Nghiên cứu - Trao đổi

Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sâu chuỗi cung ứng toàn cầu

Bài: Gia Nguyễn - Ảnh: Quốc Tuấn 15/09/2024 04:10

Để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, theo chuyên gia, cần hoàn thiện thể chế, chính sách; thủ tục hành chính, thủ tục xuất nhập khẩu...

Theo đó, do ảnh hưởng từ những biến động địa chính trị toàn cầu, nền kinh tế thế giới đang có xu hướng phân cực và dòng vốn đầu tư toàn cầu đang dịch chuyển mạnh mẽ, Việt Nam được nhiều quốc gia, tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên toàn cầu lựa chọn là một trong những điểm đến đầu tư chiến lược và nhiều tiềm năng.

ho-tro-doanh-nghiep-tham-gia-chuoi-cung-ung-toan-cau-24.1.1.1.jpg
Tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, tuy nhiên, trong hành trình này, doanh nghiệp Việt vẫn còn tương đối yếu thế - Ảnh minh họa

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/7/2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong 7 tháng năm 2024, cả vốn đầu tư đăng ký và vốn đầu tư thực hiện tiếp tục tăng so với cùng kỳ, với mức tăng lần lượt là 10,9% và 8,4%.

Tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, tuy nhiên, trong hành trình này, doanh nghiệp Việt vẫn còn tương đối yếu thế.

Thực tế, số liệu từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, trong gần 1 triệu doanh nghiệp chỉ có khoảng 5.000 doanh nghiệp thực sự tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tức chỉ chiếm 0,001%. Không chỉ có vậy, theo số liệu của Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, trong 5.000 doanh nghiệp này chỉ có 100 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp 1.

ho-tro-doanh-nghiep-tham-gia-chuoi-cung-ung-toan-cau-24.1.1.2.jpg
Để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, theo chuyên gia, cần hoàn thiện thể chế, chính sách; thủ tục hành chính, thủ tục xuất nhập khẩu, kiểm tra chuyên ngành - Ảnh minh họa

Trước thực tế đã nêu, để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, theo chuyên gia, cần hoàn thiện thể chế, chính sách; thủ tục hành chính, thủ tục xuất nhập khẩu, kiểm tra chuyên ngành...

Theo TS Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, trong số các chính sách hỗ trợ của Nhà nước hiện nay, rất ít trong số này đã phát huy hiệu quả. Đổi mới thể chế, quy định pháp luật giúp cho con đường gia nhập chuỗi cung ứng thuận lợi hơn, rộng mở hơn. Do đó, tư duy hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần đổi mới, bảo đảm hỗ trợ doanh nghiệp một cách trọng tâm, trọng điểm hơn nữa…

Ông Bình cho rằng, việc gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực tự thân của cộng đồng doanh nghiệp, tuy nhiên, nỗ lực này sẽ thuận lợi, dễ dàng hơn rất nhiều nếu các điều kiện về mặt thể chế, môi trường kinh doanh, quy định pháp luật dễ dàng hơn, thuận lợi hơn cho quá trình nỗ lực tự thân của doanh nghiệp.

Chính sách hỗ trợ cần tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm, có giá trị gia tăng cao, tương lai của thế giới và cũng là tương lai của kinh tế Việt Nam trong thập kỷ sắp tới, như công nghiệp bán dẫn, chip, năng lượng xanh, y tế, chăm sóc sức khoẻ…

Còn theo ông Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược và Chính sách công thương, Bộ Công Thương, để tháo gỡ những khó khăn, trong thời gian tới cần định hướng hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập sâu và giá trị hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tổ chức các Hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại, đầu tư, phát triển thị trường, đa dạng hóa hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm xuất khẩu.

Xây dựng và phát triển các thương hiệu, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp về lao động, môi trường… trong các FTA. Xây dựng hàng rào kỹ thuật như áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật nhập khẩu, kiện chống bán phá giá, đánh thuế môi trường... để bảo vệ sản xuất trong nước…

Liên quan đến vấn đề này, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ ASEAN (USABC) cũng khuyến nghị, Việt Nam cần có chính sách đồng bộ, thậm chí mang tính đột phá trong bối cảnh các quốc gia khác đang đưa ra nhiều chính sách mạnh mẽ và táo bạo. Một trong những chính sách có thể áp dụng là cho phép thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới theo cơ chế sandbox trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng luật khuyến khích công nghiệp công nghệ số cũng như chiến lược phát triển ngành bán dẫn.

Trong khi đó, TS Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản lý chuỗi cung ứng và logistics Trường Đại học RMIT cho rằng, “xanh hóa” trong sản xuất là chìa khóa để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá bền vững.

Bởi, theo khảo sát của Rakuten Insight năm 2023, có đến 84% người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn cho những sản phẩm bền vững. Trong khi đó, các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, điển hình có Liên minh châu Âu đang triển khai các quy định và tiêu chuẩn môi trường chặt chẽ hơn đối với các sản phẩm và dịch vụ nhập khẩu vào khu vực này.

“Xanh hóa không còn là một lựa chọn mà là yếu tố thắng đơn hàng khi xuất khẩu. Xét trên góc độ chuỗi cung ứng, người mua đóng vai trò rất quan trọng trong việc giám sát và hợp tác để thúc đẩy xanh hóa”, vị chuyên gia này bày tỏ.

Bài: Gia Nguyễn - Ảnh: Quốc Tuấn