“Tự chặn cửa” xuất khẩu cá ngừ ?
Xuất khẩu cá ngừ đóng vai trò không nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam, mỗi năm mang về bình quân hơn 800 triệu USD.
LTS: Nghị định số 37/2024/NĐ-CP quy định kích thước tối thiểu được phép khai thác đối với cá ngừ vằn là 500mm (50cm) đang dẫn tới nguy cơ “chặn cửa” xuất khẩu cá ngừ của doanh nghiệp.
Cá ngừ vằn là một nguyên liệu chủ lực để chế biến và xuất khẩu cá ngừ đóng hộp ở Việt Nam hiện nay. Việc quy định kích thước tối thiểu khiến thiếu hụt nguyên liệu cho doanh nghiệp, khó cạnh tranh với các đối thủ, thậm chí “chặn cửa” tại thị trường EU.
Doanh nghiệp bế tắc
Ông Nguyễn Hưng Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Hưng cho biết, cá ngừ vằn đánh bắt có 3 kích cỡ là 300 - 500g, 500 - 1.000g và trên 1.000g, trong đó kích cỡ chủ yếu là 500 - 1.000g, tương đương 15 - 20cm, tùy vùng biển. Như vậy quy định chỉ đánh bắt cá ngừ vằn từ 50cm là chưa phù hợp thực tiễn bởi sản lượng cá ngừ đạt kích cỡ này thực tế rất thấp.
Được biết, tại vùng biển Việt Nam, cá ngừ vằn chiếm 80-90% sản lượng cá ngừ khai thác. Trong đó, tỷ lệ cá ngừ sọc dưa đạt 50 cm trở lên là rất thấp, chỉ khoảng 5%. Xác nhận điều này, bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Bình Định cho biết, cá ngừ vằn kích thước 0,5 m trở lên tương đương mức từ 2 kg/con trở lên là rất ít, chỉ chiếm vài phần trăm trong sản lượng cá ngừ sọc dưa khai thác, và thỉnh thoảng mới có.
Thực tế này khiến các doanh nghiệp gặp khó. “Hiện chúng tôi có 40 container hàng đi châu Âu nhưng chưa dám nhận vì theo quy định xuất khẩu sang thị trường này phải có giấy chứng nhận thủy sản khai thác. Tuy nhiên theo quy định tại Nghị định 37 hiện nay thì doanh nghiệp rất bế tắc”, Giám đốc Công ty Nguyễn Hưng chia sẻ.
Không chỉ khó khăn với doanh nghiệp, đây cũng là thách thức với các ngư dân khi đây đang là chính vụ khai thác cá ngừ vằn. Với chỉ khoảng 5% cá ngừ đáp ứng yêu cầu từ 50 cm trở lên khiến đại đa số sản lượng cá ngừ vằn mà ngư dân không thể bán cho các nhà máy.
Không chỉ vậy, về lâu dài, để đáp ứng quy định, toàn bộ ngư dân phải thay đổi lưới đánh cá sang loại có kích thước mắt lưới phù hợp. Nếu vẫn dùng ngư cụ như hiện tại, ngư dân sẽ vi phạm Điều 60, Luật Hải sản, hành vi “khai thác loài thủy sản có kích thước nhỏ hơn quy định”. Đồng thời, thách thức từ thay đổi ngư cụ với kích thước mắt lưới, đến việc ghi chép nhật ký, khai báo và kiểm soát cỡ của loài cũng sẽ ảnh hưởng đến quá trình gỡ “thẻ vàng” thuỷ sản IUU mà phía châu Âu đang cảnh báo Việt Nam.
“Chúng ta siết các quy định để đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của châu Âu, nhưng châu Âu còn không có quy định kích thước tối thiểu đánh bắt với cá ngừ vằn, khác gì Việt Nam đang tự lấy đá ghè vào chân mình? Tôi nghĩ chúng ta cần xem xét lại quy định trên cơ sở pháp lý, thông lệ quốc tế lẫn tình hình thực tiễn”, giám đốc một doanh nghiệp ngành thủy sản bức xúc.
Rốt cuộc, “ngư dân không thể bán, doanh nghiệp không thể mua” nên nhiều doanh nghiệp cho biết, mấy tháng nay không còn cá để thu mua và xuất khẩu, phải ngừng hoàn toàn thu mua nguyên liệu trong nước.
Trong khi thu mua nguyên liệu trong nước bị “chặn đứng”, doanh nghiệp bắt buộc phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài nhưng theo phản ánh thực tế, các lô hàng cá ngừ doanh nghiệp nhập từ Maldives, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản... đều có cá nhỏ dưới 1 kg và có giấy chứng nhận thủy sản khai thác (C/C).
“Nếu không tháo gỡ được thì tương lai của doanh nghiệp như chúng tôi hay những doanh nghiệp khác rất mờ mịt, khó tồn tại”, đại diện Công ty Cổ phần Foodtech chia sẻ. Đồng thời, doanh nghiệp rất lo lắng về khả năng tận dụng các ưu đãi từ các nước trong những tháng cuối năm.
Bà Nguyễn Thị Vân Hà, chuyên gia thị trường cá ngừ của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện nguồn nguyên liệu từ khai thác rất hạn chế do phần lớn tàu thuyền ở Việt Nam có quy mô nhỏ và thô sơ, trong khi ngư trường đánh bắt ngày càng thu hẹp. Nay thêm vào quy định chưa hợp lý về kích thước tối thiểu khiến cho sản lượng đánh bắt giảm, doanh nghiệp gần như bị “chặn cửa”, ảnh hưởng tới sản lượng xuất khẩu ngành hàng cá ngừ.
Cần thay đổi đồng bộ
Thậm chí, các doanh nghiệp cho biết, hiện không có quốc gia nào quy định kích thước khai thác, ngay cả Ủy ban Nghề cá Trung - Tây Thái Bình Dương (WCPFC) cũng không có khuyến cáo nào liên quan đến vấn đề này. “Ngoài nguyên liệu thu mua trong nước, mỗi năm công ty nhập khẩu 60.000 - 70.000 tấn cá ngừ từ 20 quốc gia trên thế giới và các nước hiện chỉ quản lý bằng hạn ngạch mà không quy định kích thước khai thác”, ông Huỳnh Thanh Lĩnh, Giám đốc Xuất nhập khẩu Công ty TNHH Hải Vương chia sẻ.
Do đó, ông Lĩnh cho rằng, nên bỏ quy định kích thước và chỉ quản lý bằng hạn ngạch, đồng thời đề xuất tham khảo cách quản lý của WCPFC để phù hợp với thông lệ quốc tế cũng phù hợp thực tế của Việt Nam. Nội dung cơ bản của WCPFC là bảo vệ nguồn lợi thủy sản bằng các biện pháp như hạn ngạch (quota), thời gian cấm biển, nghề khai thác, FAD…, chứ không thuần túy chỉ bằng kích thước tối thiểu.
Ông Nguyễn Văn Mười, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng, hiện các nước nhập khẩu hải sản và cá ngừ Việt Nam cũng chưa yêu cầu khắt khe về kích thước cá ngừ. Nếu chúng ta đưa ra tiêu chuẩn quá cao thì lợi bất cập hại, gây khó khăn cho bà con ngư dân, doanh nghiệp và ảnh hưởng chung đến xuất khẩu cá ngừ cả nước.
Hơn nữa, theo chuyên gia, dù đồng ý với quan điểm cần bảo vệ trữ lượng loài cá ngừ vằn, nhưng quan trọng là biện pháp phải phù hợp. “Trên thế giới, cá ngừ vằn là cá di cư, nay ở biển Việt Nam, mai sang Thái Lan, ngày kia đi Ấn Độ. Chúng di cư theo đàn khắp đại dương. Nước bạn không cấm mà chúng ta cấm, có khác gì chúng ta nhường nguồn lợi thủy sản cho họ”, chuyên gia này nói.
Cùng quan điểm, bà Võ Thị Hà, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Ngọc Hà mong muốn sớm sửa đổi quy định liên quan đến kích thước cá ngừ để doanh nghiệp yên tâm sản xuất và ngư dân vững tâm bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch VASEP, nhận định, việc Chính phủ quy định kích cỡ thủy sản được phép khai thác, trong đó có cá ngừ, là nhằm bảo vệ sự nguồn lợi thủy sản, duy trì sự bền vững của hệ sinh thái dưới nước. Tuy nhiên, với cá ngừ vằn, quy định về kích thước tối thiểu được phép khai thác là chưa hợp lý.
Mặt khác, để ngư dân thực hiện tốt quy định về kích thước tối thiểu được phép khai thác của các loài hải sản thì phải có thời gian để đồng bộ tàu đánh bắt, lưới đánh bắt. Một quy định đưa ra mà áp dụng ngay sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến ngư dân và các doanh nghiệp chế biến hải sản. Bởi được biết, hiện nay cả nước có 3.500 tàu cá làm nghề lưới vây, lưới rê khai thác cá ngừ vằn, với sản lượng khai thác là khoảng 60.000 tấn mỗi năm, trong khi sản lượng khai thác cho phép là 200.000 tấn.
Trong những tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường EU có sự tăng giảm đan xen. Sau khi tăng trưởng liên tục từ tháng 3 đến tháng 6, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang EU đã giảm tới 14% trong tháng 7. Bước sang nửa đầu tháng 8, mặc dù xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU tăng 28% so với cùng kỳ năm 2023, đạt hơn 133 triệu USD, nhưng xuất khẩu các sản phẩm cá ngừ đóng hộp tiếp tục giảm mạnh. Hiện cá ngừ đóng hộp là sản phẩm chính xuất sang EU, chiếm gần 39% tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này.
Ông Vũ Duyên Hải, Trưởng phòng Khai thác Thủy sản, Cục Thủy sản: Chủ động quy định kích cỡ
Nếu Việt Nam muốn quy định thì nên quy định kích cỡ 38 - 40cm để đảm bảo đúng cơ sở khoa học vì đến cỡ khoảng 40cm thì 50% cá thể cá ngừ vằn đã trưởng thành và tham gia sinh sản lần đầu. Bởi theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hải sản đã công bố, kích cỡ tham gia sinh sản lần đầu, nghĩa là có thể cho phép tham gia khai thác là kích cỡ 38cm đối với cá ngừ vằn cái và 38,7cm đối với cá ngừ vằn đực.
Đây là hai cơ sở thực tiễn và pháp lý. Chúng ta cần sớm điều chỉnh để đảm bảo việc xác nhận cá ngừ nhằm giữ được thị trường cá ngừ bởi như quy định hiện nay, chúng ta không cấp xác nhận đối với cá ngừ nhỏ hơn 50cm thì sẽ mất thị phần.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của nước ta chiếm đến 40% trong số tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ, giá trị đạt 800 triệu USD. Việc phải tuân thủ quy định mới về kích cỡ của cá ngừ vằn khiến nhiều doanh nghiệp sẽ không đủ nguyên liệu để thực hiện chế biến và xuất khẩu.
Trong khi đó, Thái Lan đang có cơ hội để “lấn” các thị trường cá ngừ mà Việt Nam đang có. Nếu tình trạng này kéo dài, các doanh nghiệp sẽ đói nguyên liệu và chúng ta sẽ mất thị trường. Trong khi đó, việc phát triển và chiếm lĩnh một thị trường phải mất 5 - 10 năm và để lấy lại rất khó.
Ông Vũ Đình Đáp, Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam:
Tổn thất nặng nề
Các doanh nghiệp đồ hộp cá ngừ Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn với quy định kích thước tối thiểu của cá ngừ vằn với chiều dài khoa học là 500mm (50cm). Theo đó, doanh nghiệp sản xuất đồ hộp phải tạm dừng thu mua nguyên liệu không đạt 50cm. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước như Chi cục Thủy sản, ban quản lý cảng cá tại các địa phương đều tạm dừng việc cấp SC/CC.
Do đó, đề xuất, trước mắt nên xem xét kích cỡ cho phép khai thác đối với cá ngừ vằn cái là 380 mm và cá ngừ vằn đực là 387 mm. Bởi theo nghiên cứu, với kích cỡ này thì cá ngừ vằn đã sinh sản. Mặt khác, cá ngừ vằn là loài cá di cư có trữ lượng lớn nên các quốc gia và những tổ chức quản lý nghề cá thường tiến hành áp dụng về hạn ngạch khai thác, chứ không quản lý về kích thước khai thác. Đồng thời, kiến nghị Bộ NN&PTNT có văn bản chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát lại các quy định kích thước khai thác tối thiểu tại Phụ lục V, Nghị định 37 đối với cá ngừ vằn và có văn bản chỉ đạo điều chỉnh tới các địa phương ven biển và các Ban quản lý Cảng cá để giải quyết việc cấp Giấy Xác nhận và Giấy Chứng nhận nguyên liệu thuỷ sản từ khai thác cho cá ngừ vằn trong giai đoạn chờ sửa Nghị định.
Đặc biệt, kiến nghị, tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Phụ lục V, Nghị định 37 trong thời gian sớm nhất theo hướng quản lý nghề khai thác cá ngừ vằn theo hạn ngạch để phù hợp với các luận cứ khoa học và cơ sở thực tiễn nêu trên cũng như phù hợp với cách tiếp cận của các tổ chức quản lý nghề cá khu vực.