Nghiên cứu - Trao đổi

Mở rộng đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Yến Nhung 14/09/2024 00:10

Cần mở rộng tối đa đấu giá quyền khai thác khoáng sản để khắc phục tình trạng “xin – cho” trong cấp phép khai thác khoáng sản.

Đây là nội dung góp ý của nhiều ĐBQH, nhà khoa học và chuyên gia đề xuất nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản (Dự thảo Luật).

dau gia
Mở rộng các trường hợp đấu giá quyền khai thác khoáng sản sẽ mang lại lợi ích lớn cho ngân sách, đồng thời tạo môi trường kinh doanh minh bạch. (Tổ chức đấu giá khai thác mỏ khoáng sản ở Chí Linh, Hải Dương. Ảnh: H.D)

Dự thảo dự kiến trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Bất cập trong cấp phép khai thác mỏ

Dự thảo gồm 117 Điều và được bố cục thành 12 chương, tăng 1 chương và 31 Điều so với Luật Khoáng sản năm 2010. Trong đó, đấu giá quyền khai thác khoáng sản là vấn đề nóng được nhiều sự quan tâm, góp ý của các chuyên gia. Nội dung này được đưa vào Dự thảo nhằm tăng cường tính minh bạch của lĩnh vực này.

Theo báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Khoáng sản năm 2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ có 6 giấy phép được cấp theo hình thức đấu giá trong tổng số 421 giấy phép khai thác khoáng sản, chiếm tỷ lệ 1,4%. Đối với các giấy phép do UBND cấp tỉnh cấp, có 394/4.279 giấy phép được cấp theo hình thức đấu giá (9,2%). Có thể thấy, đây là những tỷ lệ rất thấp.

Do lỗ hổng trong quy định đấu giá quyền khai thác, trong hàng nghìn giấy phép khai thác đã được cấp thời gian qua, có nhiều giấy phép được cấp không đúng thẩm quyền, cấp khi chưa có quy hoạch được duyệt, cấp khi chưa có đánh giá tác động môi trường, cấp khi chưa có đánh giá về trữ lượng… Nhiều đơn vị có tiềm năng khai thác, chế biến khoáng sản lại không được cấp phép, trong khi nhiều nhóm không hoạt động trong lĩnh vực khai thác, không có nhân lực, trang thiết bị, lại được cấp phép và sau đó “sang tay”, chuyển nhượng để thu lợi.

Do đó, muốn khống chế và triệt tiêu tận gốc vấn nạn này trước hết cần phải ưu tiên hoàn thiện hành lang pháp lý điều chỉnh về đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo hướng quy định chặt chẽ, có tiêu chí cụ thể rõ ràng để hạn chế những kẽ hở có thể được sử dụng để trục lợi chính sách.

Hạn chế tình trạng “xin - cho”

Xoay quanh vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, quy định tại Dự thảo vẫn chưa khắc phục được tình trạng "xin - cho" trong cấp quyền khai thác khoáng sản, do đó cần sửa đổi hoàn thiện quy định chặt chẽ hơn.

Nêu quan điểm về vấn đề này, Luật sư Lê Thanh Sơn, Trưởng văn phòng luật sư AIC (Hà Nội) cho biết, quy định khu vực đấu giá, không đấu giá trong Dự thảo gần như không có sự thay đổi với Luật Khoáng sản 2010. Đây là sự kế thừa các quy định tại Điều 22 Nghị định 158/2016/NĐ-CP và nâng lên thành luật có thể dẫn tới việc sửa đổi các quy định khu vực đấu giá, không đấu giá mất nhiều thời gian, có thể từ 5 - 10 năm. Điều này vô hình trung đang bảo vệ sự tồn tại cơ chế “xin - cho” trong quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản.

“Các quy định của pháp luật cần phải áp dụng tối đa các cơ chế thị trường như đấu giá, đấu thầu để hạn chế tới mức tối thiểu tình trạng “xin - cho” quyền khai thác khoáng sản. Cụ thể, Luật cần quy định tất cả các quyền khai thác khoáng sản phải được cấp thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản hoặc đấu thầu dự án khoáng sản, trừ những khu vực chứa khoáng sản năng lượng phóng xạ, hạt nhân, khu vực vành đai biên giới, khu vực chiến lược về an ninh, quốc phòng", ông Sơn kiến nghị.

Đồng tình với quan điểm nêu trên, tại văn bản góp ý Dự thảo, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Điều 104 Dự thảo quy định về khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Cụ thể, Dự thảo quy định ngoài các trường hợp cụ thể được quy định tại Luật, khu vực không đấu giá còn có thể do Chính phủ quy định (điểm e) hoặc do Thủ tướng quyết định (điểm d).

Theo VCCI, quy định này tạo không gian rất rộng cho tình trạng “xin - cho” khi tiêu chí khoanh định khu vực không đấu giá quá rộng, tương tự như cách thiết kế của Luật Khoáng sản 2010. Thực tế, báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Khoáng sản 2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy đa số các mỏ khoáng sản vẫn được cấp phép chủ yếu theo hình thức “xin-cho”.

Mở rộng các trường hợp đấu giá

Bên cạnh đó, Dự thảo quy định các khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản nếu khoáng sản đã được quy hoạch là nguồn nguyên liệu cho các dự án chế biến ra sản phẩm công nghiệp. VCCI đánh giá, quy định này có nội hàm rất lớn, bao trùm nhiều loại khoáng sản quan trọng, đặc biệt là nhóm khoáng sản kim loại như quặng bauxite, quặng titan, quặng sắt… Đây đều là những loại khoáng sản còn nhiều tiềm năng khai thác, có giá trị thương mại lớn.

Trong khi đó, hiệu quả của công tác đấu giá đã được ghi nhận trên thực tế. Giá trúng đấu giá của 6 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp cao hơn giá khởi điểm 76% (tính theo bình quân không gia quyền).

“Như vậy, nếu mở rộng các trường hợp đấu giá sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho ngân sách, đồng thời tạo môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh cho các doanh nghiệp”, VCCI nhấn mạnh.

Đối với các trường hợp loại trừ các khu vực khoáng sản không đấu giá, VCCI cho rằng, vẫn có thể được thay thế bằng việc thêm các điều kiện để được tham gia đấu giá. Ví dụ như các khu vực khoáng sản tại biên giới, ven biển, khu vực có ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh thì hạn chế nhà đầu tư nước ngoài hoặc thêm thủ tục thẩm tra điều kiện về an ninh đối với nhà đầu tư trước khi đấu giá.

Yến Nhung