Xây dựng “tình yêu” thương hiệu trong lĩnh vực sản phẩm chăm sóc hữu cơ
Theo Statista, doanh thu trong lĩnh vực sản phẩm chăm sóc cá nhân hữu cơ và các sản phẩm liên quan tại Việt Nam đạt 2,36 tỷ USD trong 2023...
Tăng trưởng tích cực
Hiện nay, nhu cầu đối với các sản phẩm chăm sóc sức khỏe đang gia tăng nhưng tồn tại nhiều rủi ro tiềm ẩn với sức khỏe con người và môi trường sống bởi những thành phần hóa học tổng hợp.
Do đó, các sản phẩm chăm sóc cá nhân hữu cơ được định hình là một xu hướng trong các hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và sự tiêu dùng của khách hàng.
Ví dụ, thị trường sản phẩm chăm sóc cá nhân hữu cơ toàn cầu đạt 15.500 triệu đô la Mỹ vào năm 2019 và dự kiến sẽ vượt 22.000 triệu đô la Mỹ vào năm 2024. Trong khi đó, doanh thu trong lĩnh vực sản phẩm chăm sóc cá nhân hữu cơ và các sản phẩm liên quan tại Việt Nam đạt 2,36 tỷ đô la Mỹ trong năm 2023 và ước tính sẽ tăng trưởng kép hàng năm là 3,32% trong giai đoạn 2023-2027, tạo ra doanh thu lớn nhất so với các mặt hàng khác và sẽ tập trung thông qua các giao dịch bán hàng trực tuyến (Statista, 2022).
Tốc độ tăng trưởng ở thị trường sản phẩm chăm sóc cá nhân hữu cơ Việt Nam cho thấy xu hướng tiêu dùng hướng tới mối quan tâm về sức khỏe và môi trường, tạo ra sức hút trong đầu tư và phát triển đối với các doanh nghiệp.
Trong kỷ nguyên của nền tảng điện tử và mạng xã hội, các tính năng đánh giá trực tuyến trở thành một công cụ hữu hiệu trong việc truyền tải, chia sẻ, mô tả các đặc tính của sản phẩm và dịch vụ, từ đó giúp khách hàng và cộng đồng hiểu hơn về các công năng, tác động đến các ý định và hành vi cụ thể.
Thêm vào đó, việc nghiên cứu tình yêu thương hiệu đóng vai trò quan trọng để hiểu về những trạng thái tâm lý, loại hình cảm xúc mà người tiêu dùng có đối với doanh nghiệp liên quan tới hình ảnh và thuộc tính của nguyên vật liệu, mẫu mã bao bì, và tính năng của sản phẩm được chia sẻ và chấp thuận trong cộng đồng.
Việc nghiên cứu về sản phẩm chăm sóc cá nhân hữu cơ ở Việt Nam hiện mang lại những lợi ích đáng kể cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Với sự gia tăng đáng kể trong sự quan tâm đến sức khỏe và bảo vệ môi trường từ phía người tiêu dùng, việc hiểu rõ và đáp ứng được nhu cầu này trở thành một yếu tố then chốt để giành lấy lòng tin và sự ủng hộ từ thị trường.
Xu hướng quan tâm sức khỏe và môi trường
Sự tăng trưởng của thị trường sản phẩm chăm sóc hữu cơ có thể được lý giải bởi một số yếu tố quan trọng.
Thứ nhất, nhận thức của người tiêu dùng về các vấn đề liên quan đến sức khỏe và môi trường ngày càng cao . Người tiêu dùng hiện nay không chỉ quan tâm đến hiệu quả của sản phẩm mà còn đặc biệt chú trọng đến thành phần và nguồn gốc của chúng. Các sản phẩm hữu cơ, nhờ sử dụng nguyên liệu từ nông nghiệp không chứa hóa chất, đã trở thành lựa chọn hàng đầu cho những người quan tâm đến sức khỏe và môi trường.
Thứ hai, các chiến dịch tiếp thị xanh và cam kết bền vững của các doanh nghiệp đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiêu dùng SPCSHC. Những nỗ lực này không chỉ giúp doanh nghiệp tạo ra lợi thế cạnh tranh mà còn góp phần cải thiện nhận thức và thói quen tiêu dùng của khách hàng.
Một trong những yếu tố chính thúc đẩy sự gia tăng nhu cầu đối với sản phẩm chăm sóc cá nhân hữu cơ là ý thức ngày càng cao về sức khỏe. Người tiêu dùng ngày nay không chỉ quan tâm đến thành phần sản phẩm mà còn về cách thức chúng ảnh hưởng đến cơ thể và môi trường. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người có ý thức cao về sức khỏe thường có xu hướng tìm kiếm các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, không chứa các chất hóa học có hại, và được sản xuất theo quy trình bền vững.
Đồng thời, quan tâm đến môi trường cũng là một động lực quan trọng. Người tiêu dùng có xu hướng ưu tiên các sản phẩm được làm từ nguyên liệu hữu cơ, không gây hại cho môi trường, và có bao bì có thể tái chế hoặc phân hủy sinh học. Quan tâm môi trường thúc đẩy người tiêu dùng tìm kiếm các thương hiệu cam kết với các giá trị bền vững và có trách nhiệm với môi trường. SPCSHC không chỉ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm an toàn và hiệu quả, mà còn đóng góp quan trọng vào sự phát triển bền vững. Các sản phẩm này giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, từ quy trình sản xuất đến sử dụng và tiêu hủy. Việc chuyển sang sử dụng SPCSHC cũng thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, khuyến khích sử dụng các phương pháp canh tác thân thiện với môi trường.
Xây dựng “tình yêu” thương hiệu, giải pháp nào?
Tình yêu thương hiệu là một trạng thái cảm xúc tích cực mà người tiêu dùng có đối với một thương hiệu cụ thể, bao gồm sự gắn bó, trung thành, và thái độ tích cực.
Chúng tôi nghiên cứu và xác nhận rằng ý thức sức khỏe và quan tâm môi trường có tác động tích cực đến tình yêu thương hiệu. Khi người tiêu dùng cảm thấy rằng một thương hiệu chia sẻ các giá trị về sức khỏe và bảo vệ môi trường, họ có xu hướng phát triển tình cảm yêu thích đối với thương hiệu đó. Hơn nữa, tình yêu thương hiệu không chỉ dừng lại ở mức độ tình cảm mà còn có ảnh hưởng mạnh mẽ đến quyết định mua sắm. Người tiêu dùng có tình yêu thương hiệu thường có xu hướng mua hàng từ thương hiệu đó nhiều hơn, giới thiệu cho người khác, và duy trì sự trung thành.
Trong quá trình ra quyết định của người tiêu dùng, đánh giá trực tuyến đã trở thành một công cụ quan trọng. Các đánh giá này không chỉ cung cấp thông tin về chất lượng sản phẩm mà còn giúp người tiêu dùng xác nhận hoặc điều chỉnh các quan điểm của họ về thương hiệu. Chúng tôi nhận thấy rằng đánh giá trực tuyến có vai trò điều tiết tích cực trong việc củng cố mối quan hệ giữa tình yêu thương hiệu và quyết định mua sắm. Cụ thể, các đánh giá tích cực có thể tăng cường tình yêu thương hiệu và thúc đẩy quyết định mua hàng, trong khi các đánh giá tiêu cực có thể làm suy giảm mối quan hệ này.
Áp dụng lý thuyết tiếp thị xanh và sử dụng một mẫu khảo sát gồm 303 người tiêu dùng sản phẩm chăm sóc cá nhân hữu cơ, qua phân tích dữ liệu từ khảo sát, kết quả cho thấy mối liên hệ rõ ràng giữa ý thức sức khỏe, quan tâm môi trường, và tình yêu thương hiệu. Đặc biệt, đánh giá trực tuyến đã được chứng minh có vai trò điều tiết mạnh mẽ, giúp tăng cường mối liên hệ giữa tình yêu thương hiệu và quyết định mua sắm.
Có thể nói, trong bối cảnh nhu cầu và xu hướng tiêu dùng xanh, đặc biệt trong bối cảnh số hóa hiện nay, người tiêu dùng ngày càng dựa vào các nguồn thông tin trực tuyến để đưa ra quyết định mua sắm, và đánh giá trực tuyến đã trở thành một yếu tố quan trọng trong quá trình này. Việc hiểu rõ cách mà ý thức về sức khỏe và môi trường ảnh hưởng đến tình yêu thương hiệu và quyết định mua sắm có thể giúp doanh nghiệp phát triển các chiến lược tiếp thị hiệu quả hơn, từ đó cải thiện hiệu quả kinh doanh và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Các doanh nghiệp nên tận dụng sự gia tăng ý thức sức khỏe và quan tâm môi trường của người tiêu dùng bằng cách tập trung vào việc phát triển và truyền thông các giá trị này thông qua sản phẩm của mình. Ngoài ra, việc quản lý và khuyến khích đánh giá trực tuyến tích cực cũng là một chiến lược quan trọng để tăng cường tình yêu thương hiệu và thúc đẩy quyết định mua sắm.