Hoàn thiện cơ chế thúc đẩy năng lượng tái tạo
Góp ý sửa đổi Luật Điện lực, các chuyên gia đưa ra nhiều đề xuất nhằm hoàn thiện cơ chế thúc đẩy năng lượng tái tạo.
Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi (Dự thảo) có 9 Chương, 121 Điều (tăng 51 Điều so với Luật hiện hành), trong đó, giữ nguyên 01 Điều so với Luật hiện hành. Trong đó, vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm góp ý nhiều nhất chính là năng lượng tái tạo, các điều khoản áp dụng đối với loại hình điện mặt trời mái nhà.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với các thách thức về biến đổi khí hậu và nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, việc phát triển ngành điện lực, đặc biệt là năng lượng tái tạo, trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật liên quan đến điện lực hiện nay của nước ta, đặc biệt là Luật Điện lực, vẫn còn nhiều bất cập cần được điều chỉnh để thích ứng với tình hình mới, để phát triển năng lượng tái tạo và các loại năng lượng mới, trong Dự thảo cần làm rõ chính sách cũng như tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp khi tham gia đầu tư.
Về vấn đề này, đại diện Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), bà Phạm Linh Ngân, Trưởng Ban Thư ký Nhóm Công tác về Điện và Năng lượng ghi nhận, Dự thảo lần này giải quyết những vấn đề tồn đọng trong việc phát triển năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, cần bổ sung định nghĩa về năng lượng tái tạo có thể điều độ (Điều 4). Bởi Dự thảo định nghĩa điện năng lượng tái tạo bằng cách liệt kê các nguồn năng lượng khác nhau và được hiểu là vốn thường không/khó điều độ được. Nhưng thật ra năng lượng tái tạo có thể điều độ được khi được phát triển cùng với các hệ thống lưu trữ điện năng.
“Do đó, việc giới thiệu khái niệm “nguồn năng lượng tái tạo có thể điều độ” trong Luật là rất quan trọng. Đây sẽ là cơ sở để Chính phủ nghiên cứu và thiết lập các chính sách phù hợp. EVN cũng sẽ có thể mua điện dựa trên yêu cầu điều độ hệ thống, loại bỏ đặc điểm khó điều độ vốn có của các nguồn tái tạo. Sự thay đổi này cũng sẽ đặt trách nhiệm duy trì hệ thống điện ổn định và tin cậy lên các nhà đầu tư”, bà Ngân phân tích.
Bên cạnh đó, điểm b khoản 2 Điều 15 Dự thảo quy định Bộ Công Thương quyết định điều chỉnh tiến độ các dự án trong thời kỳ quy hoạch; phương án đấu nối các dự án nguồn điện theo phạm vi phân cấp về quy hoạch…
VBF cũng đề nghị làm rõ Bộ Công Thương liệu có thẩm quyền phê duyệt phạm vi kết nối lưới điện của các dự án điện gió ngoài khơi trong kế hoạch thực hiện quy hoạch hay không? Dự thảo Luật có trao cho Thủ tướng thẩm quyền chung để quyết định bổ sung các dự án mới vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia hay không, hay chỉ có thẩm quyền bổ sung các dự án để thay thế các dự án chậm tiến độ trong quy hoạch?
Về tiêu chí để dự án điện lực được đánh giá là phù hợp với Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, phương án phát triển mạng lưới cấp điện (khoản 1, Điều 18), VBF cho rằng, Dự thảo cần cung cấp thêm chi tiết và thủ tục về việc đề xuất đưa một dự án vào Quy hoạch Điện hoặc kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện, và miễn trừ khỏi việc liệt kê trong trường hợp của các dự án điện gió ngoài khơi thí điểm (nếu dự án thí điểm đó được phê duyệt theo nghị quyết đặc biệt của Quốc hội hoặc quyết định của Thủ tướng Chính phủ).
Ghi nhận việc chấp nhận sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trong các dự án điện gió ngoài khơi là một tín hiệu tích cực (Điều 32), song VBF đề nghị cần làm rõ các quy định liên quan đến tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong các dự án điện gió ngoài khơi ban đầu.
Ngoài ra, VBF cũng đề nghị việc hạn chế chuyển nhượng dự án điện gió ngoài khơi chỉ nên đến giai đoạn trước khi dự án đủ các điều kiện tuân thủ các quy định pháp luật đầu tư, xây dựng có thể công nhận vận hành thương mại (COD) là đủ nghiêm ngặt thay vì quy định tại Khoản 1, Điều 33 chỉ được chuyển nhượng sau khi dự án đã vận hành và phát điện theo quy định. Đồng thời, bổ sung các trường hợp được miễn áp dụng khung giá phát điện do Bộ Công Thương phê duyệt bao gồm luôn “nhà máy điện theo cơ chế thí điểm” và “nhà máy điện vận hành theo quy định của hợp đồng mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng”.
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Phạm Đăng An, Phó Tổng giám đốc Vũ Phong Energy Group cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất, nhất là trong các khu công nghiệp, khu chế xuất đang rất cần đầu tư điện mặt trời mái nhà để đáp ứng các mục tiêu về giảm phát thải, thực hành phát triển bền vững, hay các tiêu chuẩn môi trường xanh, các yêu cầu về tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo từ chuỗi cung ứng toàn cầu…
Vậy nhưng, cơ chế để lắp điện mặt trời mái nhà vẫn còn chưa hoàn thiện, nhiều công trình điện mặt trời được lắp đặt đến nay vẫn chưa có phương án xử lý.
Trước thực tế đó, ông Phạm Đăng An nhận định, việc sớm có hành lang pháp lý phát triển điện mặt trời mái nhà là rất cần thiết. Trong Dự thảo lần này đã bao gồm các phần đề cập đến việc bán buôn điện giữa các bên thứ 3, nhưng cần bổ sung thêm các quy định cụ thể để khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư vào lĩnh vực này vì nếu để một doanh nghiệp sản xuất tự đầu tư, tự vận hành để phục vụ cho chính mình thì rất khó.
“Theo đó, cần có quy định cho phép các nhà đầu tư thứ 3 tham gia đầu tư điện mặt trời mái nhà thông qua các mô hình hợp tác như hợp đồng mua bán điện (PPA), điều này sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính cần thiết, giảm thiểu áp lực về dòng tiền và thúc đẩy sự phát triển năng lượng tái tạo. Điều này rất cần thiết trong bối cảnh các doanh nghiệp đang hướng tới mục tiêu sử dụng năng lượng tái tạo và cần những giải pháp tài chính linh hoạt để thực hiện chuyển đổi xanh”, ông An nhấn mạnh.