Băn khoăn công viên bãi giữa sông Hồng
Sau cơn bão Yagi, ý tưởng xây dựng công viên bãi giữa sông Hồng cần phải xem xét thêm nhằm tránh những rủi ro đã thấy.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão Yagi, mức lũ tại sông Hồng đã đạt đỉnh trong vòng 20 năm, gây đảo lộn cuộc sống sinh hoạt của người dân Hà Nội.
Bên cạnh công tác triển khai khắc phục thiệt hại sau bão, vấn đề quy hoạch đô thị ven sông Hồng lại được đặc biệt quan tâm. Bởi lẽ, tại Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, đã có quy định tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống phù hợp với Quy hoạch Thủ đô và Quy hoạch chung Thủ đô. TP Hà Nội được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch.
Trước đó, ngày 25/3/2022, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1045/QĐ-UBND, phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000, thuộc địa giới hành chính 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện. Sau khi được phê duyệt, UBND TP Hà Nội giao UBND 13 quận, huyện và Sở NN&PTNT lập bản vẽ ranh giới tỷ lệ 1/500 các khu dân cư hiện có được tồn tại, bảo vệ; tổ chức lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với các khu dân cư hiện có được tồn tại, bảo vệ; xác định cụ thể pháp lý về sử dụng đất đối với từng lô đất trong khu dân cư hiện có, làm cơ sở cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cấp giấy phép xây dựng theo quy định. Tuy nhiên, sau 2 năm, việc lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 vẫn đang bị bỏ ngỏ.
Bàn về đô thị ven sông Hồng, TS KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, cho biết từ thực tiễn từ bão số 3 - bão Yagi cho thấy bài toán về đô thị ven sông Hồng cần cần có sự điều chỉnh và ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến hơn, thúc đẩy nghiên cứu các giải pháp khoa học mới, như xây dựng hạ tầng chống ngập, phát triển nhà nổi và sử dụng vật liệu bền vững cho các khu dân cư ven sông.
Nêu việc quy hoạch phân khu sông Hồng hiện chỉ giới hạn ở khoảng 40km qua trung tâm Hà Nội nhưng dân số dự kiến tăng từ 210.000 lên 300.000 người vào năm 2030, ông Nghiêm cho rằng việc này đòi hỏi cần có những quy hoạch chi tiết hơn, nhằm tránh tái diễn những rủi ro đã thấy trong đợt bão vừa qua.
Cũng theo vị chuyên gia, hàng chục năm qua, quy hoạch khu vực ven sông Hồng và Bãi Giữa đã được quan tâm và có nhiều nghiên cứu của cả trong và ngoài nước. Ngay từ sau hòa bình lập lại (1954) đã bước đầu có nghiên cứu khai thác quỹ đất ven sông để xây dựng các mô hình nhóm nhà ở, tiểu khu nhà ở theo mô hình xã hội chủ nghĩa. Năm 1992 đã lập quy hoạch ven sông để đảm bảo an toàn dân cư và khu vực Bãi Giữa.
Để có định hướng phát triển đảm bảo an toàn, Viện Nghiên cứu Thủy Lợi (1997 – 2002) đã xây dựng quy hoạch thoát lũ, chỉnh trị sông Hồng. Năm 1994, Văn phòng Kiến trúc sư trưởng thành phố đã lập quy hoạch xây dựng hai bên sông Hồng. Bộ Giao thông Vận tải (1997 – 1998) đã nghiên cứu giao thông thủy sông Hồng. Trong thời gian từ 1992 đến 2008 (mở rộng Hà Nội) đã có gần 20 dự án của cả trong và ngoài nước nghiên cứu về đầu tư xây dựng Bãi Giữa, ven sông Hồng.
Trong đó có thể kể đến như Khu đô thị Phúc Xá 1994 (Singapore nghiên cứu giúp đỡ); Xây dựng Công viên văn hóa Bãi Giữa sông Hồng (Ý, Trung Quốc); Cải tạo, chỉnh trang hai bên sông Hồng (Hội Khoa học Thủy lợi nghiên cứu 2003)…
Dự án các khu đô thị: Bát Tràng, Cự Khối, Thạch Bàn, Bồ Đề, Thăng Long… do doanh nghiệp Việt Nam đề xuất và nghiên cứu; Dự án phát triển Du lịch sông Hồng (2000); Dự án Khu đô thị khoa học Tầm Xá – ven sông (Công ty Indochinia – Lan, Mỹ nghiên cứu); Năm 2002 UBND Thành phố Hà Nội đã xây dựng đề án thoát lũ sông Hồng và kè cứng bờ sông Hồng…
Ngay sau đó, là các đề án: Thành phố sông Hồng; Công viên Bắc Giữa sông Hồng; Công viên Trần Phú – Thanh Trì; Dự án thí điểm cải tạo chỉnh trang 1km ven sông khu vực Quảng An…
Dù vậy, để hiện thực hóa giấc mơ thành phố ven sông Hồng, TS KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết cần ứng dụng khoa học – công nghệ trong tổ chức không gian, vật liệu xây dựng, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật để thích ứng với biến đổi mực nước. Bài học từ các dự án chưa được triển khai là chưa hài hòa với hành lang thoát lũ và tính bền vững trong xây dựng. Bài học từ nước ngoài cho thấy đây là vấn đề tác động đến phát triển bền vững.
Đồng thời phải lựa chọn mô hình liên kết thích hợp giữa dự án bãi sông với khu vực qua hệ thống giao thông thủy, trên cao hoặc kết nối từ các cầu qua sông. Đây không chỉ từ chủ định của dự án mà còn xem xét đến yêu cầu chung của cả trục không gian sông Hồng.