Long An triển khai hiệu quả các công trình trọng điểm
Tỉnh Long An thực hiện các chương trình đột phá, công trình trọng điểm, tạo nền tảng đưa tỉnh phát triển nhanh và bền vững.
Nghị quyết (NQ) Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra nhiều chỉ tiêu quan trọng để phát triển Long An xứng tầm vị trí, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Long An. NQ cũng xác định 3 chương trình đột phá và 3 công trình trọng điểm, góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của tỉnh trong thời gian tới.
Đẩy mạnh 3 chương trình đột phá
Việc triển khai, thực hiện các chương trình đột phá, công trình trọng điểm, tạo nền tảng đưa tỉnh phát triển nhanh và bền vững.
Ông Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, 3 chương trình đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, gồm: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh; Chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp và đô thị của vùng kinh tế trọng điểm. Đến nay, các chương trình đột phá đạt nhiều kết quả rất tích cực.
Ông Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An:
Việc triển khai, thực hiện các chương trình đột phá, công trình trọng điểm, tạo nền tảng đưa tỉnh phát triển nhanh và bền vững, góp phần quan trọng đưa Long An giữ vững vị trí dẫn đầu Vùng ĐBSCL, trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Cụ thể, thời gian qua, cùng với việc tập trung đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Long An đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) trong sản xuất. Lũy kế đến nay, diện tích lúa ƯDCNC là 56.142,5 ha, đạt 93,6% kế hoạch giai đoạn 2021-2025; diện tích rau 1.987,7 ha, đạt 99,4% kế hoạch; diện tích thanh long 5.302,5 ha, đạt 88,4% kế hoạch; diện tích chanh 2.946 ha, đạt 98,2% kế hoạch; diện tích tôm 45,1 ha, đạt 45,1% kế hoạch.
Đặc biệt, tỉnh còn đẩy mạnh chuyển đổi số và kết nối thương mại điện tử, quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP như ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói trái cây xuất khẩu, sản phẩm nông sản an toàn, chuỗi sản xuất sản phẩm nông sản an toàn, bảo đảm nhanh chóng, chính xác, minh bạch,...
Đối với chương trình đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp tỉnh, Long An tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 15/4/20221 của Tỉnh ủy thực hiện Chương trình đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh. Trong bước tiến vượt bậc của CMCN 4.0, nguồn nhân lực có chất lượng cao trở thành trụ cột vô cùng quan trọng và không thể thiếu cho sự phát triển. Do đó, tỉnh Long An đã và đang chủ động đưa ra nhiều biện pháp linh hoạt nhằm nâng cao sự chất lượng của nguồn nhân lực. Từ đó, lao động qua đào tạo của tỉnh đạt trên 73,94%, trong đó, lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 32,43%.
Với chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp và đô thị của vùng kinh tế trọng điểm, tỉnh Long An đang tích cực thực hiện từ nguồn vốn đầu tư công để đảm bảo tiến độ.
Tạo bứt phá từ 3 công trình trọng điểm
Theo ông Huỳnh Văn Sơn, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Long An triển khai 3 công trình trọng điểm, gồm: Đường Vành đai TP Tân An và cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây; Đường tỉnh 830E (đoạn từ nút giao cao tốc đến đường tỉnh 830); Đường tỉnh 827E (Quốc lộ 50B).
Đến thời hiện tại, ngoài đường Vành đai TP Tân An đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, tỉnh Long An đang tập trung các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình trọng điểm ĐT830E và ĐT 827E.
Dự án (DA) đầu tư xây dựng ĐT830E có tổng mức đầu tư 3.707 tỉ đồng gồm DA đầu tư xây dựng và giải phóng mặt bằng (GPMB). Quy mô giai đoạn 1 đầu tư 2 đường song hành dọc theo tuyến, mỗi đường song hành gồm 2 làn xe hỗn hợp rộng 7m, 1 làn xe thô sơ rộng 2,5m và đầu tư các cầu vượt sông trên đường song hành 2 bên. Phần đường nối ra ĐT830 với quy mô hoàn chỉnh 6 làn xe, rộng 20m, nền đường rộng 30m.
Ở giai đoạn hoàn chỉnh là đường cao tốc 8 làn xe chạy, 2 làn dừng khẩn cấp; phần đường song hành 4 làn xe hỗn hợp (mỗi chiều 2 làn). DA ĐT830E khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ tạo trục kết nối giao thông quan trọng từ các tuyến ĐT của địa phương với QL1, đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP.HCM.
Đến nay, tiến độ các gói thầu xây dựng trên công trình trọng điểm ĐT830E có nhiều chuyển biến tích cực. Để bảo đảm tiến độ công trình, các đơn vị thi công tập trung nhân lực, vật lực, phương tiện, máy móc đẩy nhanh tiến độ thi công các gói thầu nhằm sớm đưa công trình hoàn thành phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
DA ĐT827E (nay là QL50B) đi qua địa bàn tỉnh gồm 35,6km từ ranh giới tỉnh Long An - TPHCM, thuộc xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc và điểm cuối tại ranh giới tỉnh Long An - Tiền Giang thuộc xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành. DA sau khi hoàn thành sẽ tạo bước đột phá về hạ tầng giao thông, đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp - thương mại - dịch vụ cho các huyện: Châu Thành, Tân Trụ, Cần Đước và Cần Giuộc cũng như của tỉnh.
Đây là công trình được kỳ vọng góp phần tạo động lực phát triển cho cả vùng Tây Nam Bộ, đặc biệt là tạo thành trục động lực kết nối phát triển của 3 địa phương: TP.HCM - Long An - Tiền Giang. Trước mắt, tỉnh Long An sẽ tập trung các nguồn lực để thực hiện công tác GPMB và đầu tư xây dựng phần đường dẫn vào các cầu trên ĐT827E (cầu Cần Giuộc, cầu Vàm Cỏ Đông và cầu Vàm Cỏ Tây) để kết nối các cầu với các tuyến ĐT và QL nhằm phát huy hiệu quả việc đầu tư DA xây dựng 3 cầu bằng vốn vay ODA.