Chính trị - Xã hội

Siêu bão và nước mắt ngư dân Quảng Ninh

Lan Hương - Lê Cường 16/09/2024 18:50

Đã 1 tuần sau khi cơn bão số 3 tàn phá tại Quảng Ninh, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long vẫn chưa thể khắc phục được hậu quả.

Ảnh 1
Khu vực Cẩm Thủy (TP Cẩm Phả), từng là neo đậu của nhiều lồng bè nuôi trồng thủy sản

Nhiều người dân mất trắng hàng tỷ đồng

Là một trong những hộ có số lượng lồng bè nuôi thủy sản nhiều nhất tại khu vực xã đảo Thắng Lợi, huyện Vân Đồn, ông Đặng Văn Vinh (thường trú tại khu Tân Lập 4, phường Cẩm Thủy, TP Cẩm Phả) đau xót nhìn khối tài sản hơn 4 tỷ đồng của mình biến mất sau cơn bão. Những gì còn lại, chỉ là dăm chiếc lồng trống trơn mà ông đã kéo vào sát khu vực tránh trú.

Ông Vinh vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại khoảng khắc nhìn thấy khối tài sản, vốn liếng của mình tan theo giông bão: “7 vạn cá giống, 21 ô lồng nuôi cá song, cá giò giờ cả còn gì. Không riêng nhà tôi, tất cả những hộ quanh đây, đều mất hết, người ít cũng phải trên dưới 1 tỷ đồng. Nhà nào cũng có nợ ngân hàng hết...”.

Ảnh 2
Ông Đặng Văn Vinh với khối tài sản hơn 4 tỷ đồng, giờ chỉ còn sót lại những ô lồng gẫy, trống trơn

Tại xã Thắng Lợi, huyện Vân Đồn có 442 hộ dân, trong số đó, có gần 200 hộ và HTX nuôi trồng thủy sản. Trong bão, 13 hộ chìm bè, hư hại 54 tàu. Nhiều hộ mất lớn, toàn xã mất trắng hơn 200 ô lồng nuôi cá (mỗi ô trị giá tầm 100 triệu đồng). Có những HTX thiệt hại đến 20 tỷ đồng.

Sở hữu 40 bè và 5 ô lồng nuôi cá giò, cá chim, cá song, 30 dây phao nuôi hầu đại dương tại khu vực xã Thắng Lợi, huyện Vân Đồn, ông Phạm Văn Minh (trú tại phường Hà An, thị xã Quảng Yên) cho biết: “Toàn bộ số tiền 1,5 tỷ đồng đầu tư nuôi trồng là gia đình tôi vay mượn ngân hàng. Khổ nỗi, phần lớn cá và hầu nhà tôi, chỉ còn tầm 1 tháng nữa là thành thương phẩm, có thể xuất bán, dự tính có thể thu về trên 1 tỷ đồng. Giờ chỉ còn lại những dây phao này. Chúng tôi đang thuê người thu gom lại. Cố gỡ để còn sớm gây giống trở lại”.

Dây phao mà ông Minh nhắc đến là những giàn nuôi hàu của người dân vừa mới chuyển đổi sang vật liệu quy chuẩn HDPE theo sự vận động của chính quyền địa phương. Mỗi quả phao có giá 110.000 đồng, bao gồm cả công vận chuyển ra đến nơi nuôi trồng. Mỗi giàn nuôi hầu làm từ các quả phao này có chi phí từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng. Do vậy, những người nuôi hầu như ông Minh đang cố gắng vớt lại những quả phao còn sót lại.

Ảnh 3
Gia đình nhà ông Minh đang cố vớt lại những chiếc phao sót lại để nuôi hầu đại dương

Họ cũng là những người vừa trải qua đau đớn, mất mát nhưng vẫn quyết tâm bám trụ và mong muốn được làm lại từ đầu.

Cũng trong tình cảnh bị thiệt hại nặng nề, bà Nguyễn Thị Hoàn, thị xã Quảng Yên có bè nuôi cá song tại khu vực Cẩm Thủy, thành phố Cẩm Phả nói trong tiếng khóc nghẹn ngào: “Nhà tôi “cắm” 2 sổ đỏ trong Ngân hàng. Tổng thiệt hại hơn 10 tấn cá to, trị giá 2 tỷ bạc, chưa kể cá nhỏ. Cả nhà tôi khóc hết nước mắt. Trước sống nhờ biển, giờ ra biển thấy sợ quá...”.

Ảnh 4
Bà Nguyễn Thị Hoàn, thị xã Quảng Yên có bè nuôi cá song tại khu vực Cẩm Thủy, thành phố Cẩm Phả nói trong tiếng khóc nghẹn ngào

Ông Vũ Văn Khoa - Thôn Cống Đông, xã Thắng Lợi, huyện Vân Đồn thất thần nói: “Công sức nửa đời người của mấy anh em nhà tôi, hơn 50 ô lồng, 6 tỷ bạc. Mất hết, không còn gì. Nhà cửa còn chưa dám xây, chỉ đầu tư lồng bè. Con tôi còn xuýt bị nước cuốn mất”...

Với những người ngư dân, lồng bè nuôi trồng là gia sản của cả nhà thậm chí của cả họ. Siêu bão ập đến đúng lúc cá đang độ lớn, đầu tư cho nuôi trồng cũng đã nhiều, chỉ chờ ngày thu hoạch. Nhìn những mảnh phao, gỗ, bè mảng trôi dạt trên mặt Vịnh, không ai không khỏi xót xa.

Ảnh 5
Đôi khi còn những con cá song hiếm hoi sống sót, cũng đã trày vảy đau đớn

Toàn huyện Vân Đồn có khoảng 3.470 ha, trong đó có đến 4.850 ô nuôi cá lồng bè đã bị cuốn trôi. Ước tính thiệt hại của ngư dân Vân Đồn khoảng trên 2.200 tỉ đồng. Trong đó, người nuôi nhuyễn thể thiệt hại ước tính trên 1.300 tỉ đồng, nuôi cá biển thiệt hại trên 500 tỉ đồng, nuôi hải sản khác thiệt hại gần 400 tỉ đồng. Ngoài ra, tại huyện Vân Đồn còn thiệt hại 318 nhà bè và gần 90 tàu thuyền các loại bị đắm, vỡ.

Còn tại thành phố Cẩm Phả, ước tính có 158/371 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do bão, với tổng giá trị thiệt hại ước tính cũng hàng trăm tỷ đồng.

Ông Đinh Bùi Hải Sơn - Chủ tịch UBND xã Thắng Lợi, huyện Vân Đồn cho biết: “Hiện tại, Thắng Lợi vẫn chưa được cấp điện, nước trở lại. Nhưng mong muốn lớn nhất với các ngư dân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn và cả chính quyền địa phương là có chính sách giãn hoãn nợ, hỗ trợ người dân vay vốn để sớm khôi phục sản xuất, nuôi trồng...”.

Ảnh 6
Những người ngư dân đang thu dọn lại sau bão

Hỗ trợ khắc phục

Trước thiệt hại nặng nề mà bão số 3 và mưa, lũ sau bão gây ra trên địa bàn tỉnh, mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 2551/QĐ-UBND về việc cấp bổ sung kinh phí hỗ trợ (đợt 1) cho các địa phương khắc phục thiệt hại bão số 3 và mưa, lũ sau bão với tổng số tiền là 180 tỷ đồng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh cũng đang tiến hành cấp bổ sung kinh phí để các địa phương sử dụng bên cạnh nguồn ngân sách và các nguồn kinh phí hợp pháp khác, đồng thời tập trung xây dựng cơ chế, chính sách còn thiếu, phù hợp với điều kiện của tỉnh và quy định của pháp luật để hỗ trợ nhân dân.

Còn trong cuộc kiểm tra thực tế tình hình thiệt hại và trò chuyện với các hộ nuôi trồng thủy sản trên biển bị ảnh hưởng nặng nề trong bão Yagi tại Vân Đồn và Cẩm Phả ngày 11/9, bà Trịnh Thị Minh Thanh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh đã yêu cầu chính quyền huyện Vân Đồn và thành phố Cẩm Phả cần động viên kịp thời, tiếp tục hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả; bảo vệ phần tài sản còn lại của người dân, giúp người dân khôi phục sản xuất trong thời gian sớm nhất; tiếp tục thống kê các hộ thiệt hại, mức độ thiệt hại, từ đó đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người dân.

Hy vọng với các kế hoạch, chính sách hỗ trợ, những ngư dân nuôi trồng thủy sản ở Quảng Ninh sẽ sớm thoát khỏi cơn bĩ cực, ổn định lại cuộc sống, khôi phục sản xuất nuôi trồng và đặc biệt vẫn giữ vững niềm tin, sự quyết tâm, nỗ lực trong lao động, sẵn sàng vươn khơi bám biển sau những bão tố.

Lan Hương - Lê Cường