Kinh tế địa phương

Nam Định: Thúc đẩy nâng cao năng suất, chất lượng cho doanh nghiệp

Minh Huệ 16/09/2024 2:36

Tại các địa phương Nam Định, phong trào năng suất chất lượng đã được triển khai ở bề rộng.

Tuy nhiên việc duy trì, phát triển và tạo lập văn hóa năng suất vẫn là thách thức lớn.

Thúc đẩy

Mặc dù việc triển khai dự án nâng cao chất lượng cho doanh nghiệp địa phương còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, theo đánh giá của đa số các địa phương, hiệu quả triển khai dự án là rõ nét. Cùng với hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng trên địa bàn, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng đã khẳng định, nâng cao vai trò, vị thế của hoạt động tổng cục đo lường chất lượng ở địa phương; gắn kết hoạt động khoa học và công nghệ với sản xuất và đời sống.

2(1).jpg
Hoạt động thúc đẩy năng suất chất lượng tại địa phương đang được tỉnh Nam Định chú trọng (Ảnh minh họa)

Theo Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định: Các địa phương đã có những cố gắng, nỗ lực trong triển năng suất chất lượng địa phương. Tuy nhiên, do đội ngũ cán bộ quản lý, tư vấn năng suất chất lượng còn rất thiếu, nguồn kinh phí sử dụng chủ yếu từ ngân sách địa phương rất hạn hẹp. Đặc biệt đối với các địa phương điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn, do đó, quy mô các dự án địa phương thường rất hạn chế.

Mặt khác, doanhh nghiệp ở địa phương hầu hết là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, nhận thức và sự quan tâm, chủ động thực hiện các cải tiến còn chưa đầy đủ. Do đó, phong trào năng suất chất lượng mới được triển khai ở bề rộng, việc duy trì, phát triển và tạo lập văn hóa năng suất vẫn là thách thức lớn cho các doanh nghiệp.

Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định đã tổ chức hội nghị tập huấn “Giải pháp thúc đẩy nâng cao năng suất, chất lượng trong doanh nghiệp để phát triển bền vững” cho các đại biểu là đại diện sở, ban, ngành chức năng của tỉnh. Các cán bộ Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, Phòng Kinh tế thành phố, Ban quản lý cụm công nghiệp các huyện, thành phố, doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Được biết, Thực hiện Quyết định 36/QĐ-TTg ngày 11/1/2021 và Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 về năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030, năm 2023 Sở KH và CN đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 40/KH-UBND (Kế hoạch 40) ngày 9/3/2023 về nâng cao năng suất dựa trên nền tảng KHCN và đổi mới sáng tạo tỉnh đến năm 2030.

Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai một số nội dung hoạt động lĩnh vực năng suất, chất lượng như tham gia các hội nghị, hội thảo và tổ chức các lớp tập huấn về năng suất, chất lượng cho cán bộ công chức của Sở quản lý chuyên ngành, UBND các huyện, thành phố. Các doanh nghiệp và sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia về lĩnh vực nâng cao năng suất, chất lượng trình bày, chia sẻ, trao đổi thông tin tổng quan về năng suất, các yếu tố tác động và cách tiếp cận để nâng cao năng suất, chất lượng tại doanh nghiệp. Giới thiệu một số mô hình quản lý, công cụ cải tiến thích hợp áp dụng tại doanh nghiệp.

Hoạch định để đột phá cải tiến giá thành sản xuất nhằm phát triển bền vững; bài học kinh nghiệm và kết quả cải tiến giá thành sản xuất tại Công ty TNHH Thắng Lợi. Kiểm kê Carbon và định hướng lộ trình tiết giảm năng lượng trong quá trình sản xuất… Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ) phổ biến một số chính sách hỗ trợ hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng hiện nay của tỉnh như: Kế hoạch 40; Kế hoạch 105/KH-UBND về truy xuất nguồn gốc; Kế hoạch 96/KH-UBND về Chương trình đảm bảo đo lường; Nghị quyết số 77/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh ngày 6/7/2022 quy định một số chính sách hỗ trợ tài chính trong hoạt động KHCN và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh.

Qua hội nghị đã cung cấp các giải pháp giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng và giảm giá thành sản xuất để cạnh tranh bền vững trên nền tảng áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất mới, tiên tiến, phù hợp với đơn vị.

Cần sự hỗ trợ

Theo đại diện Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cho biết: Nhìn thực tế triển khai cho thấy, sự tham gia của các doanh nghiệp, chủ thể của hoạt động nâng cao năng suất chất lượng còn chưa chủ động, tích cực. Nguyên nhân của mặt hạn chế nêu trên là do bản thân doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của “năng suất chất lượng”, yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp trong môi trường cạnh tranh.

Mặt khác, đa số doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực hạn chế, trang thiết bị sản xuất cũ, còn yếu kém về trình độ quản lý sản xuất, nên chưa đủ tự tin áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng.

Để tiếp tục thúc đẩy hoạt động nâng cao năng suất chất lượng tại địa phương, đại diện một số doanh nghiệp cho rằng, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức về năng suất chất lượng cho doanh nghiệp.

Tập trung tuyên truyền về các mô hình điểm, doanh nghiệp điển hình trong phong trào năng suất chất lượng, két quả, hiệu quả triển khai các dự án năng suất chất lượng ngành, địa phương. Tiếp tục triển khai hoạt động tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Áp dụng các giải pháp cải tiến năng suất chất lượng.

Trong đó, ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp, sáng tạo, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp tham gia các chuỗi cung ứng… thì các địa phương cần quan tâm nhiều hơn nữa. Đây chính là vấn đề căn bản để các doanh nghiệp địa phương có cơ hội phát triển, nâng cao năng suất chất lượng từ đó nâng cao sức cạnh tranh và hội nhập, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của địa phương”.

Minh Huệ