Quản trị

Gojek thắng hay thua?

Cáp Tần 15/09/2024 10:37

Tuần này sẽ là những ngày cuối cùng Gojek hoạt động tại thị trường Việt Nam. Dân tình xem đây là thất bại của Gojek.

Thế nhưng với bản thân Gojek, đó đơn giản chỉ là động thái cần thiết, hợp logic sau khi đã đạt được mục đích.

Grab và Gojek là hai công ty cùng hoạt động trong dịch vụ gọi xe. Grab lên sàn chứng khoán Mỹ năm 2021, còn Gojek lên sàn tại quê nhà Indonesia một năm sau đó. Gojek còn sáp nhập với kỳ lân Tokopedia (Indonesia) tạo nên GoTo trước khi chính thức IPO.

Hai kỳ lân Đông Nam Á này đã so kè với nhau suốt 1 thập kỷ qua. Bây giờ, dấu mốc rời Việt Nam của Gojek là một dấu chấm hết cho một giai đoạn của cuộc chiến này.

Thị trường khó khăn

gojek.jpg
Gojek dừng hoạt động tại thị trường Việt Nam

Việt Nam có dân số 100 triệu người, một nửa trong số đó dưới 30 tuổi rõ ràng là một sự lựa chọn lý tưởng cho những kế hoạch mở rộng ở Đông Nam Á. Vậy nên năm 2018, Gojek đã nhắm đến Việt Nam làm thị trường đầu tiên để mở rộng, đặc biệt khi Uber rời khỏi nơi này và để lại một khoảng trống thị phần.

Bên cạnh Việt Nam, Gojek còn mở rộng sang Singapore, Thái Lan và Philippin. Thế nhưng đến hiện tại, Gojek chỉ còn hiện diện tại Singapore.

Ở Thái Lan, dịch vụ GET, mảng kinh doanh của Gojek tại quốc gia này đã bán cho AirAsia với giá 50 triệu đô hồi tháng 7/2021. Ở Philippin còn tệ hơn, khi Gojek chưa bao giờ triển khai dịch vụ gọi xe tại đây vì không xin được giấy phép. Thậm chí Coins.ph, một công ty khởi nghiệp sáng tạo mà Gojek mua lại ở Philippin năm 2019 với giá gần 100 triệu, cũng chưa bao giờ được tích hợp vào mạng lưới kinh doanh của Gojek, để rồi phải bị bán cho bên khác chỉ hai năm sau đó.

Tình hình ở Việt Nam không khá khẩm hơn là bao.

Ban đầu, các thống kê cho thấy Gojek (trước đây ở Việt Nam gọi là GoViet) có thể là đối thủ cạnh tranh tiềm năng của Grab với các dịch vụ gọi xe, giao hàng và giao đồ ăn. Tuy nhiên từ đó đến nay thị phần của Gojek Việt Nam vẫn dậm chân tại chỗ ở vị trí thứ tư, đứng sau cả những tên tuổi mới hơn như Xanh SM của Vingroup hoặc Be Group và chỉ đóng góp chưa đến 1% tổng số giao dịch của tập đoàn mẹ.

Trên thực tế, Gojek không phải công ty gọi xe quốc tế duy nhất gặp khó khăn tại thị trường Việt Nam. Grab, với thị phần thống trị, cũng phải ngừng dịch vụ ví điện tử tại đây vì không hiệu quả. Hoặc Beamin, dịch vụ giao đồ ăn đến từ Hàn Quốc, cũng rời Việt Nam vào năm 2023 sau khoảng thời gian tăng trưởng hạn chế.

Chia địa bàn

Nếu khó như vậy, tại sao Gojek lại chọn Việt Nam để mở rộng?

Hãy quay về năm 2018. Gojek lúc đó đang “xưng hùng” ở Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á và dân số lớn thứ tư thế giới. Grab cũng không kém cạnh, đang thần tốc mở rộng khắp nơi và nguy hiểm hơn, “nhòm ngó” cả thị trường Indonesia.

33.jpeg
Chẳng mấy ai tin tưởng rằng Gojek sẽ ăn nên làm ra ở Việt Nam

Tất nhiên, Gojek không thể ngồi yên. Việt Nam là thị trường được chọn để Gojek “khiêu chiến” Grab. Họ đẩy mạnh các đợt khuyến mãi, tung hàng loạt mã giảm giá nhằm kéo thị phần, buộc Grab cũng phải hạ giá, khuyến mãi tương tự. Vì không thể hoạt động ở Thái Lan và Philippin, vậy nên Việt Nam là lựa chọn tối ưu của Gojek. Những động thái ở Việt Nam là cách mà Gojek buộc Grab phải phân tán chú ý ra khỏi thị trường Indonesia, nơi Gojek thống trị còn Grab đang nhăm nhe.

Nếu xét theo mục đích này, kế hoạch của Gojek đã có những gặt hái nhất định. Lời hứa mở rộng ra thị trường nước ngoài (mà trước hết là Đông Nam Á) đã giúp Gojek trở thành kỳ lân vào năm 2016, gọi vốn thành công 2 tỷ đô để nâng mức định giá lên 9,5 tỷ đô năm 2019. Thậm chí họ còn có đủ vốn để thành lập công ty giải trí và một công ty đầu tư.

Ban lãnh đạo Gojek chia sẻ rằng ở thời điểm đó, việc mở rộng sang các thị trường mà Grab đã thống trị vẫn đáng giá nếu nó giúp Gojek trở thành dịch vụ đa quốc gia và thu hút nhiều nhà đầu tư hơn, thay vì chỉ giới hạn ở một thị trường duy nhất.

Đó chính là lý do vì sao dù chẳng mấy ai tin tưởng rằng Gojek sẽ ăn nên làm ra ở Việt Nam, nhưng họ vẫn bất chấp thực hiện dự án tiến công thị trường Việt Nam.

Kết thúc một chương

Đến năm 2024 này, nhiều chuyện đã an bài. Với vị thế công ty đại chúng, GoTo phải loại bỏ những mảng kinh doanh không hiệu quả. Họ đã bán Tokopedia, mảng kinh doanh TMĐT đang bị đình trệ, cho TikTok vào năm ngoái với giá hàng tỷ đô. Kể từ đó, GoTo bật chế độ cắt giảm chi phí nhằm tăng lợi nhuận.

Đối thủ Grab cũng trong hoàn cảnh tương tự. Mặc dù cả hai công ty đều có những báo cáo thể hiện độ tăng trưởng, nhưng khả năng sinh lời vẫn còn xa vời đối với GoTo.

Giờ đây, với việc GoTo rời khỏi Việt Nam, có thể nói cuộc chiến “chia địa bàn” giữa hai bên đã xong. Grab thống trị ở Việt Nam và GoTo vẫn là “ông trùm” Indonesia. Nhìn dưới góc độ “chia địa bàn”, Gojek đã thành công ngăn Grab tấn công thị trường Indonesia. Hay nói cách khác Gojek đã hoàn thành nhiệm vụ đánh chặn của mình.

Trong kỷ nguyên mới, cả Grab và GoTo sẽ đối mặt với những mục tiêu mới. Đó có thể là những màn sáp nhập, những thương vụ mua lại, nhưng gần như sẽ không còn những màn đốt tiền giành thị trường giữa 2 kỳ lân Đông Nam Á này nữa.

Cáp Tần