Kinh tế

Giải quyết điểm nghẽn, khai mở tiềm năng các dự án sử dụng vốn ODA

Hạnh Lê 14/09/2024 04:10

Những hạn chế, vướng mắc và điểm nghẽn trong sử dụng vốn ODA sẽ được khắc phục căn bản nhằm khơi thông nguồn lực cho phát triển.

Thúc đẩy thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài là một trong 5 nhóm chính sách được sửa đổi trong Luật Đầu tư công. Nội dung trên được cơ quan soạn thảo thiết kế một chương riêng với nhiều cơ chế, chính sách vượt trội; đơn giản hóa quy trình phê duyệt dự án viện trợ không hoàn lại…

ODA 1
Nhiều đối tác phát triển đánh giá cao việc sửa đổi quy định liên quan các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi theo hướng thuận lợi khi triển khai

Những năm qua, nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài là một trong những nguồn lực quan trọng đầu tư cho những công trình cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm, có tính lan tỏa cao và quan trọng. Quy mô nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài có thể cung cấp cho Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 25,82 tỷ USD (tức khoảng 5,13 tỷ USD/năm).

Từ các nguồn vốn trên, nhiều công trình, dự án trọng điểm quốc gia đã hoàn thành, được đưa vào khai thác góp phần hoàn chỉnh và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Bên cạnh đó, vẫn tồn tại và phát sinh một số vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách; một số dự án phải điều chỉnh thiết kế hay khi triển khai bị chậm tiến độ, thời gian thực hiện kéo dài, chậm đưa các công trình vào khai thác, sử dụng…

Tại hội nghị lấy ý kiến các đối tác phát triển về dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), ông Phạm Hoàng Mai - Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, chương riêng về ODA trong dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) hướng đến giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án.

Theo đó, thứ nhất, sẽ phân cấp nhiều hơn thẩm quyền cho UBND, cơ quan chủ quản, phù hợp với các chính sách pháp luật trong nước.

Thứ hai, đơn giản hóa quy trình phê duyệt các dự án viện trợ không hoàn lại. Những dự án này được hưởng quy trình như dự án khẩn cấp trong nước. Trong khi quy định trước đây chỉ được giải ngân, triển khai thực hiện khi có kế hoạch trung hạn và kế hoạch đầu tư công hàng năm.

ODA 2
Dự án đường sắt đô thị ga Hà Nội - Nhổn sử dụng vốn viện trợ của đối tác nước ngoài

Thứ ba, trước đây không có quy định về dừng dự án ODA, vốn vay ưu đãi theo từng giai đoạn dự án. Ở dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) chia thành 2 mốc thời gian: chưa thực hiện và đang thực hiện.

Ngoài ra là quy định cho phép giải ngân độc lập vốn vay lại và vốn cấp phát; xác định nguồn vốn, thẩm định nguồn vốn khi có đề xuất dự án mới.

Với mục tiêu chính hướng đến là sử dụng hiệu quả nhất vốn ODA, bà Susan Lim - đại diện Ngân hàng ADB đánh giá cao những thay đổi lớn nhất trong dự thảo Luật là đơn giản hóa thủ tục, trao quyền nhiều hơn, giảm thiểu thời gian liên quan, nhất là ở các chính quyền địa phương… Song đại diện Ngân hàng ADB đề xuất với dự án khẩn cấp như dự án với thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu, cần có quy định cụ thể để có thể sử dụng vốn hiệu quả hơn.

Liên quan đến việc đơn giản hoá thủ tục hành chính, ông Herve Conan - Giám đốc quốc gia Việt Nam của Cơ quan phát triển Pháp (AFD) cũng đồng thuận với chủ trương sửa đổi, tiếp tục phân cấp phân quyền cho các địa phương, bao gồm thẩm quyền của Hội đồng nhân dân UBND để có thể đẩy mạnh việc thực hiện. Tuy nhiên, với những dự án quan trọng quốc gia, cần được linh hoạt, đơn giản hóa đề xuất dự án và thực hiện nhanh chóng.

Đại diện một số đối tác phát triển mong muốn các thông tư hướng dẫn thực hiện Luật cần sớm triển khai cũng như các văn bản pháp luật khác cần thay đổi thích ứng để đảm bảo thống nhất, đồng bộ.

Hạnh Lê