Nghiên cứu - Trao đổi

Sửa Luật Điện lực: Cân nhắc giải pháp thực hiện quy hoạch điện lực cấp tỉnh

Gia Nguyễn 16/09/2024 03:30

Góp ý Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), chuyên gia cho rằng, quy hoạch phát triển điện lực cấp tỉnh phải được đặt ngang tầm với quy hoạch đất đai, hạ tầng...

Trong bối cảnh ngành năng lượng đang đứng trước cơ hội và thách thức lớn, Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) nhận được sự chú ý đặc biệt từ dư luận. Theo đó, sau tiếp thu, chỉnh lý, Dự thảo Luật gồm 9 Chương với 119 Điều có nhiều sự điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội và thực tiễn cuộc sống.

Một trong những nội dung đã và đang nhận được sự quan tâm góp ý của các địa phương, hiệp hội, giới chuyên gia là vấn đề quy hoạch và phát triển lưới điện cấp tỉnh.

sua-luat-dien-luc-24.8.1.1.1.jpg
Một trong những nội dung đã và đang nhận được sự quan tâm góp ý trong Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) là vấn đề quy hoạch và phát triển lưới điện cấp tỉnh - Ảnh minh họa: ITN

Đặc biệt, để đảm bảo phù hợp với thực tế phát triển hiện nay, góp ý Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) liên quan đến vấn đề này, không ít ý kiến cho hay, quy hoạch phát triển điện lực cấp tỉnh phải được đặt ngang tầm với quy hoạch đất đai, hạ tầng giao thông.

Nhìn nhận về nội dung đã nêu, TS Hoàng Văn Thắng - Chủ tịch Hội đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam cho rằng, hiện nay, theo Luật Quy hoạch, quy hoạch điện lực được thể hiện ở 4 quy hoạch, bao gồm 3 quy hoạch tích hợp (quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh) và 1 quy hoạch ngành quốc gia (quy hoạch phát triển điện lực). Với đặc điểm các quy hoạch tích hợp và quy hoạch cấp quốc gia, không thể đưa các thông tin quá chi tiết, cụ thể vào 4 quy hoạch trên.

sua-luat-dien-luc-24.8.1.1.2.jpg
Theo chuyên gia, quy hoạch phát triển điện lực cấp tỉnh phải được đặt ngang tầm với quy hoạch đất đai, hạ tầng giao thông - Ảnh minh họa: ITN

Theo ông Thắng, việc Ban soạn thảo Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) cố gắng đưa các thông tin chi tiết vào các quy hoạch có thể dẫn tới không phù hợp với quy hoạch tích hợp và quy hoạch cấp quốc gia.

“Việc đưa thông tin quá chi tiết có thể dẫn tới thông tin không chính xác, phải điều chỉnh, ngoài ra, việc điều chỉnh quy hoạch do Thủ tướng phê duyệt rất khó khăn. Do vậy, Ban soạn thảo nên đưa vào Luật Điện lực (sửa đổi) quy hoạch điện lực cấp tỉnh do Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt và sửa Luật Quy hoạch (bổ sung vào phụ lục II mục Quy hoạch điện lực cấp tỉnh)”, ông Thắng chia sẻ.

Bên cạnh vấn đề đã nêu, về phạm vi quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh, TS Hoàng Văn Thắng cũng đề nghị Ban soạn thảo ghi rõ quy mô dự án nguồn điện trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Bởi trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (như quy hoạch Điện VIII) không ghi danh mục các dự án nguồn điện quy mô nhỏ mà chỉ ghi tổng công suất của các nguồn này.

Không chỉ có vậy, tại Điều 9 của Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) quy định phương án phát triển mạng lưới cấp điện là một nội dung trong quy hoạch tỉnh, bao gồm các dự án nguồn điện và lưới điện đã xác định trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, lưới điện phân phối trên địa bàn.

Góp ý về nội dung này, ông Thắng cho hay, quy định như trên là không đầy đủ và nên sửa đổi phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh là một nội dung trong quy hoạch tỉnh bao gồm các dự án nguồn điện và lưới điện đã xác định trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; nguồn điện và lưới điện trên địa bàn tỉnh…

Liên quan đến quy hoạch phát triển điện lực, ông Nguyễn Đức Hạnh - Phó Viện trưởng Viện Năng lượng cũng cho hay, theo Khoản 9 Điều 3 Luật Quy hoạch thì quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Vì quy hoạch phát triển điện lực tỉnh là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia cho từng tỉnh, vùng nên nó phải được coi là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.

Quy hoạch kinh tế - xã hội tỉnh là quy hoạch chung, trong khi quy hoạch điện lực tỉnh lại là quy hoạch chuyên ngành kỹ thuật, có những đặc thù riêng nên rất khó đạt được chất lượng cao khi tích hợp chung... vì vậy, quy hoạch tỉnh chỉ xem xét các vấn đề tổng thể về kinh tế - xã hội của tỉnh và chỉ đề xuất Chính phủ phê duyệt các dự án quan trọng, ưu tiên của tỉnh, các dự án còn lại sẽ được xem xét tại các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành. Trong khi quy hoạch điện tỉnh đã bị bỏ, thay bằng Phương án phát triển mạng lưới cấp điện (PACĐ).

Theo ông Hạnh, nguồn lực và thời gian dành cho PACĐ không đủ nên chất lượng của các PACĐ này nói chung rất kém, phần lớn là sao chép lại các kết quả của quy hoạch điện tỉnh thời kỳ trước (quy hoạch giai đoạn 2016-2025, có xét tới năm 2035). Hiện tại, chưa xảy ra hệ quả lớn của việc này do sử dụng kết quả quy hoạch cũ, hệ thống điện còn dự phòng và tăng trưởng điện các năm 2020-2023 thấp. Tuy nhiên, nếu không khắc phục thì sẽ dẫn tới những hậu quả lớn hơn, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội của đất nước…

Với những phân tích nêu trên, ông Nguyễn Đức Hạnh cho rằng, quy hoạch phát triển điện lực tỉnh phải được đặt ngang tầm với quy hoạch đất đai, hạ tầng giao thông và phải được cấp có thẩm quyền Trung ương, địa phương phê duyệt mới có hiệu lực pháp lý cao.

Được biết, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Dự án Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 dự kiến diễn ra vào tháng 10 tới đây.

Gia Nguyễn