Có cần thiết luật hóa công chứng thông tin doanh nghiệp?
Luật hóa công chứng thông tin doanh nghiệp được đề xuất đưa vào Luật Công chứng đang sửa đổi được cho là giải pháp để ngăn chặn “công ty ma”, liệu có khả thi?
Theo đó, trước hiện trạng các “công ty ma” gây ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư kinh doanh, không ít ý kiến gợi ý bổ sung thêm công chứng xác thực thông tin doanh nghiệp trong Luật và đặc biệt là trong Luật Công chứng đang được sửa đổi. Đây được cho là giải pháp hữu hiệu để tăng tính xác thực, minh bạch đủ sức để ngăn chặn hiện trạng đã nêu.
Vậy, việc luật hóa công chứng thông tin doanh nghiệp có cần thiết? Làm sao để nâng cao tính hiệu quả của chính sách?
Xoay quanh vấn đề đã nêu, không ít ý kiến cho hay, hiện nay một số thông tin doanh nghiệp ở Việt Nam đã có cơ chế đảm bảo tính xác thực mà không cần có sự tham gia của công chứng như những thông tin được ghi nhận trong Giấy chứng nhận đầu tư hay Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Do đó, nếu bổ sung thêm công chứng xác thực thông tin doanh nghiệp trong Luật và đặc biệt là trong Luật Công chứng đang được sửa đổi, thì cần lưu ý về chính sách hướng tới hạn chế “công ty ma”, vậy các đề xuất về luật hóa công chứng thông tin doanh nghiệp có giúp hạn chế được “công ty ma” hay không cần được bàn luận…
Cho ý kiến về vấn đề này, Công chứng viên Ninh Thị Hiền - Trưởng Văn phòng Công chứng Ninh Thị Hiền chia sẻ, hiện nay công chứng Điều lệ chưa được quy định trong Luật Doanh nghiệp hay Luật Đầu tư nên nếu người yêu cầu công chứng tự nguyện yêu cầu thì thủ tục công chứng có nhiều đặc thù và chưa có sẵn để công chứng viên và người yêu cầu công chứng thực hiện. Vì vậy, khi tiến hành sửa đổi bổ sung các luật trên nội dung “Điều lệ công ty được công chứng” nên được bổ sung.
Đồng quan điểm, từ thực tiễn xét xử, Thẩm phán Nguyễn Thị Thuỳ Dung - Phó Chánh án TAND TP Hồ Chí Minh cho biết, các vụ án về tranh chấp kinh doanh thương mại và vụ án hình sự liên quan đến tội phạm kinh tế gia tăng sau đại dịch COVID-19 dẫn đến thiệt hại về kinh tế, thiệt hại về uy tín Việt Nam trên thương trường thế giới. Do đó, hệ thống pháp luật của Việt Nam cần tăng cường tính xác thực, minh bạch của doanh nghiệp và cần có trình tự thủ tục cho cơ quan công chứng để dễ dàng thực hiện.
Trong khi đó, theo TS Phan Hoài Nam - Phó Trưởng khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, Luật Công chứng Việt Nam hiện hành cũng như các văn bản hướng dẫn chưa có sự ghi nhận về trường hợp công chứng bắt buộc đối với hồ sơ thành lập doanh nghiệp cũng như văn bản, giấy tờ nội bộ của doanh nghiệp.
Bộ luật Dân sự năm 2015 không quy định cụ thể về việc công chứng giấy ủy quyền, mà chỉ dừng lại ở việc quy định chung về thời hạn, hình thức ủy quyền. Tương tự, Điều 24 Luật Doanh nghiệp và Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp cho thấy thủ tục thành lập và thay đổi đăng ký doanh nghiệp tương đối dễ dàng, không bắt buộc hồ sơ khi nộp đến Phòng Đăng ký kinh doanh phải thông qua công chứng.
Ông Nam cho hay, một số nước như Ba Lan và Cộng hòa Liên bang Đức, công chứng viên có nhiệm vụ xác minh tính tuân thủ pháp luật của các văn bản được yêu cầu công chứng trong hồ sơ thành lập doanh nghiệp. Trong khi đó, theo pháp luật Việt Nam (khoản 3 Điều 8 Luật Doanh nghiệp 2020), doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và các báo cáo nội bộ doanh nghiệp.
Thậm chí, hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp, chuyển nhượng cổ phần và giấy đề nghị thay đổi thành viên góp vốn cũng không bắt buộc phải công chứng. Xuất phát từ quy định thông thoáng về mặt thủ tục, các doanh nghiệp không gặp quá nhiều khó khăn khi thành lập doanh nghiệp. Điều này đã vô tình tạo nên khe hở khiến cho các đối tượng có mục đích xấu lợi dụng qua các vấn nạn giả chữ ký, thuê người làm người đại diện theo pháp luật, thành lập “công ty ma” để mua bán hóa đơn, hợp pháp hóa hành vi rửa tiền, chuyển nhượng vốn góp, cổ phần bất hợp pháp.
Vì vậy, vị chuyên gia này kiến nghị, hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp cần được ràng buộc chặt chẽ hơn thông qua hoạt động công chứng, trong khi vấn đề thành lập doanh nghiệp thuộc phạm điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp 2020. Do đó, cần bổ sung hình thức công chứng đối với các hồ sơ, cụ thể hồ sơ hợp lệ (Điều 4) cần được bổ sung thành “là hồ sơ có đầy đủ giấy tờ được kê khai đầy đủ theo quy định của luật này và nội dung các giấy tờ đó được công chứng hợp lệ theo quy định của pháp luật về công chứng”.
“Các văn bản dưới Luật như Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp cần thiết cũng phải sửa đổi yêu cầu đối với các tài liệu trong hồ sơ doanh nghiệp như giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp”, vị này cho hay.
Đồng thời cho rằng, song song với đó, Luật Công chứng 2014 hiện đang có Dự thảo sửa đổi, nên bổ sung thêm quyền hạn của công chứng viên đối với các loại tài liệu cần công chứng đã được quy định trong Luật Doanh nghiệp từ khi thành lập doanh nghiệp đến những tài liệu nội bộ trong quá trình hoạt động. Chẳng hạn như các loại hợp đồng, giao dịch, hồ sơ thành lập doanh nghiệp, điều lệ công ty, các biên bản họp Hội đồng quản trị, Đại hội cổ đông... là trường hợp cần công chứng trong Dự thảo Luật.