Nghiên cứu - Trao đổi

Giải pháp ngăn chặn vi phạm về sử dụng đất đai

Bài & Ảnh: Gia Nguyễn 17/09/2024 04:10

Trước sự gia tăng của tình trạng vi phạm về sử dụng đất đai, theo chuyên gia, cần phải tập trung vào công tác thực thi pháp luật.

Theo số liệu báo cáo từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ tính riêng trong năm 2023 qua công tác thanh tra, toàn ngành đã thực hiện 599 cuộc thanh - kiểm tra đối với 1.421 tổ chức, cá nhân; trong đó: thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện 13 cuộc đối với 31 tổ chức; Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương tiến hành 586 cuộc đối với 1.390 tổ chức, cá nhân.

giai-phap-ngan-chan-vi-pham-ve-su-dung-dat-dai-24.1.1.2.jpg
Tình trạng vi phạm về sử dụng đất đai không phải là vấn đề mới nhưng cho đến nay việc xử lý vi phạm vẫn chưa đạt như kỳ vọng - Ảnh minh họa

Đáng chú ý, qua công tác thanh - kiểm tra đã phát hiện các vi phạm chủ yếu tập trung vào các nội dung: sử dụng không đúng mục đích; không sử dụng hoặc tiến độ thực hiện chậm; lấn chiếm, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc thủ tục hành chính về đất đai...

Thực tế cho thấy, tại Thủ đô Hà Nội, theo Báo cáo số 194/BC-UBND ngày 07/6/2024 của UBND Thành phố, trong 6 tháng đầu năm 2024, các cơ quan hành chính trực thuộc UBND Thành phố đã tiếp nhận và xử lý 22.014 đơn các loại gồm: 5.276 đơn khiếu nại; 4.551 đơn tố cáo và 12.187 đơn kiến nghị, phản ánh, dân nguyện. Nội dung khiếu nại, tố cáo chủ yếu liên quan đến lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, kết quả giải quyết mới đạt tỷ lệ khoảng 54%, số vụ còn lại đang trong thời gian giải quyết theo quy định của pháp luật, trong đó có nhiều vụ việc phức tạp, tồn đọng nhiều năm chưa được giải quyết…

Nhìn nhận về thực tế đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, mặc dù hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai lại liên tục thay đổi theo từng thời kỳ, tuy nhiên, các thay đổi này cũng như các chế tài được quy định trong quá trình xử lý đối với cả những đối tượng vi phạm và người thi hành công vụ chậm trễ hoặc né tránh thực thi công vụ... chưa đủ mạnh, thiếu sự răn đe, nên dẫn đến vi phạm vẫn tiếp diễn theo chiều hướng phức tạp và nhiều vụ việc tồn đọng kéo dài.

giai-phap-ngan-chan-vi-pham-ve-su-dung-dat-dai-24.1.1.1.jpg
Theo chuyên gia, để ngăn chặn hành vi vi phạm, cần phải tập trung vào công tác thực thi pháp luật - Ảnh minh họa

Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ - Lê Sỹ Bảy, những sai phạm và hành vi vi phạm về đất đai đang diễn ra hết sức phức tạp, trong khi việc xử phạt vi phạm này hiện chưa tương xứng. Vì vậy, việc xây dựng và sớm ban hành Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai rất cần thiết; yêu cầu đặt ra là phải có các chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe đối với những hành vi vi phạm; thúc đẩy phân cấp, phân quyền, thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực của cơ quan, người có thẩm quyền trong quản lý đất đai.

Liên quan đến vấn đề này, một số chuyên gia pháp lý về bất động sản cũng cho hay, những vi phạm về sử dụng đất đai trong thời gian qua chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân chủ quan, với mục đích mang lại lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Theo đó, các cá nhân, tổ chức đã cố tình sai phạm hoặc “lách luật” để thực hiện hành vi trái pháp luật; trong khi đó, một số cán bộ trong cơ quan quản lý Nhà nước có hiện tượng “bao che”, hay kéo dài thời gian xử lý để hợp thức hóa vi phạm...

Cùng với đó, hệ thống văn bản pháp luật về đất đai (Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành) còn tồn tại nhiều bất cập. Thời điểm hiện tại, khi Luật Đất đai năm 2024 đã chính thức có hiệu lực thi hành, nhưng đang trong quá trình chuyển tiếp, lại khiến nhiều địa phương lúng túng giữa việc áp dụng quy định mới và quy định cũ trong quá trình xử lý vi phạm. Điều đó cũng gây ra những khó khăn cho cả phía cơ quan quản lý Nhà nước và người sử dụng đất.

Vì vậy, để có thể giải quyết hiện trạng vi phạm về sử dụng đất đai, các ý kiến cho rằng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cần phải tập trung vào công tác thực thi pháp luật.

Được biết, liên quan đến vấn đề vi phạm về sử dụng đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Dự thảo gồm 04 Chương, 36 Điều (giữ nguyên 04 Chương và giảm 08 Điều so với Nghị định số 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai).

Góp ý về Dự thảo Nghị định, tại cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, chuyên gia... để nghe báo cáo, cho ý kiến nội dung dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trần Hồng Hà nêu thực tế, một hành vi vi phạm có thể cấu thành từ nhiều hành vi vi phạm trước đó cũng như các đối tượng khác ngoài người sử dụng đất như cơ quan quản lý, đơn vị tư vấn, đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực đất đai...

Cơ quan soạn thảo phải đi đến cùng trong xác định hành vi vi phạm, có chế tài sắc bén, phù hợp với thực tiễn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương khi xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

“Nghị định cần thiết kế theo hướng, chính quyền các cấp đều có trách nhiệm phát hiện, xử lý, phòng ngừa hành vi vi phạm đất đai”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Đồng thời đề nghị, bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý và chế tài xử lý các vi phạm liên quan đến đất ven sông, ven biển, bãi bồi, đất lấn biển...

Bài & Ảnh: Gia Nguyễn