Quảng Nam: Doanh nghiệp kêu khó trong đền bù giải phóng mặt bằng
Nhiều địa phương tại Quảng Nam còn tồn tại bất cập trong khâu thực thi, đền bù giải phóng mặt bằng, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong đầu tư, xây dựng.
Mới đây tại buổi làm việc với ông Trần Nam Hưng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam về việc đưa ra giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam đã nêu ra nhiều khó khăn, bất cập trong công tác đền bù và giải phóng mặt bằng.
Thiếu quyết liệt trong thực thi
Trao đổi tại buổi làm việc ông Trần Quốc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn trong thực hiện dự án; cụ thể là những vướng mắc chưa thể giải quyết được trong khâu đền bù, giải phóng mặt bằng. Đặc biệt để tồn tại hệ lụy trên là do một phần trách nhiệm năng lực của cơ quan thực thi phụ trách công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng ở địa phương còn thiếu quyết liệt.
“Mặc dù biết rằng công tác giải phóng mặt phải đi trước một bước, giải phóng mặt bằng có nhanh thì mới tranh thủ nguồn vốn bố trí cho dự án, nhưng nhiều trường hợp đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cách đây hơn 4 năm nhưng các hộ dân vẫn không nhận tiền và bàn giao mặt bằng, dù chính quyền địa phương tổ chức đối thoại vận động người dân” – ông Bảo chia sẻ.
Mặt khác, khó khăn hơn là những trường hợp giao đất, ông Trần Quốc Bảo nêu, việc giao đất “da beo” nhưng lại không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không được tách thửa chuyển nhượng thì sẽ không đem lại hiệu quả, phương án tháo gỡ cho các chủ đầu tư. Bởi nếu không nhận đủ diện tích của dự án thì chủ đầu tư không thể thực hiện thi công bàn giao và đưa vào sử dụng đúng tiến độ, việc này dễ dẫn đến tình trạng tái lấn chiếm.
Đưa ra bài toán giải quyết vấn đề này, Ông Trần Quốc Bảo kiến nghị các sở, ban, ngành liên quan cần ban hành quy định xử lý thủ tục hành chính nhanh gọn, quy chế giải quyết tách thửa, chuyển nhượng, đăng ký biến động trong đất đai để doanh nghiệp đủ cơ sở pháp lý để tiếp tục hoạt động. “Nếu không giải quyết được vấn đề này doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn vì các ngân hàng không mặn mà tiếp nhận hồ sơ, xử lý giải quyết thủ tục thế chấp để cho vay vốn” - ông Bảo chia sẻ.
Đồng thời đại diện Hiệp hội cũng đề xuất, doanh nghiệp sẽ tiếp tục được tạm hoãn ký quỹ và được gia hạn tiến độ thi công bàn giao theo quy định của pháp luật vì, việc chậm bàn giao mặt bằng dẫn đến việc ách tắc khi nhận dự án là do lỗi của địa phương và không phải lỗi do nhà đầu tư thực hiện.
Cần sự phối hợp giữa các ban ngành
Đưa ra những bất cập tại địa phương, Bà Nguyễn Thị Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn -Quảng Nam cho biết, công tác giải phóng mặt bằng tại địa phương gặp nhiều vướng mắc, nguyên nhân liên quan đến các dự án cũ ở thời gian trước, một bộ phận người dân yêu cầu đền bù đất nông nghiệp bằng đất ở và bố trí tái định cư. Địa phương cũng gặp khó trong việc xét nguồn gốc đất tại phường Điện Ngọc. Việc cưỡng chế thu hồi đất cũng rất khó để thực hiện vì hồ sơ các dự án cũ rất nhiều; nếu thực hiện cưỡng chế cần có ý kiến của Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Mội trường và các ngành liên quan, nên cần có sự phối hợp và quyết liệt của các bộ ngành.
Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, mới đây Công ty TNHH Hyosung Quảng Nam vừa có kiến nghị gửi tỉnh Quảng Nam để tháo gỡ khó khăn trong quá trình đầu tư các dự án tại địa phương. Theo phản ánh của doanh nghiệp, công tác bồi thường cũng còn nhiều vướng mắc do liên quan đến xử lý đất công ích (5%) và chính sách bồi thường đối với đất và tài sản trên đất do người dân canh tác nhưng không đủ điều kiện bồi thường.
Hyosung cho rằng do việc ký hợp đồng thuê đất và làm các thủ tục pháp lý khác của công ty không thể thực hiện được, nên ảnh hưởng lớn đến tiến độ đầu tư dự án.
Trước đó, tháng 4/2022, công ty đã được cấp Giấy chứng nhận điều chỉnh dự án đầu tư lần thứ 4 cho dự án Nhà máy sản xuất vải mành. Nhà máy tăng diện tích so với hiện tại thêm 21ha và nâng tổng vốn đầu tư của dự án lên 410 triệu USD. Như vậy đến quý IV/2024 dự án sẽ vận hành chính thức giai đoạn 3. Tuy nhiên, hiện tại Báo cáo bổ sung ngành nghề thu hút đầu tư, đề nghị giao đất và việc xây dựng, ban hành giá cho thuê đất cụ thể của Khu công nghiệp Tam Thăng mở rộng chưa có.
Doanh nghiệp này cũng cho biết, ngoài việc tăng quy mô đầu tư Nhà máy sản xuất vài mảnh, Công ty có kế hoạch đầu tư dự án Nhà máy sản xuất Nội thất với diện tích 8-10ha với tổng vốn đầu tư là 110 triệu USD. Dự kiến sẽ khởi công xây dựng nhà máy vào quý II/2025…
Ngoài vướng mặt bằng, Hyosung Quảng Nam cũng cho biết, kế hoạch đầu tư dự án nhà máy sản xuất vài mảnh, giai đoạn 3 và giai đoạn 4 của dự án với diện tích khoản 21ha thuộc KCN Tam Thăng mở rộng sẽ đi vào vận hành từ tháng 7/2023.
Thế nhưng đến nay dự án vẫn chưa thể đi vào vận hành chính thức do còn vướng thủ tục về đất đai như bồi thường và đơn giá cho thuê lại đất.
Với Nhà máy sản xuất nội thất, quy mô 8 - 10ha có tổng vốn dự kiến là 110 triệu USD tại KCN Tam Thăng mở rộng, doanh nghiệp xin đầu tư để thêm nguồn hàng, nhưng ngành nghề này lại không không phù hợp với quy hoạch đã được được duyệt của KCN Tam Thăng mở rộng. Để khơi thông vướng mắc trên, Công ty Hyosung Quảng Nam đã có công văn xin phê duyệt về việc bổ sung ngành nghề thu hút đầu tư vào KCN Tam Thăng mở rộng.
Ban Quản lý các KKT và KCN tỉnh Quảng Nam cũng đã có báo cáo liên quan đến nội dung này. Tuy nhiên, quá trình này mất nhiều thời gian nên Công ty Hyosung Quảng Nam lo ngại sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư tại Quảng Nam.
Trước những bất cập trên, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương đã nắm được thông tin phản ánh của doanh nghiệp đang yêu cầu các đơn vị, phòng kiểm tra nhằm đưa ra phương án tháo gỡ vướng mắc cho các dự án của Công ty TNHH Hyosung.