh - Lê Tấn Tới cho hay, vừa qua có hai vụ án rất nghiêm trọng mà hung thủ sử dụng xyanua để gây án. Một vụ ở Đồng Nai và vụ còn lại do người Việt tại Thái Lan thực hiện, đặc điểm của các vụ án là lượng xyanua rất nhỏ nhưng có thể gây ra án mạng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quốc phòng - an ninh.

Theo ông Tới, quy định của Dự thảo đã tương đối chặt chẽ đối với các giao dịch tại cửa hàng hóa chất, nhưng trong thực tế, nhiều giao dịch hóa chất chỉ đặt hàng qua điện thoại, qua mạng, giao tại địa điểm bất kỳ. Với sự phát triển của mạng xã hội như hiện nay, dự luật đang “để lọt việc quản lý này”.

Vì vậy, ông Tới đề nghị, Chính phủ nghiên cứu thêm biện pháp quản lý các hóa chất đặc biệt nguy hiểm, điển hình như xyanua, các hóa chất khác khi giao dịch không phép.

Cùng với các nội dung đã nêu, trong khuôn khổ phiên thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng góp ý các nội dung liên quan đến việc quản lý việc kinh doanh, vận chuyển hóa chất; định hướng quy hoạch khu công nghiệp hóa chất...

Được biết, Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) được đưa ra góp ý tại phiên họp lần này gồm 89 Điều, được bố cục thành 10 Chương. Dự thảo được dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 tới đây.

Gia Nguyễn