Sửa Luật Khoa học và Công nghệ: Gỡ vướng mắc về thể chế
Chuyên gia kỳ vọng, Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi sẽ tháo gỡ những vướng mắc về thể chế, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Theo đó, Luật Khoa học và Công nghệ 2013 có hiệu lực thi hành từ 1/1/2014, sau 10 năm triển khai, bối cảnh trong nước và quốc tế đã nhiều thay đổi, tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội. Do vậy, Luật Khoa học và Công nghệ 2013 cần được nghiên cứu, sửa đổi toàn diện để thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; cập nhật những vấn đề mới của khoa học và công nghệ trong nước và thế giới; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Luật.
Đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đề xuất 8 nhóm chính sách trong quá trình sửa đổi. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, một trong những “điểm nghẽn” khiến kết quả nghiên cứu khó ra thực tiễn liên quan đến hành lang pháp lý. Trong đó, Luật Khoa học và Công nghệ 2013 cùng nhiều luật liên quan chưa chấp nhận việc các nhà khoa học nghiên cứu mà không cho ra kết quả. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cũng cần thời gian dài, phải từ 10-20 năm, mới đưa được vào cuộc sống, do đó nếu chỉ đánh giá kết quả thương mại hóa trong 1-5 năm, chưa thực sự đầy đủ.
Về tăng cường nguồn nhân lực cho nghiên cứu và phát triển, Dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi (Dự thảo) dự kiến tăng số lượng cán bộ nghiên cứu từ 7 lên 12 người/một vạn dân. Đây là giải pháp nhằm thúc đẩy đầu tư từ xã hội, doanh nghiệp và khu vực tư nhân vào khoa học và công nghệ. Đầu tư này sẽ bao gồm tài chính và việc xây dựng các trung tâm nghiên cứu phát triển, các viện nghiên cứu, cũng như hình thành các đội ngũ nghiên cứu và phát triển trong các doanh nghiệp.
Về nội dung đổi mới sáng tạo, Dự thảo dự kiến sẽ thiết lập các hành lang pháp lý đầy đủ để thúc đẩy sự phát triển của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, trong đó doanh nghiệp là trung tâm, viện nghiên cứu cũng như trường đại học đóng vai trò là các chủ thể nghiên cứu mạnh; đồng thời khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, cộng đồng và trong các cơ quan quản lý nhà nước.
Cũng theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, để đồng bộ các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ với các chính sách tài chính hiện có, nhằm tận dụng tối đa tất cả các chính sách này, ngành khoa học và công nghệ sẽ sửa đổi mạnh mẽ các quy định liên quan đến nhiệm vụ khoa học và công nghệ, đề tài, dự án, phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính...
Đặc biệt, Dự thảo sẽ cân bằng giữa hoạt động khoa học và công nghệ với những yêu cầu pháp luật về tài chính, như đầu tư, đấu thầu, quản lý và sử dụng tài sản công...
“Chúng tôi dự kiến sẽ đề xuất trong Dự thảo các quy định về việc xác định cái gì là tài sản và cái gì không phải là tài sản trong kết quả khoa học và công nghệ. Việc chia sẻ quan điểm này sẽ giúp điều chỉnh hành lang pháp lý của Luật Khoa học và Công nghệ cũng như các luật khác, để chúng trở nên phù hợp và hoạt động hiệu quả hơn, từ đó tạo ra một môi trường thông thoáng cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh.
Chia sẻ quan điểm về Dự thảo, GS TS Nguyễn Hữu Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội kỳ vọng Luật sửa đổi sẽ tạo ra một hành lang pháp lý mới, tạo điều kiện phát triển và khuyến khích đổi mới sáng tạo.
"Đây là lần đầu tiên chúng ta chính thức hóa khái niệm đổi mới sáng tạo, sẽ giúp xây dựng một văn hóa mới cho người Việt Nam", ông Đức chia sẻ.
Hiện, Đại học Quốc gia Hà Nội chú trọng đầu tư khởi nghiệp sáng tạo sinh viên. Theo GS TS Nguyễn Hữu Đức, cần phải chuẩn bị nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo, bắt đầu ngay từ bổ sung môn học về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo thành môn học chung để học trò có kỹ năng, năng lực đổi mới sáng tạo.
Liên quan đến việc sửa đổi Luật lần này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh, quan điểm Luật mới phải giải quyết được tất cả những vướng mắc để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo đúng tinh thần các Nghị quyết của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
“Từ cách tiếp cận đó, tất cả những điều khoản không hợp lý cho việc thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các luật hiện hành đều có thể được đề cập và sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo nghiêm túc nghiên cứu hồ sơ Dự án Luật; nghiên cứu, vận dụng kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện Dự thảo bảo đảm chất lượng, phấn đấu trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào Kỳ họp thứ 9 và xem xét, thông qua vào Kỳ họp thứ 10 năm 2025.