Kinh tế

Xuất khẩu dệt may dự báo sẽ hồi phục tốt hơn trong những tháng tới

Đình Đại 17/09/2024 03:00

Shinhan Việt Nam nhận định, xuất khẩu dệt may dự báo sẽ hồi phục tốt hơn trong những tháng tới nhờ vào mùa cao điểm sản xuất cho các đơn hàng dịp Noel và Tết.

may.jpg
Xuất khẩu dệt may được dự báo sẽ hồi phục tốt hơn trong những tháng cuối năm - Ảnh: Đình Đại.

Theo Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 24 tỷ USD, tăng khoảng 5% so với cùng kỳ và tăng 8,26% so với cùng kỳ năm 2019. Riêng trong tháng 7, xuất khẩu dệt may đạt hơn 4 tỷ USD, đây là mức cao trong 2 năm trở lại đây. Giá trị xuất khẩu theo tháng cũng cho thấy đà tăng trưởng trở lại nhờ sự phục hồi của thị trường Mỹ.

Xuất khẩu dệt may dự báo sẽ hồi phục tốt hơn trong những tháng tới nhờ vào mùa cao điểm sản xuất cho các đơn hàng dịp Noel và Tết. Với năng lực sản xuất cải thiện, Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS) ước tính xuất khẩu của nhóm hàng dệt may sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 10% từ nay đến cuối năm.

Shinhan Việt Nam đánh giá, những tín hiệu khả quan trong mảng nguyên liệu vào nửa đầu năm 2024 báo hiệu sự phục hồi của ngành dệt may trong nửa cuối năm 2024. Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu nguyên phụ liệu ngành dệt may ước đạt hơn 15,83 tỷ USD, tăng 15,65% so với 7 tháng đầu năm 2023 và tăng 10,43% so với cùng kỳ năm 2019.

Sản lượng bông nhập khẩu tăng trưởng khả quan bắt đầu từ quý I/2024, tăng 53% so với cùng kỳ sau khi giảm nhẹ sản lượng nhập khẩu vào cuối 2023. Trong khi đó, sản lượng nhập khẩu xơ, sợi nguyên liệu cho thấy đà phục hồi khá tốt từ quý IV/2023.

Cũng theo Shinhan Việt Nam, doanh số bán hàng tháng 7/2024 tại các cửa hàng quần áo và phụ kiện ở Mỹ tăng 0,57% so với tháng trước và tăng 5,27% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự tăng trưởng doanh số bán lẻ phản ảnh chỉ tiêu cho việc trở lại trường học và đại học tại Mỹ.

Công ty Chứng khoán này kỳ vọng, thị trường Mỹ - thị trường tiêu thụ hàng dệt may chính của Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi trong nửa cuối năm 2024 khi: Nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng cao vào mùa lễ hội; và FOMC dự báo hạ lãi suất dần từ quý IV/2024, giúp nới lỏng chỉ tiêu để thúc đẩy sức tiêu thụ ở các mặt hàng không thiết yếu, bao gồm các sản phẩm may mặc.

may(1).jpg
Cơ hội từ khủng hoảng chính trị tại Bangladesh cho ngành dệt may Việt Nam.

Shinhan Việt Nam cũng cho rằng, Trung Quốc và Bangladesh là đối thủ cạnh tranh lớn của Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, đơn vị này đánh giá, Việt Nam vẫn có những lợi thế nhất định so với Bangladesh, nhờ Việt Nam gần nguồn cung cấp nguyên liệu từ Trung Quốc và sản phẩm đa dạng và hàng hóa có giá trị cao hơn.

“Trong bối cảnh khủng hoảng chính trị ở Bangladesh, chúng tôi đánh giá ngành dệt may Việt Nam sẽ càng có lợi hơn nữa. Năng lực sản xuất hàng dệt may của Bangladesh bị giảm sút ngay mùa cao điểm và đơn hàng kỳ vọng sẽ được dịch chuyển sang Việt Nam. Ngoài ra, bất ổn chính trị và chi phí lao động tăng cao do yêu cầu tăng lương ở Bangladesh đang làm suy yếu lợi thế cạnh tranh về lao động giá rẻ của nước này và làm giảm niềm tin của khách hàng”, Shinhan Việt Nam đánh giá.

Công ty Chứng khoán VFS cũng đánh giá, khủng hoảng trong ngành dệt may tại Bangladesh cũng sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, VFS cho rằng Bangladesh đáp ứng các “tiêu chuẩn xanh” để nhập khẩu sang các thị trường khó tính, chính vì vậy, quốc gia này vẫn được miễn thuế và không bị hạn ngạch khi xuất khẩu sang thị trường EU. Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng thấp và chắc chắn sẽ có gói trợ cấp từ Chính phủ hỗ trợ ngành dệt may vì đây là trụ cột kinh tế của quốc gia Nam Á này.

VFS cũng cho rằng, Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi để trở thành điểm đến lý tưởng cho ngành dệt may toàn cầu trong bối cảnh Bangladesh gặp khủng hoảng. Tuy nhiên, chúng ta phải cạnh tranh với Ấn Độ - quốc gia có lợi thế hơn hẳn Việt Nam bởi là nước láng giềng và ngành dệt may hai nước có quan hệ mật thiết với nhau.

“Ấn Độ vừa là nguồn cung cấp bông, vừa là chủ đầu tư nhiều nhà máy may mặc lớn ở Bangladesh. Cùng với đó, việc nhận thêm đơn hàng gia công không phải là mục tiêu lớn nhất của dệt may Việt Nam bởi chiến lược phát triển của Việt Nam khác với Bangladesh. Việt Nam không cạnh tranh bằng thâm dụng lao động giá rẻ mà đi theo hướng phát triển bền vữngvới hàm lượng giá trị cao”, VFS đánh giá.

Ông Trương Văn Cầm - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký VITAS cũng cho rằng, ngành dệt may Việt Nam có sự khởi sắc là do hầu hết thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu kiềm chế được lạm phát giúp sức mua tăng lên. Lượng hàng tồn kho trong năm 2023 của các nhãn hàng đã giảm, một số doanh nghiệp dệt may hiện đã thông qua hiệp hội để tìm những công ty nhỏ hơn thuê gia công lại đơn hàng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam thời gian qua cũng đã chủ động đa dạng hoá thị trường và khách hàng.

Đình Đại