Nghiên cứu gói lãi suất 0 đồng cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bão số 3
Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu chính sách giãn, hoãn, khoanh nợ, chính sách tín chấp, gói lãi suất 0 đồng, giảm, giãn, hoãn thuế, phí, lệ phí.
Được biết, Tại Hội nghị về khẩn trương khắc phục hậu quả bão Yagi, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, khôi phục sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng được kết nối trực tuyến từ Trụ sở Chính phủ tới các địa phương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện nhiều giải pháp.
Thủ tướng cũng yêu cầu trình ban hành Nghị quyết của Chính phủ về khắc phục hậu quả siêu bão số 3, ổn định tình hình nhân dân, khôi phục sản xuất kinh doanh, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng trong ngày 16/9 để tổ chức thực hiện theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan.
Với 6 nhóm giải pháp lớn sau bão số 3, đáng lưu ý, chỉ đạo nhóm các giải pháp khôi phục sản xuất kinh doanh, Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu rà soát, thống kê thiệt hại các cơ sở sản xuất kinh doanh để khôi phục trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ, đặc biệt là chính sách về tín dụng, hỗ trợ giống cây con, phân bón cho nông nghiệp, hỗ trợ khôi phục các loại hình dịch vụ, khôi phục sản xuất công nghiệp, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, có phương án tăng cường các loại hình giao thông, giảm giá cước vận tải, khôi phục các kho bãi tập kết hàng hóa. Điều hòa các công trình thủy điện, thủy lợi trong xả lũ và tích nước.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, hệ thống ngân hàng nghiên cứu chính sách giãn, hoãn, khoanh nợ, chính sách tín chấp, gói lãi suất 0 đồng... Bộ Tài chính nghiên cứu giảm, giãn, hoãn thuế, phí, lệ phí.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương bảo đảm vật tư, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh. Ngân hàng Chính sách xã hội có phương án cho vay các hộ gia đình. Trong khi đó ngành bảo hiểm được yêu cầu thanh toán kịp thời cho các thiệt hại của doanh nghiệp, người dân.
Trên thực tế, sau “siêu bão” số 3, không chỉ người dân, mà rất nhiều doanh nghiệp đã bị thiệt hại nặng nề, điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đang phải đối mặt với gánh nặng nợ ngân hàng. Đặc biệt, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, xây dựng bị tác động nặng nề của cơn bão, nhất là tác động gián tiếp khi bị mất điện, thông tin liên lạc. Nhiều công trình hạ tầng thiết yếu, đường xá, cầu, hệ thống lưới điện, cấp nước, trường học... bị hư hại nghiêm trọng.
Được biết, Ngân hàng Nhà nước đã có công gửi đến các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại 35 tỉnh thành phố về việc triển khai các giải pháp để hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng chỉ đạo chi nhánh, phòng giao dịch chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh theo quy định; thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay.
Theo ông Lê Duy Hải, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, theo thống kê sơ bộ có khoảng 195 khách hàng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 với dư nợ khoảng 18.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Tùng, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), uớc tính đã có gần 6.000 khách hàng của Vietcombank bị ảnh hưởng với tổng dư nợ khoảng 71.000 tỷ đồng, trong đó riêng tại địa bàn TP. Hải Phòng, Quảng Ninh có 230 khách hàng bị ảnh hưởng với tổng dư nợ khoảng 13.300 tỷ đồng.
Từng đề xuất giải pháp cho khôi phục sản xuất kinh doanh, bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đề xuất, các Bộ, ngành, địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là những khó khăn về thế chấp, tín chấp, kế hoạch kinh doanh để doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng tiếp cận vốn.