Bài học từ “vết xe đổ” của Intel
Intel từng là nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới 30 năm liền trước khi khủng hoảng. Lộ trình của Intel để lại nhiều “vết xe đổ” cho các doanh nghiệp nhìn vào.
Tình hình tài chính trong hai quý vừa qua của Intel đã sụt giảm nghiêm trọng so với kỳ vọng. Trong quý gần đây nhất, Intel báo cáo thu nhập chỉ 2 xu cho mỗi cổ phiếu, trong khi công ty đặt kỳ vọng giá mỗi cổ phiếu đạt 10 xu. Công ty cũng đã tạm dừng trả cổ tức. Hiện tại, sau khi cắt giảm hơn 15% lực lượng lao động, Intel đang loay hoai tìm cách để tiếp tục gồng gánh công ty.
Tuần qua, hội đồng quản trị của Intel đã tổ chức hàng loạt cuộc họp dài dằng dặc để tìm ra hướng đi đúng đắn cho công ty. Rất có thể Intel sẽ phải sa thải thêm nhân viên, bán các công ty con hoặc thậm chí là chia tách các hoạt động cốt lõi của Intel.
Sự sa sút dần dần từng bước của Intel ngày càng trầm trọng. Nhìn vào những nỗ lực điều chỉnh hướng đi của Intel, các công ty khác có thể rút ra được nhiều bài học đáng giá.
Ai biết phân bổ nguồn vốn thông minh, người đó sẽ thắng
Intel thường đầu tư vốn 10 tỷ đô la (hoặc hơn) mỗi năm. Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, vốn đầu tư của công ty càng ngày càng ít. Dòng tiền sụt giảm đã giới hạn khả năng tài trợ cho các hoạt động cốt lõi của công ty.
Việc chi vốn mạnh tay và rủi ro thường đi đôi với nhau - Intel đã liều lĩnh theo đuổi chip AI, đầu tư 100 tỷ đô la vào hoạt động sản xuất tại Hoa Kỳ và giới thiệu chip máy tính xách tay có bộ xử lý AI chuyên dụng. Tuy nhiên, công ty đã không nhận được sự chú ý từ công chúng, gây lãng phí thời gian và tiền bạc. Lợi nhuận của công ty sụt giảm từ đó.
Việc đầu tư vốn lớn luôn có hai mặt, một là thu lại lợi nhuận lớn trong tương lai, hai là chỉ đốt tiền. Các nhà lãnh đạo cần phải tỉnh táo để nhận ra khi nào nên mạnh dạn đầu tư lớn, khi nào nên rút lui.
Biết khi nào nên thay đổi
Việc thay đổi hướng đi chẳng khác gì thừa nhận với nhà đầu tư và nhân viên rằng lãnh đạo đã phạm sai lầm. Nhưng không làm như vậy có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Intel hiện tại đang kiếm được tiền từ một số doanh nghiệp của mình, nhưng không đủ để hỗ trợ chi phí vốn cần thiết nhằm mở rộng chuỗi sản xuất và cung ứng. Nếu công ty không sớm ban hành một kế hoạch mới, rất có thể sẽ mất hàng tỷ đô la.
“Mặc dù chiến lược kinh doanh lúc đầu là hợp lý, nhưng ở thời điểm hiện tại nếu không thay đổi, công ty sẽ không thể đạt được những mục tiêu đã đề ra”, nhà phân tích Stacy Rasgon của Bernstein Societe Generale Group nói.
Vào cuối những năm 2000, nhu cầu của người tiêu dùng đã thay đổi so với trước đó và Intel đã không nhận ra điều này. Thay vì tập trung vào sự gia tăng nhu cầu về chip di động, công ty vẫn tập trung hoàn toàn vào mảng kinh doanh PC. Công ty cũng khăng khăng sản xuất bộ xử lý của riêng mình trong khi các đối thủ đều đi thuê bên ngoài. Mới đây, Intel đã hoàn toàn bỏ lỡ sự gia tăng của chip tập trung vào AI, tạo cơ hội cho Nvidia vươn lên dẫn trước.
“Nếu có tư duy ổn định, bạn sẽ nghĩ rằng ‘những gì tôi đang làm, tôi sẽ tiếp tục làm’, nhưng ngành công nghệ thì khác, luôn luôn thay đổi”, Ram Chellappa, giáo sư tại Trường Kinh doanh Goizueta của Đại học Emory, chia sẻ với tờ Fast Company.
Đi trước một bước là việc khó, nhưng bắt kịp còn khó hơn nhiều
Giám đốc điều hành của Intel, Pat Gelsinger, đang bị giới truyền thông đặc biệt chú ý, nhưng hầu như không ai đổ lỗi cho ông về các khó khăn hiện tại của công ty. Ông gia nhập Intel vào năm 2021, với hy vọng đưa công ty trở lại đúng hướng sau những sai lầm của ban quản lý trước đó. Tuy nhiên, việc giúp Intel lấy lại vị thế đang mất nhiều thời gian và tốn kém so với dự kiến. Để theo kịp mục tiêu, chi phí nghiên cứu & phát triển sản phẩm sẽ phải đầu tư nhiều hơn.
“Tình hình tài chính của Intel đang ở mức rủi ro, điều này thể hiện rõ trong báo cáo tài chính của công ty”, Chellappa nói.
Niềm tin của nhà đầu tư khi đã mất đi sẽ rất khó lấy lại
Các vấn đề của Intel đã liên tiếp xảy ra trong nhiều quý gần đây, nhưng các dấu hiệu cảnh báo đã xuất hiện một thời gian và các nhà đầu tư cũng nhận thấy điều này. Trong 5 năm qua, cổ phiếu đã giảm 63%. Năm vừa rồi, cổ phiếu cũng giảm 50% và tính đến nay, cổ phiếu của công ty đã giảm gần 60%.
Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones - chỉ số giá chứng khoán của ngành công nghiệp Hoa Kỳ thậm chí còn cân nhắc đến việc loại công ty khỏi dữ liệu của họ. Trong khi đó, các nhà đầu tư hiện định giá công ty thấp hơn nhiều so với giá trị của các cơ sở vật chất và tài sản khác trên bảng cân đối kế toán của công ty.
Việc cắt giảm việc làm và các kế hoạch xoay chuyển tình thế sẽ giúp ích ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, khi nào Intel chứng minh được rằng họ có thể trở thành một đối thủ thực sự trong lĩnh vực AI hoặc giới thiệu một sản phẩm nào đó đóng vai trò quan trọng trong các công nghệ tương lai, thì mới có khả năng thu hút các nhà đầu tư đã bỏ đi.
Đánh giá & thử nghiệm sản phẩm kỹ lưỡng trước khi chào hàng
Mục tiêu của Intel trong tương lai là kinh doanh công nghệ theo hướng “fabless” – chỉ tập trung vào thiết kế chip mà không cần sở hữu nhà máy sản xuất. Công ty hy vọng điều này sẽ thu hút được hoạt động kinh doanh từ TSMC của Đài Loan - tập đoàn sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới. Những nỗ lực đó đã gặp phải trở ngại vào đầu tháng này. Nhà thiết kế chip Broadcom sau khi thử nghiệm quy trình của Intel cho biết Intel vẫn chưa sẵn sàng cho sản xuất quy mô lớn.
Intel cho biết hệ thống sẽ sẵn sàng vào năm sau, nhưng sự chậm trễ này có thể gây ảnh hưởng kéo dài khi niềm tin vào sản xuất của Intel đã giảm sút.