Thanh Hóa: Đào tạo nghề, giải quyết việc làm yếu tố “then chốt” giảm nghèo nhanh, bền vững
Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm giúp tỉnh Thanh Hóa giải quyết vấn đề giảm nghèo bền vững.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, nội dung “Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững” được thiết kế thành một dự án riêng, có mục tiêu, lộ trình và các chỉ tiêu cụ thể. Đây là một trong những thay đổi trong cách tiếp cận để giải quyết vấn đề giảm nghèo bền vững.
Trong 3 trụ cột giảm nghèo bền vững, giáo dục nghề nghiệp đóng vai trò rất quan trọng, theo đúng phương châm "hỗ trợ cần câu hiệu quả hơn hỗ trợ con cá". Thực hiện mục tiêu này, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Thanh Hóa được phân bổ 99,4 tỷ đồng từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để đầu tư cho trường Cao đẳng nghề Nghi Sơn và trường Trung cấp nghề Nga Sơn, giúp các trường nâng cao năng lực đào tạo và thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo.
Thanh Hóa có trên 2,47 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm 66,5% tổng dân số, lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế là 2.386.000 người.
Hiện nay toàn tỉnh Thanh Hóa có 66 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, với 09 trường cao đẳng, trung cấp công lập được phê duyệt 16 ngành, nghề trọng điểm (01 nghề cấp độ quốc tế, 03 nghề cấp độ Asean và 15 nghề cấp độ quốc gia) giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025. Giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh đã tuyển sinh và đào tạo trên 228.000 người (gồm: cao đẳng 6.600 người; trung cấp: 20.600; sơ cấp và dưới 03 tháng: 200.800 người). Trong đó, có trên 2.400 lao động đi làm việc ở tỉnh ngoài trở về địa phương do đại dịch COVID-19 được đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh tăng từ 70% lên 73%, trong đó: Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ tăng từ 25,1% lên 27,9%.
Đào tạo cho người nghèo, chủ động kết nối "đầu ra" để giải quyết việc làm tại huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, xác định giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác giảm nghèo, thời gian qua, huyện đã chủ động kết nối với các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng để giúp người dân thuận lợi tìm kiếm việc làm.
Thạc sĩ Trương Hoàng Giang, Phó Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Nga Sơn cho biết: "Dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp được thực hiện là một trong những tiền đề thuận lợi trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của huyện cũng như của tỉnh. Đây cũng là tiền đề để nhà trường xây dựng trường chất lượng cao và nâng cấp thành trường Cao đẳng".
Nhìn chung, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn giúp cho hàng ngàn lao động, nhất là đối tượng chính sách, người dân tộc thiểu số, người nghèo... được chuyển giao kỹ thuật, kỹ năng nghề nghiệp. Người lao động tham gia các lớp đào tạo nghề được tiếp thu kiến thức và thực hành tại cơ sở sản xuất, trang trại, các mô hình sản xuất gắn với nghề đào tạo ở địa bàn nông thôn. Thông qua công tác đào tạo nghề, người lao động áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập. Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau khi học nghề đạt trên 90%, góp phần giảm nghèo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Xác định công tác xuất khẩu lao động là hướng giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo, những năm qua, các cấp, ngành thành phố Thanh Hóa đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu lao động đã có nhiều giải pháp hỗ trợ cho người lao động lựa chọn được hướng đi phù hợp.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, từ đầu năm 2024 đến nay, thị trường xuất khẩu lao động có nhiều tín hiệu khởi sắc do chính sách thu hút lao động của các nước và sự hỗ trợ tư vấn và định hướng nghề nghiệp của các đơn vị tư vấn xuất khẩu lao động. Trung bình hàng năm, trên địa bàn tỉnh, thành phố Thanh Hóa có hơn 10.000 lao động đi xuất khẩu sang các nước trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Ả rập xê út, Rumani…
Ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Công ty Xuất khẩu lao động Thiên Ân cho biết, Công ty triển khai dưới 2 hình thức. Hình thức thứ nhất là tuyển những bạn đã qua đào tạo có sẵn và thứ hai là những bạn chưa có tay nghề thì chúng tôi sẽ tuyển chọn và tổ chức đào tạo nghề cho các em. Cũng thông qua những hợp đồng lao động mà các em tham gia đi lao động ở nước ngoài sẽ góp phần vào thu nhập cho bản thân các bạn cũng như là gia đình.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2023 – 2025 đề ra mục tiêu: tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm từ 1,5% trở lên, trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân hằng năm 3% trở lên. Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng so với mục tiêu đề ra, nhiệm vụ còn lại cùa chương trình là rất lớn. Do vậy thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục xác định giải pháp then chốt là phải tập trung nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong thực hiện chương trình. Đẩy mạnh tuyên truyền nhằm khơi dậy ý chí nỗ lực vươn lên và xóa bỏ tư tưởng trông chờ ý lại của hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đồng thời, tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế xã hội; đẩy mạnh phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân; triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ các nội dung của dự án, tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững hàng năm.