Thị trường chứng khoán: Biến động “khó chịu” trong ngắn hạn
Dù bão lũ có thể tác động lên tăng trưởng kinh tế, nhưng bối cảnh chung vẫn ở giai đoạn tích cực. Thị trường chứng khoán ngắn hạn sẽ biến động ra sao?
Định giá “mềm”
Các dữ liệu kinh tế quan trọng đã cho thấy xu hướng tăng trưởng kinh tế mạnh trong trung hạn. Tuy nhiên, có thể thấy biến động trên thị trường chứng khoán (TTCK) là rất khó chịu trong ngắn hạn, tính phân hóa rất cao. Đây là giai đoạn nền kinh tế chung dần hồi phục trở lại nhờ vào yếu tố ngoại lực, tăng trưởng kinh tế phân hóa mạnh, lợi thế chủ yếu tập trung vào các ngành dẫn dắt, đa số các doanh nghiệp nhỏ và ngành nghề không thuận lợi tiếp tục ảnh hưởng nặng nề.
Chúng tôi cho rằng giai đoạn này cũng là thời điểm “chọn mặt gửi vàng” đối với các cơ hội đầu tư trung hạn, với định giá “rất mềm”, nhờ vào các giai đoạn điều chỉnh liên tục trong 2024. Cụ thể:
Mức P/E và P/B của thị trường chung đang ở mức rất hấp dẫn, cho thấy không gian “re-rating” các vùng định giá P/E và P/B theo tăng trưởng kinh tế chung, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp trong 2 – 4 quý tới là cao. Không gian tăng trưởng đối với VN-Index sẽ không dừng lại ở vùng 1.300 trong 6 tháng tới.
Bên cạnh đó, gần như chắc chắn Việt Nam sẽ được nâng hạng trong 6 tháng tới. Một trong những điểm nhấn vĩ mô và trực tiếp của TTCK trong tháng 9 là Chính phủ tích cực đẩy mạnh sửa đổi Luật, xử lý triệt để các vướng mắc liên quan đến vấn đề Giao dịch ký quỹ khối ngoại (Pre-funding), là yếu tố quan trọng nhất nhằm đủ điều kiện nâng hạng lên thị trường mới nổi “FTSE Secondary Emerging Market” .
Chúng tôi kỳ vọng, cơ chế Pre – funding đang ở những giai đoạn cuối và có thể trình Quốc hội vào kỳ họp tới vào tháng 10. Việc thông qua Thông tư Pre-funding gần như là chắc chắn, khi Chính phủ đã đặt quyết tâm nâng hạng rất cao. Đây là cơ sở quan trọng nhất hiện tại giúp FTSE Russell có đủ cơ sở xem xét nâng hạng Việt Nam lên mức “FTSE Secondary Emerging Market” trong kỳ Review quý III/2024 (ngày 08/10) hoặc quý I/2025 (tháng 3/2025).
Như vậy, vùng định giá hấp dẫn này cũng sẽ là yếu tố thu hút dòng vốn ngoại đáng kể trong 6 – 12 tháng tới.
Các kịch bản thị trường chứng khoán
Nhìn lại, thị trường chung VN-Index đã trải qua đến 3 nhịp điều chỉnh khó lường từ tháng 6: Nhịp điều chỉnh cuối tháng 6 (1.310 – 1.240), Nhịp điều chỉnh tháng 7 (1.300 – 1.180), và Nhịp điều chỉnh hiện tại (1.290 – 1.250).
Các nhịp điều chỉnh trên đều tương quan với những rủi ro rất lớn mà TTCK Việt Nam gặp phải, từ Vĩ mô (tỷ giá, rủi ro gia tăng lãi suất), Toàn cầu (rủi ro DXY tăng cao, rủi ro suy thoái), ngoài ra còn đến từ sự Nhân sự (đã chắc chắn ổn định), và rủi ro Khối ngoại bán ròng lịch sử trong giai đoạn 2 năm qua.
Có thể thấy, VN-Index hiện tại đã phản ánh rất sâu các nhóm rủi ro trên. Vì các quá trình điều chỉnh liên tục như vậy, vùng giá đa số các cổ phiếu đều tương đối thấp. Chúng tôi vẫn tiếp tục giữ quan điểm tích cực đối với triển vọng TTCK trung hạn, khi thấy rằng điều kiện đầu tư đã gần như không còn các rủi ro quá lớn, cùng với triển vọng tích cực đến từ tăng trưởng kinh tế - tiềm năng tăng trưởng đến từ các doanh nghiệp niêm yết.
Chúng tôi cho rằng xu hướng tăng sẽ bền vững hơn, thể hiện tốt hơn nội tại nền kinh tế và doanh nghiệp, sẽ ít bị ảnh hưởng bởi các lí do khác như thời gian qua. Theo đó, xác suất xảy ra Kịch bản Cơ sở và Kịch bản Tích cực trong 3 tháng cuối năm 2024 là rất cao, tương đồng với đà tăng trưởng kinh tế vượt trội kể từ quý II/2024.
Kịch bản cơ sở: Mục tiêu 1.280 – 1.300 là hoàn toàn phù hợp đối với VN-Index trong ngắn hạn, khi thị trường kết thúc nhịp điều chỉnh sideway tích lũy.
Kịch bản tích cực: Mục tiêu 1.340 - 1.360, với triển vọng tăng trưởng doanh nghiệp niêm yết dự kiến tích cực trong quý IV/2024 và quý I/2025.
Chiến lược đầu tư chúng tôi gợi ý giai đoạn hiện tại nên tập trung vào các ngành nghề “được lợi thế” dẫn dắt trong trung hạn, với định giá hấp dẫn, và tăng trưởng hoạt động lõi của doanh nghiệp mang độ chắc chắn cao.
Một yếu tố rất quan trọng cần quan tâm là “tiềm năng phát triển” doanh nghiệp tăng đột biến trung hạn mà thị trường chưa thực sự chú ý. Bên cạnh đó, với xu hướng thị trường biến động cao thường xuyên trong ngắn hạn, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư nên hướng đến chiến lược đầu tư ổn định, hướng đến các yếu tố trọng tâm như sau: Định giá hấp dẫn trung hạn; Xu hướng doanh nghiệp tăng trưởng ít nhất 2 – 4 quý sắp tới; Hoạt động cốt lõi doanh nghiệp mang tính chắc chắn.
Lựa chọn các nhóm ngành
Dự báo các nhóm ngành hưởng lợi từ xu hướng xuất khẩu tăng trưởng cao, sẽ có KQKD tốt trong nửa cuối năm 2024, nhất là nhóm ngành xuất khẩu đã có kết quả kinh doanh dự kiến trong tháng 7 – tháng 8 khá tốt. Cùng với đó xu hướng giá hàng hóa Hóa chất – Thủy sản – Cao su đều tích cực trong ngắn hạn, nổi bật như: Dệt may (TNG, MSH, STK); Hóa chất (DGC); Thủy sản (MPC, FMC); Cao su (GVR, PHR, DPR); Bất động sản Khu công nghiệp (LHG).
Bên cạnh đó, các ngành Thủy điện và Chăn nuôi đang có số dự phóng quý III/2024 ấn tượng:Chăn nuôi (DBC); Thủy điện & Năng lượng tái tạo (HDG, TTA).
Một số doanh nghiệp sẽ có các câu chuyện tăng trưởng rất hay trong 2024 – 2025, có thể đem đến tiềm năng tăng trưởng vượt bậc. Chúng tôi đề xuất 1 số doanh nghiệp có các cơ hội tăng trưởng đột biến, ở vùng định giá hợp lý hiện tại: Ngân hàng: (STB, HDB); Chăn nuôi & Công nghệ sinh học: (DBC); Thủy điện & Năng lượng tái tạo (HDG & TTA); Tiện ích (BWE).
Ngành Bất động sản (BĐS), với vùng định giá trung hạn cũng đang hấp dẫn. Chúng tôi cho rằng, về thực tiễn, bộ khung Luật BĐS hoàn thiện giúp xử lý triệt để các vấn đề pháp lý mà doanh nghiệp BĐS đang gặp phải trong các năm qua. Bên cạnh đó, nhu cầu BĐS đang có những động thái tích cực, cũng như là ngành trọng tâm nhận được hỗ trợ từ Chính phủ sắp tới. Cụ thể các doanh nghiệp bất động sản đáng chú ý có PDR, DXG,VHM, VRE.