Kinh tế thế giới

Nhiều doanh nghiệp phương Tây tiếp tục "rời xa" Trung Quốc

Nam Trần 13/09/2024 03:30

Sức mua chậm lại và công việc kinh doanh khó khăn hơn đang khiến các công ty phương Tây ngừng rót vốn vào Trung Quốc.

cover_image_1611940205.jpg.760x400_q85_crop_upscale.jpg
Từng là thị trường sản xuất và tiêu dùng hấp dẫn, Trung Quốc giờ ngày càng bị doanh nghiệp Châu Âu và Mỹ quay lưng

Nhiều doanh nghiệp đa quốc gia đang dần xa lánh thị trường Trung Quốc từng một thời hấp dẫn. Họ giảm rót vốn đầu tư và thu hẹp hoạt động tại quốc gia này, với lý do tăng trưởng chậm lại và lợi nhuận suy giảm.

Xu hướng đầu tư ảm đạm này được nhấn mạnh trong hai báo cáo mới đây từ Phòng Thương mại Châu Âu (EuroCham) tại Trung Quốc và Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Thượng Hải.

“Rủi ro khi kinh doanh ở Trung Quốc đã tăng lên trong vài năm qua và cùng lúc đó thị trường đang chậm lại,” ông Eric Zheng, Chủ tịch AmCham tại Thượng Hải, cho biết.

Một cuộc thăm dò của Phòng Thương mại Mỹ cho thấy tỷ lệ các doanh nghiệp xếp Trung Quốc là điểm đến đầu tư hàng đầu của trụ sở chính đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi cuộc khảo sát hàng năm này bắt đầu 25 năm trước.

Số liệu CPI Trung Quốc công bố ngày 8/9 cho thấy nền kinh tế số hai thế giới đang gặp vấn đề với người tiêu dùng trong nước. CPI tháng 8 tăng chủ yếu do giá thực phẩm đang vào giai đoạn khan hiếm vì thiên tai, trong khi giá tiêu dùng ở nhiều lĩnh vực khác trừ chi phí thực phẩm, suy giảm hoặc đứng yên. Thu nhập của người dân cũng đang suy giảm.

Tình trạng giảm phát của nền kinh tế Trung Quốc cũng đã kèo dài 5 quý liên tiếp và có thể kéo dài đến tận năm 2025. Đây được cho là chuỗi giảm phát dài nhất của Trung Quốc kể từ khi có dữ liệu vào năm 1993.

Khi người dân không hứng thú chi tiêu, Trung Quốc đang mất dần động lực giữ chân các doanh nghiệp nước ngoài. Tháng 8, WSJ chỉ ra rằng chính quyền thành phố Thượng Hải đã bày tỏ quan ngại trước việc Apple tìm cách đa dạng hóa sản xuất một số sản phẩm điện tử sang các quốc gia như Ấn Độ và Việt Nam.

Ngoài suy thoái kinh tế kéo dài, cạnh tranh ngày càng gay gắt, căng thẳng địa chính trị và sự gia tăng của các điểm đến sản xuất thay thế ở Châu Á cũng là lý do. Các phòng thương mại cho biết tỷ suất lợi nhuận tại Trung Quốc không còn vượt trội so với các thị trường khác.

Tháng trước, tập đoàn bán lẻ Walmart đã bán cổ phần của một trong những nền tảng thương mại điện tử chính của Trung Quốc với giá 3,6 tỷ USD. IBM cũng đã đóng cửa các viện R&D tại Trung Quốc, ảnh hưởng đến hơn 1.000 việc làm.

Ngành xe hơi được cho bị ảnh hưởng nhiều nhất, khi các tập đoàn đa quốc gia ngày càng làm ăn thất bát tại Trung Quốc. Ở đây, hầu hết các xe mới được bán là xe điện hoặc xe hybrid sạc điện của các nhà sản xuất Trung Quốc.

Gần đây, Honda Motor của Nhật Bản đã tạm dừng sản xuất tại ba nhà máy ở Trung Quốc và giảm nhân sự thông qua chương trình về hưu tự nguyện. Doanh số bán hàng của hãng tại Trung Quốc giảm 32% xuống còn 209.000 xe trong quý 2.

Hyundai của Hàn Quốc đã bán một nhà máy vào năm 2021 và đóng cửa thêm một nhà máy nữa vào năm sau. Tháng 1 vừa qua, Hyundai đã bán nhà máy thứ ba ở Trung Quốc cho một công ty địa phương với giá hơn 227 triệu USD. Trong khi đó, Hyundai đang mở rộng hoạt động tại Ấn Độ.

-1x-1 (3)
Các tập đoàn sản xuất đa quốc gia đang chuyển hướng sang các nước như Ấn Độ và Việt Nam (Ảnh: Nikkei Asia)

Năm 2023, dòng vốn nước ngoài vào Trung Quốc đã giảm 8%, xuống còn khoảng 159 tỷ USD - mức giảm đầu tiên kể từ năm 2012. Thay thế vào đó là Indonesia, nơi hiện đang thu hút nhiều hơn các khoản đầu tư mới xây dựng cơ sở hạ tầng từ đầu.

Trong một cuộc khảo sát hàng năm do EuroCham thực hiện vào tháng 5/2024, 15% lãnh đạo doanh nghiệp được hỏi cho biết Trung Quốc là điểm đến đầu tư hàng đầu của họ. Con số này thấp hơn trung bình khoảng 20% trong những năm trước đây, theo WSJ thống kê.

Bên cạnh đó, khoảng 20% trong số 306 đại diện doanh nghiệp được AmCham tại Thượng Hải khảo sát cho biết họ sẽ cắt giảm đầu tư vào Trung Quốc trong năm nay, do lo ngại về tăng trưởng và chuyển hướng đầu tư sang các địa điểm như Ấn Độ và Việt Nam.

Vào giữa tháng 8, Bộ Thương mại Trung Quốc đã họp với các công ty nước ngoài đang thực hiện các khoản đầu tư lớn tại nước này và hứa sẽ giải quyết mọi rào cản về tài chính và thủ tục hành chính mà họ gặp phải một cách kịp thời. Trong số đó có công ty sản xuất đồ chơi Lego và công ty dược phẩm Moderna.

Một thập kỷ hoặc hai thập kỷ trước, các công ty đa quốc gia đổ xô vào Trung Quốc, bị thu hút bởi lực lượng lao động rẻ và dồi dào, cùng với tiềm năng mua sắm của 1,4 tỷ người. Lúc đó, các công ty nước ngoài bán sản phẩm cho một thị trường háo hức với sản phẩm của họ và có thể tính giá cao hơn. Các đối thủ Trung Quốc sau đó đã cải tiến công nghệ và sản phẩm. Sự cạnh tranh trong nước đang gia tăng trong các ngành công nghiệp như ô tô, thép, thời trang thể thao và các lĩnh vực khác, thường đi kèm với các cuộc chiến giá cả khốc liệt.

Tuy nhiên, hầu hết các công ty không hoàn toàn từ bỏ Trung Quốc. Đa số đang cố gắng duy trì hoạt động hiện tại, một số cho rằng việc theo kịp công nghệ của Trung Quốc giúp họ nâng cao lợi thế cạnh tranh. Walmart đang mở rộng số lượng cửa hàng Sam’s Club tại quốc gia này.

"Đối với một số ngành hàng, Trung Quốc vẫn là thị trường không thể bỏ qua. Trong ngành ô tô, đây là thị trường lớn nhất thế giới tính theo doanh số bán ra. Nếu nhu cầu trong nước tăng lên, Trung Quốc sẽ trở lại là ưu tiên đầu tư hàng đầu cho các tập đoàn đa quốc gia, ông Allan Gabor, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải," cho biết.

Nam Trần