Kinh tế

Các lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi bão Yagi và dự báo thời gian phục hồi

Lê Mỹ 17/09/2024 04:30

Các lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi bão Yagi có thể có thời gian phục hồi lâu hơn, với những tác động không lường trước.

Tác động của bão Yagi lên chuỗi cung ứng và sản xuất tại các tỉnh thành phía Bắc sâu sắc và các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực đều đang nỗ lực để phục hồi.

Tác động nhiều lĩnh vực

Báo cáo của CEL, công ty tư vấn chuyên về các giải pháp chuỗi cung ứng, thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 10 đến ngày 15 tháng 9, với sự tham gia của 216 công ty từ các ngành Sản xuất (38,7%), Bán lẻ & Phân phối (15,1%) và Logistics & Chuỗi cung ứng (26,9%), phân tích về những gián đoạn nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng, tổn thất kinh tế và nỗ lực phục hồi của các doanh nghiệp.

yagi1.jpg
Nhiều lĩnh vực bị thiệt hại bởi bão Yagi, trong đó bị tác động trên diện rộng là nông nghiệp và ảnh hưởng sâu với lĩnh vực chuỗi cung ứng và logistics. Ảnh: Vietnam+

Tác động kinh tế được thống kê như ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, gây thiệt hại khoảng 1,64 tỷ USD, dự báo làm giảm 0,15% GDP của Việt Nam trong năm 2024.

Về ảnh hưởng đến doanh nghiệp theo kết quả khảo sát: 15,4% công ty bị gián đoạn nghiêm trọng, trong khi 53,6% đối diện với những chậm trễ trong vận hành những kiểm soát được. Chỉ 6,2% doanh nghiệp báo cáo không bị ảnh hưởng bởi bão Yagi.

Việc gián đoạn trên diện rộng thể hiện với: 73,3% công ty bị gián đoạn nghiêm trọng thuộc lĩnh vực chuỗi cung ứng và logistics, với các nhà khai thác cảng, nhà cung cấp dịch vụ logistics bên thứ ba (3PL), dịch vụ vận tải và chuỗi cung ứng lạnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo đó, các doanh nghiệp thuộc ngành logistics cũng là nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Trong ngành này, vận tải là lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi bão Yagi, ảnh hưởng đến 56.6% các công ty, với hơn 50% doanh nghiệp trong các ngành sản xuất, phân phối và bán lẻ báo cáo bị ảnh hưởng.

Kho bãi và hàng tồn kho là lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều thứ hai, ảnh hưởng đến 24,2% tổng số.

Trong ngành bán lẻ và phân phối, khả năng cung cấp của nhà cung cấp là một mối quan tâm đáng chú ý, ảnh hưởng đến 28,6%.

Trao đổi với DĐDN, một doanh nghiệp bán lẻ lớn top đầu cho biết, tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi bão lũ, doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn về thiệt hại cơ sở vật chất và hàng hóa. Theo thống kê sơ bộ đến thời điểm 10/9, khoảng 600 cửa hàng tại miền Bắc của doanh nghiệp bị thiệt hại, nặng nhất là hư hỏng hàng hóa do ngập nước/cúp điện kéo dài, các tài sản như tủ đông, tủ mát, máy tính... bị ngâm nước, chưa kể các thiệt hại về biển bảng, bảng hiệu…

Bên cạnh đó, một số trang trại nguồn đầu vào cho sản xuất tiêu dùng cũng ngập lụt, chịu thiệt hại và có nguy cơ mất trắng sản lượng...

Thách thức cụ thể theo ngành

Theo thống kê của CEL từ các nguồn dữ liệu chính thức, ngành nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề nhất với 262.000 ha hoa màu bị phá hủy, 2.250 bè nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi và gần 2,3 triệu gia súc, gia cầm bị chết.

CEL 1

Đáng chú ý, khó khăn về logistics với tình trạng mất điện, hư hỏng hàng hóa và sạt lở đường sá… đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng tại thị trường khu vực.

Có thể nói, ngành logistics bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 82,4% doanh nghiệp gặp gián đoạn nghiêm trọng hoặc vừa phải, tiếp theo là ngành sản xuất, theo CEL.

Dự báo và kỳ vọng phục hồi

Khảo sát ghi nhận có tới 44,6% doanh nghiệp kỳ vọng sẽ phục hồi trong vòng 1-2 tuần nhờ vào việc huy động nguồn lực nhanh chóng. Đây là tín hiệu lạc quan về kỳ vọng phục hồi sớm và tích cực. Cộng hưởng cùng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Bộ ban ngành địa phương và các bên liên quan, một số doanh nghiệp cũng chia sẻ thêm là kỳ vọng sẽ phục hồi sớm hơn nữa để ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, một cách thận trọng hơn, các nhà phân tích CEL nhận định: "Theo phân tích 5 giai đoạn tâm lý doanh nghiệp ứng phó với thiên tai, các doanh nghiệp sẽ bước vào pha “vỡ mộng" trong thời gian tới sẽ thấy thời gian phục hồi thực tế có thể kéo dài và gặp phải những thách thức khác không lường trước được".

Đối tác điều hành của CEL, ông Julien Brun, chia sẻ: “Cơn bão đã qua lời cảnh tỉnh: Chúng ta cần thiết kế chuỗi cung ứng khác biệt, chuẩn bị kỹ lưỡng hơn và phục hồi nhanh chóng hơn. Thông điệp đã rõ ràng—khả năng chống chịu của chuỗi cung ứng không còn là một lựa chọn nên hay không nữa, mà chính là một điều tất yếu phải có”.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng phản ứng nhanh chóng của các nhà bán lẻ để đảm bảo an ninh lương thực là rất quan trọng. Theo đó, các nhà bán lẻ lớn đã nhanh chóng tăng gấp 2-4 lần lượng hàng hóa so với bình thường để ngăn chặn tình trạng thiếu hụt thực phẩm. MM Mega Market, Central Retail và Saigon Co.op đã tăng mạnh lượng hàng rau quả từ Lâm Đồng và miền Nam ra cung ứng cho thị trường phía Bắc. Đại điện Masan Group, một doanh nghiệp bán lẻ tiêu dùng đầu ngành, chia sẻ với hệ thống siêu thị của mình, Tập đoàn cam kết cung cấp đầu đủ các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt, cá, rau củ, cùng các sản phẩm thiết yếu như gạo, mì... mà không có chính sách tăng giá, dù chi phí vận hành và vận chuyển hàng hoá gia tăng, như một nỗ lực đồng hành chia sẻ cùng bà con vượt khó khăn, bên cạnh các đóng góp hỗ trợ khác.

Theo CEL dự báo, ngành nông nghiệp dự kiến sẽ mất từ 6 tháng đến vài năm để phục hồi hoàn toàn. Cây trồng có thể phục hồi trong vòng 1 năm, trong khi chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản có thể mất đến 2 năm để khôi phục hoàn toàn.

Với việc tham khảo lại các trường hợp thiên tai gây tác động trên diện rộng, ví dụ Lũ lụt năm 2011 tại Thái Lan trở nên nghiêm trọng hơn do hiện tượng La Nina và các cơn bão nhiệt đới, gây ảnh hưởng nặng nề đến các khu vực công nghiệp trọng điểm và làm quá tải cơ sở hạ tầng, Công ty tư vấn cho rằng việc áp dụng các chiến lược đa dạng hóa nguồn cung, tăng tính minh bạch trong chuỗi cung ứng và chuẩn bị các kế hoạch duy trì hoạt động kinh doanh là điều cần thiết để giảm thiểu rủi ro và tăng cường khả năng phục hồi trước các tác động từ biến đổi khí hậu, thảm họa tự nhiên có thể xảy đến trong tương lai.

Lê Mỹ