Vì sao Trung Quốc tăng cường quan hệ với các nước Nam bán cầu?
Các nước Nam bán cầu có thể giúp Trung Quốc tránh các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Bắc Kinh đang tìm cách tăng cường quan hệ với các nước đang phát triển thuộc Nam bán cầu để mở rộng thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng thiết yếu, cũng như quyền tiếp cận các cảng và căn cứ quân sự tiềm năng của khu vực này.
Đối với Trung Quốc, các nước Nam bán cầu đã trở thành một khu vực chiến lược quan trọng mới về kinh tế địa chính trị. Tính toán chiến lược này dựa trên sự dịch chuyển trọng tâm kinh tế từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển (bao gồm cả Trung Quốc) đã kéo dài hàng thập kỷ.
Dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển chiếm 44% GDP thế giới tính theo sức mua vào năm 2000. Ngày nay, các nền kinh tế này đóng góp 59% GDP toàn cầu. IMF ước tính tỷ lệ này sẽ tăng lên 62% vào năm 2029.
Một cách khác để đo lường sức mạnh kinh tế đang gia tăng của các nước đang phát triển là xem xét số lượng các quốc gia ngoài phương Tây nằm trong nhóm các nền kinh tế lớn nhất thế giới tính theo giá trị đồng USD.
Nhóm chuyên gia của Goldman Sachs Group Inc. dự đoán, năm 2022 Mỹ và các đồng minh chiếm 10 trong số 15 nền kinh tế hàng đầu. Đến năm 2050, các nước này sẽ chỉ chiếm 6 vị trí. Các vị trí còn lại, bao gồm 3 trong số 5 vị trí đứng đầu, sẽ thuộc về các nền kinh tế ngoài phương Tây.
Theo quan điểm của Bắc Kinh, sự dịch chuyển địa kinh tế này sẽ gây tổn hại đến một số nước như Italia, Australia và Tây Ban Nha, khi tầm quan trọng của các quốc gia này sẽ giảm đáng kể so với hiện tại. Đồng thời, một số quốc gia đang phát triển, bao gồm Ấn Độ, Indonesia, Brazil, Mexico và Nigeria sẽ đảm nhiệm vai trò then chốt trong nền kinh tế toàn cầu.
Do đó, ông Minxin Pei, Giáo sư chính trị tại Đại học Claremont McKenna đánh giá, việc mở rộng quan hệ kinh tế với các nước Nam bán cầu có ý nghĩa to lớn đối với Trung Quốc theo hai cách. Đầu tiên, sự tăng trưởng của các nền kinh tế Nam bán cầu sẽ tạo ra nhu cầu tự nhiên đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc, vốn đang phải đối mặt với các rào cản thương mại cao hơn ở phương Tây.
Trên thực tế, ông Minxin Pei chỉ ra, tỷ lệ hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là ở Đông Nam Á, đã tăng đáng kể trong những năm gần đây. Thương mại hàng hóa song phương giữa Trung Quốc và khu vực này đạt 515 tỷ USD vào năm 2017. Con số này đã tăng lên 911 tỷ USD vào năm ngoái, đưa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.
Thứ hai, bên cạnh việc cung cấp cho Trung Quốc đầu ra quan trọng cho các sản phẩm và công nghệ, các nền kinh tế đang phát triển còn giúp Trung Quốc né tránh các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Các khoản đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc sẽ giúp những nước đang phát triển sản xuất hàng hóa bằng linh kiện nhập từ Trung Quốc, sau đó xuất khẩu sang các thị trường phương Tây. Chẳng hạn, một phần lớn hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang ASEAN là các linh kiện trung gian, được sử dụng để sản xuất hàng hóa cho thị trường Mỹ.
Phương Tây có thể sẽ cố gắng đóng các "cửa sau" này lại, nhưng chi phí để kiểm soát thương mại với các nước đang phát triển có thể rất cao. Các công ty Trung Quốc có thể dễ dàng chuyển đầu tư và thiết lập các cơ sở lắp ráp, như đã thấy qua sự phát triển đáng kể của Malaysia, Thái Lan và Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu cho tấm pin năng lượng mặt trời.
Hơn nữa, nhiều nước đang phát triển hoan nghênh các khoản đầu tư của Trung Quốc vì chúng tạo ra việc làm trong nước. Áp dụng thuế quan đối với các quốc gia này vì sử dụng các thành phần do Trung Quốc sản xuất sẽ không giúp Mỹ giành được ưu thế trong khu vực; đồng thời mang đến cho Trung Quốc sức mạnh chiến lược để có thể đối trọng với Mỹ.
Tuy nhiên, theo ông Peter T.C. Chang, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Đại học Malaya, Kuala Lumpur, Malaysia, các nước Nam bán cầu là một nhóm đa dạng. Ấn Độ đang chuẩn bị trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong vài năm tới, là một đối thủ đáng gờm. Các thành viên chủ chốt khác, như Mexico và Ai Cập về mặt lịch sử có mối quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ so với Trung Quốc.
Mặt khác, các nước đang phát triển sẽ hoan nghênh các sáng kiến từ Mỹ và các đồng minh, cũng như tìm kiếm những thỏa thuận thương mại có lợi hơn cho nền kinh tế của họ.
Trong ngắn hạn, Bắc Kinh đang phải đối mặt với những lời kêu gọi về việc xóa nợ cho các nước đang phát triển. Về lâu dài, Trung Quốc có thể khiến các đối tác thương mại mới cảm thấy lo ngại nếu nước này duy trì thặng dư thương mại lớn, giống như đã xảy ra với phương Tây trong hai thập kỷ qua.
Mặc dù vậy, những thách thức này sẽ khó có thể ngăn Bắc Kinh tăng cường quan hệ với các nước đang phát triển, nhất là khi mối quan hệ kinh tế của Trung Quốc với phương Tây vẫn đang trong trạng thái căng thẳng.