“Bàn đạp” cho du lịch Việt
Để biến giá trị giải thưởng thành thương hiệu, chúng ta cần sự bắt tay, kết nối mạnh mẽ từ Chính phủ, các bộ ngành và địa phương, doanh nghiệp.
Theo CEO AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt, những danh hiệu thế giới, những giải thưởng châu lục đã góp phần tạo dựng và củng cố niềm tin về sự phát triển của du lịch nước nhà, hướng đến sự phát triển bền vững của du lịch Việt.
Mới đây, tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) khu vực châu Á và châu Đại Dương lần thứ 31 tại Philippines, du lịch Việt Nam đã vinh dự được xướng tên trong 48 hạng mục giải thưởng hàng đầu châu Á. Ở cấp quốc gia, Việt Nam được tôn vinh là “Điểm đến hàng đầu châu Á 2024”, “Điểm đến di sản hàng đầu châu Á 2024” và “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á 2024”.
- Những giải thưởng tại World Travel Awards vừa qua chắc chắn là một phần thưởng xứng đáng, ghi nhận những nỗ lực không ngừng nghỉ của du lịch Việt, thưa ông?
Chắc chắn là như vậy. Những “cơn mưa” giải thưởng này là minh chứng rõ ràng nhất, khẳng định du lịch Việt Nam đang ngày càng phát triển, tăng sức cạnh tranh và đang chinh phục những đỉnh cao của du lịch châu Á, sánh ngang với du lịch quốc tế.
Đặc biệt, trong 48 giải thưởng, chúng ta không chỉ nhận được những giải thưởng cấp quốc gia, địa phương mà còn nhận được những giải thưởng dành cho các doanh nghiệp du lịch lữ hành, khách sạn, các khu du lịch hàng đầu Việt Nam. Tất nhiên, chúng ta phải khẳng định rằng, Việt Nam có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên văn hóa và tài nguyên tự nhiên. Những bờ biển cát trắng kéo dài từ Bắc đến Nam, nhiều bãi tắm, vịnh, đảo được các tạp chí, nền tảng du lịch hàng đầu thế giới vinh danh; Những khu sinh thái, sông suối, thác nước, những cánh rừng nguyên sinh, những cao nguyên, đồi núi,...
Có thể nói, đây là thành quả sau những nỗ lực tiếp thu và học hỏi kinh nghiệm của những quốc gia đi trước, gìn giữ và phát huy những lợi thế sẵn có và đẩy mạnh những nét đẹp các di sản, cả tự nhiên và văn hóa, cả vật thể và phi vật thể.
Hơn thế nữa, đây còn là cơ hội, điều kiện thuận lợi để hình ảnh du lịch Việt Nam ngày càng được nâng cao và định vị rõ nét hơn trên bản đồ thế giới, năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam tiếp tục được cải thiện.
- Song danh hiệu và giải thưởng sẽ là không đủ để tạo nên sức hấp dẫn cho du lịch Việt nếu như chúng ta vẫn còn vấn đề về môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, hay những vấn nạn về việc “chặt chém”, “chèo kéo” du khách, thưa ông?
Việc trao nhận, tôn vinh mới chỉ là bước quan trọng có tính khai mở, làm tiền đề, nền tảng, còn gìn giữ và phát huy giá trị giải thưởng còn khó hơn nhiều. Du khách quốc tế chắc chắn sẽ tìm hiểu và đánh giá về Việt Nam qua nhiều nền tảng, từ những thông tin quốc tế về hình ảnh, danh hiệu, giải thưởng, cho đến những trang thông tin cộng đồng, những tài khoản mạng xã hội,... Do đó, nếu Việt Nam muốn trở thành điểm đến đáng mơ ước, chúng ta cần nghiêm túc xử lý và ngăn chặn những vấn nạn đang làm xấu hình ảnh của du lịch nước nhà.
Muốn làm được điều này, các địa phương cần kịp thời triển khai các biện pháp hiệu quả, đồng bộ để chấm dứt triệt để. Đồng thời, nên thường xuyên tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo sát để cập nhật thông tin đăng công khai trên các trang du lịch và có hoạt động ngăn chặn sớm nhất.
- Ở góc độ là doanh nghiệp du lịch, ông có đề xuất kiến nghị gì để du lịch Việt Nam phát triển bền vững, khẳng định vị thế với bạn bè quốc tế?
Ngày xưa có câu “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, nhưng theo tôi, ngày nay, “tốt gỗ” thì nên tốt cả “nước sơn”. Mỗi danh hiệu, giải thưởng như một viên ngọc quý. Chắc chắn cần phải thêm nhiều thời gian để các viên ngọc tiếp tục tỏa sáng năm châu. Các danh hiệu, giải thưởng danh giá mang đặc trưng quốc gia nhưng cũng được xem là khai mở để chúng ta xây dựng những chiến lược cho chặng đường sắp tới.
Để biến giá trị giải thưởng thành thương hiệu, chúng ta cần sự bắt tay, kết nối mạnh mẽ từ Chính phủ, các bộ ngành và địa phương, doanh nghiệp. Trước hết, chúng ta cần xây dựng chiến lược truyền thông tận dụng hiệu ứng từ giải thưởng du lịch quốc tế, quảng bá những điểm đến hấp dẫn thu hút đến những thị trường trọng điểm. Giải thưởng cung cấp một lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ, giúp doanh nghiệp tạo ra những thông điệp quảng cáo hấp dẫn và thuyết phục hơn.
Các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch phải có trọng tâm, trọng điểm; tập trung triển khai theo chiến dịch…; đa dạng hóa loại hình, cách thức tiếp cận thị trường, kết hợp và tối ưu hóa giữa các hình thức marketing truyền thông tích hợp, giữa các hình thức trực tuyến và trực tiếp.
Cuối cùng, từ phía doanh nghiệp, cần nâng cao sự chuyên nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực để luôn đảm bảo “vừa lòng khách đến, hài lòng khách đi”.
Từ đó, nâng cao nhận thức về phát huy giá trị các di sản, gắn với bảo tồn, phát triển bền vững phải thấm sâu vào hành động của các nhà quản lý, doanh nghiệp và mỗi người dân, nhất là Nhân dân ở các vùng có di sản được vinh danh. Phải quyết tâm tận dụng bước đệm từ giải thưởng, khẳng định hình ảnh thương hiệu, "biến di sản thành tài sản", "biến tiềm lực thành nguồn lực" để phát triển du lịch đất nước.
- Trân trọng cảm ơn ông!