Xuất khẩu điều, kỳ vọng đạt mục tiêu 4 tỷ USD năm 2024
Với những kết quả khả quan trong 8 tháng đầu năm 2024, ngành điều đang kỳ vọng vào con số kim ngạch kỷ lục 4 tỷ USD cho cả năm 2024.
Hiệp hội Điều Việt Nam nhận định, xuất khẩu điều của Việt Nam sẽ tăng trong các tháng của quý IV/2024 nhờ nhu cầu thế giới tăng. Trong đó, nhu cầu tiêu thụ tại Mỹ có dấu hiệu phục hồi, tồn kho giảm mạnh sẽ kéo theo nhập khẩu tăng. Việt Nam hiện giữ vững vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu hạt điều.
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, doanh nghiệp cần đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm điều chế biến sâu, chất lượng cao, từ đó tiếp cận được nhiều khách hàng khó tính và bán được giá tốt hơn.
Ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Long Sơn nhận định, tình hình tiêu thụ hạt điều năm 2024 sẽ sáng sủa hơn năm 2023. Đặc biệt, nhu cầu tiêu thụ hạt điều chế biến sâu đang tiếp tục tăng lên và các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng đang thúc đẩy Việt Nam xuất khẩu sản phẩm này.
Đồng tình quan điểm này, các chuyên gia cho rằng, cùng với việc đẩy mạnh đầu tư, sản xuất các sản phẩm hạt điều chế biến sâu, hạt điều chất lượng cao, từ đó, đã tiếp cận được nhiều khách hàng khó tính và bán được giá tốt hơn so với mặt bằng chung, doanh nghiệp cũng đang tích cực thực hiện chuyển đổi xanh, trách nhiệm xã hội...
Tuy nhiên, ông Trần Công Khanh, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây điều cho rằng, những thách thức đối với hạt điều Việt Nam hiện nay đó là sản phẩm chế biến chưa đa dạng, chủ yếu dạng thô nên giá trị gia tăng vẫn còn thấp, sức cạnh tranh một số sản phẩm vẫn còn kém.
Để tận dụng những dư địa của ngành điều, các chuyên gia cho rằng, việc tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp chế biến, kinh doanh sản phẩm điều đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, xúc tiến xuất khẩu hàng hóa trên môi trường mạng là một kênh quan trọng trong quảng bá và giúp ngành hạt điều Bình Phước dễ dàng tiếp cận với thị trường thế giới.
Bên cạnh đó, FTA lại có tác động tích cực đối với xuất khẩu hạt điều chế biến sâu bởi trước đây các chính phủ đánh thuế nhập khẩu những sản phẩm này để bảo vệ sản xuất trong nước. Nhưng trong các FTA mà Việt Nam đã ký, hạt điều chế biến sâu nhập khẩu từ Việt Nam đã được giảm thuế xuống bằng 0%.
Ở góc độ khác, ông Vũ Thái Sơn đánh giá ngành điều Việt Nam có một quá trình phát triển hàng chục năm và đến nay đạt kim ngạch xuất khẩu hàng tỉ USD được xem là sự nỗ lực phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp.
Song, cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt khi có quá nhiều công ty tham gia, nhiều cơ sở với quy mô vừa và nhỏ… “Vốn ít, doanh nghiệp điều chỉ cần vài “cơn sóng gió” là dẫn đến phá sản, nhưng ngành điều những năm qua thu hút khá nhiều người lao vào kinh doanh. Điều này khiến lợi nhuận của ngành điều ngày càng giảm sút vì cạnh tranh cao”, ông Vũ Thái Sơn nói.
Ông Vũ Thái Sơn dẫn chứng, năm 2023 sự tăng trưởng nóng của ngành chế biến điều đã dẫn đến tình trạng doanh nghiệp giành mua điều thô, tranh bán điều nhân. Từ đó, đẩy giá nhân điều đã giảm trước đó càng giảm sâu thêm.
“Vì kinh doanh thua lỗ và lợi nhuận thấp ở mức 2-3%, nên đã có không ít doanh nghiệp tìm đường thoái lui bằng cách thu hẹp, bán doanh nghiệp, rút khỏi thị trường”, ông Vũ Thái Sơn chia sẻ.
Vẫn theo ông Vũ Thái Sơn, một khó khăn lớn khác với ngành điều là hiện Việt Nam vẫn giữ vị trí số một thế giới trong lĩnh vực xuất khẩu hạt điều, chiếm hơn 75% lượng nhân điều được xuất khẩu trên toàn cầu.
Nhưng ngành chế biến điều xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc phần lớn nguyên liệu thô từ châu Phi. Vùng nguyên liệu trồng điều trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 20 – 25% nhu cầu của các nhà máy chế biến.
Trong khi đó, chiến lược mới trong sản xuất, chế biến điều của các nước xuất khẩu ở châu Phi đang đặt ngành điều Việt Nam vào tình thế cạnh tranh trực diện với nhiều bất lợi.
Theo các chuyên gia, ngành điều gặp khó khăn do chính những yếu kém nội tại, cạnh tranh lẫn nhau khiến các doanh nghiệp đối mặt với việc mua nguyên liệu cao, bán ra giá rẻ. Có nhiều ý kiến đề xuất các doanh nghiệp chế biến điều giảm công suất chế biến.
Điều này nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu điều thô ở châu Phi và Campuchia, để doanh nghiệp Việt Nam không tranh nhau mua điều thô với giá cao, ngược lại có thể “ép” được bên bán cung cấp điều thô giá rẻ, cạnh tranh hơn.