Kinh tế địa phương

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với nhu cầu của doanh nghiệp

Trung Thành 15/09/2024 12:42

Thời gian qua, công tác đào tạo nghề tại Quảng Ninh có nhiều đổi mới, đã gắn kết được với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.

Góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.

Liên kết cùng có lợi

Đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp không những tạo nguồn lao động có tay nghề đáp ứng được yêu cầu phát triển của doanh nghiệp mà còn góp phần cung cấp nguồn nhân lực phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo Sở Lao động Thương Binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Quảng Ninh: Trên địa bàn tỉnh hiện có tổng số 42 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và cơ sở tham gia hoạt động GDNN. Hiện nay, các hình thức hợp tác chủ yếu giữa các doanh nghiệp và cơ sở GDNN tập trung ở các nội dung như: Nhà trường phối hợp doanh nghiệp cùng tham gia tư vấn và tuyển chọn nhân lực. Hợp tác với các doanh nghiệp để tổ chức đào tạo và cung ứng cho các doanh nghiệp cùng tham gia tư vấn và tuyển chọn nhân lực.

Hợp tác với các doanh nghiệp cùng tham gia tư vấn và tuyển chọn nhân lực; hợp tác với các doanh nghiệp để tổ chức đào tạo và cung cứng cho các doanh nghiệp. Phối hợp xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho lao động tại doanh nghiệp; cử cán bộ, giáo viên đến tham quan dây chuyền sản xuất....

4.jpg
Học sinh Trung tâm GDTX-GDNN tham gia thực hành nghề tại cơ sở sửa chữa xe (Ảnh Báo Quảng Ninh)

Trên thực tế, các doanh nghiệp đã có những hoạt động hợp tác với cơ sở đào tạo nghề khá đa dạng như tiếp nhận sinh viên, nhà giáo tham quan tìm hiểu về doanh nghiệp, thực tập. Cung cấp thông tin tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp; thông tin phản hồi chất lượng sinh viên tốt nghiệp. Một số doanh nghiệp đã hỗ trợ thiết bị thực hành nghề cho cơ sở đào tạo nghề; bố trí việc làm cho sinh viên tốt nghiệp.

Thời gian qua, Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar đã phối hợp với BQL KKT tỉnh và các địa phương tổ chức tuyển dụng và đào tạo lao động đáp ứng nhu cầu nhân lực của Công ty. Trong đó, phối hợp với Tập đoàn Sun Group vùng Đông Bắc tổ chức hợp tác phát triển nguồn nhân lực. Theo đó, các cơ sở GDNN đã chủ động liên kết để triển khai các chương trình phối hợp trong hoạt động gắn kết.

Việc hợp tác giữa cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp mang lại lợi ích cho cả ba bên là cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp và người học. Đối với cơ sở đào tạo nghề, việc liên kết sẽ tạo cơ hội để huy động nguồn lực từ doanh nghiệp để tăng quy mô và chất lượng đào tạo.

Đối với doanh nghiệp, việc hợp tác sẽ giúp họ nắm bắt được khả năng, đặc điểm đào tạo của nhà trường để có kế hoạch phối hợp, tham gia cùng đào tạo. Sản phẩm của quá trình hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường sẽ phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, tránh lãng phí do thừa hoặc thiếu. Trong đó, doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí đào tạo lại khi tuyển dụng lao động.

Còn đối với người học, bên cạnh được tiếp thu các kiến thức tại cơ sở đào tạo nghề còn được phát triển kỹ năng nghề thông qua thực tập tại doanh nghiệp, được làm quen với máy móc, thiết bị và công nghệ sản xuất của doanh nghiệp nên rút ngắn được thời gian thử việc khi vào làm việc tại doanh nghiệp.

Cần sự phối hợp thường xuyên của 5 “nhà”

Xác định, phát triển GDNN là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong phát triển nguồn nhân lực để tranh thủ thời cơ dân số vàng, hình thành nguồn nhân lực trực tiếp có chất lượng, hiệu quả và kỹ năng nghề cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Song lực lượng này chưa đáp ứng được hết nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, nhất là nhu cầu của thị trường lao động về tay nghề, đặc biệt là các kỹ năng mềm như: Tác phong công nghiệp, làm việc sáng tạo, khả năng làm việc theo tổ, nhóm...

Ông Nguyễn Văn Hiếu – Công ty Thương mại Dịch vụ Minh Hiếu cho biết: Hiện nay, việc phối kết hợp giữa doanh nghiệp, người sử dụng lao động với cơ sở dạy nghề trong quá trình đào tạo, tuyển dụng lao động chưa sâu và toàn diện, mới chỉ mang tính bước đầu, dừng lại ở việc là đưa học sinh, sinh viên đi thực tập tại các công ty. Nhiều cơ sở đào tạo nghề cũng cho biết, không ít doanh nghiệp mong muốn lao động có kỹ năng, có chất lượng, nhưng họ không chịu đầu tư thời gian, kinh phí cùng với cơ sở đào tạo.

Bên cạnh đó, chất lượng đầu vào của học sinh ở trình độ trung cấp, cao đẳng còn hạn chế, điều kiện giáo viên và cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế; nhiều trang thiết bị đào tạo chưa cập nhật được so với công nghệ sản xuất hiện tại của doanh nghiệp, nên ảnh hưởng đến việc thực hành, rèn luyện tay nghề của người học.

2(4).jpg
Lớp học nấu ăn tại Trường Cao đẳng Công nghiệp và xây dựng (Ảnh Báo Quảng NInh)

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp, đáp ứng được yêu cầu phát triển của giai đoạn mới, trong thời gian tới tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị dạy nghề cho những nghề trọng điểm đạt chuẩn quốc gia, khu vực và quốc tế; gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm thông qua việc ký kết các hợp đồng cung ứng lao động đối với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Tỉnh tích cực đưa giáo viên, học sinh, sinh viên đến doanh nghiệp để thực tập, nâng cao trình độ tay nghề, làm quen với tác phong lao động công nghiệp; ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp trong việc sử dụng lao động sau đào tạo, thực hiện việc đặt hàng đào tạo đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp.

Để thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề, tỉnh Quảng Ninh đã thành lập tổ công tác gắn kết GDNN với thị trường lao động và việc làm bền vững tỉnh Quảng Ninh.

Sở LĐ-TB&XH phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp triển khai tích cực hoạt động gắn kết “3 nhà” để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và của thị trường lao động; góp phần đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng lao động phục vụ phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng như phát triển kinh tế biển, cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn.

Sở cũng phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp tổ chức ngày hội tư vấn tuyển sinh GDNN, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT vào học GDNN.

Về phía các cơ sở GDNN cũng tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị. Trong đó, nâng cao chất lượng đào tạo thu hút học sinh. Đồng thời phối hợp với Sở LĐ-TB&XH triển khai chương trình công tác năm, đăng ký, xét duyệt chỉ tiêu tuyển sinh với Tổng cục GDNN.

Theo Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh, công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn trong những năm qua luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành và được cụ thể hóa bằng các nghị quyết chuyên đề, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, công tác đào tạo nghề cho người lao động trên địa bàn tỉnh luôn được coi trọng và đến nay đã đạt được những kết quả khả quan. 8 tháng đầu năm, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh, đào tạo nghề nghiệp mới cho 20.846 người, trong đó, trình độ cao đẳng 180 người; trung cấp 5.666 người; sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng 15.000 người. Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Quảng Ninh đã đạt trên 85%. Việc nâng cao hiệu quả đào tạo nghề đã góp phần không nhỏ trong cung cấp lực lượng lao động cho các doanh nghiệp, lĩnh vực sản xuất trên địa bàn.

Tuy nhiên, theo Sở LĐ-TB&XH bên cạnh những kết quả đạt được, trong công tác phối hợp giữa các cơ sở GDNN và doanh nghiệp vẫn còn những tồn tại. Đơn cử, trong hoạt động giới thiệu, cung cứng và tuyển dụng lao động, việc đặt hàng đào tạo của các doanh nghiệp với các cơ sở GDNN còn chưa thực sự được quan tâm.

Hoạt động này mới tập trung ở việc tuyển dụng những học viên chuẩn bị tốt nghiệp tại cơ sở GDNN. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu tuyển dụng, sử dụng lao động phổ thông chưa qua đào tạo, chưa thường xuyên cung cấp nhu cầu, kế hoạch tuyển dụng lao động qua đào tạo để xây dựng kế hoạch đào tạo lao động cho doanh nghiệp.

Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động là nhiệm vụ rất quan trọng. Để đạt được mục tiêu này, cần có sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, địa phương và sự phối hợp thường xuyên của 5 nhà “Nhà nước - Nhà trường - Nhà khoa học - Nhà tuyển dụng - Nhà đầu tư” trong việc thực hiện đồng bộ các giải pháp

Trung Thành