Kinh tế địa phương

Những “quả ngọt” trong công tác giảm nghèo bền vững tại Thanh Hóa

Kiều Phiên 16/09/2024 11:12

Những năm qua, Thanh Hóa đã nỗ lực, quyết liệt thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo, trở thành điểm sáng của cả nước trong công tác giảm nghèo bền vững.

Nỗ lực của cả hệ thống

Những năm qua, cùng với nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Thanh Hóa đã xác định công tác giảm nghèo là mục tiêu quan trọng cần được quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Với tinh thần chỉ đạo quyết liệt và sự vào cuộc của các cấp, các ngành cho công tác giảm nghèo, tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đã tạo điều kiện để người dân ở các vùng nghèo tiếp cận với các dịch vụ cơ bản; giúp các địa phương có thêm nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, như đường giao thông, cầu, trường học, bệnh viện... Đặc biệt, Chương trình đã huy động được sự tham gia tích cực của các địa phương, cộng đồng và các tổ chức phi chính phủ; tăng cường sự tương tác và gắn kết giữa các cơ quan nhà nước với các đơn vị liên quan trong việc giải quyết vấn đề nghèo đói và phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng khó khăn; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh; thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền và nâng cao đời sống của người dân.

bài bbb
Hiệu quả trong xóa đói giảm nghèo bền vững giúp người nghèo ở Thanh Hóa có cơ hội thoát nghèo, không còn hiện tượng tái nghèo, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt

Đến nay, 100% các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo của tỉnh Thanh Hóa đã được hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và làm thay đổi bộ mặt khu vực nông thôn, miền núi. Toàn tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng được 63 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, với tổng kinh phí gần 21,8 tỷ đồng. Xác định hỗ trợ phát triển sản xuất, dạy nghề, giải quyết việc làm là giải pháp trọng tâm để giảm nghèo nhanh và bền vững, các cấp, các ngành, các địa phương hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất cho 90% người có khả năng lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn có nhu cầu; giải ngân 4.519,6 tỷ đồng vốn tín dụng chính sách xã hội (đạt 100% kế hoạch) giúp cho 71,48 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn phát triển sản xuất, bình quân 63,2 triệu đồng/hộ...

Những kết quả đạt được đã góp phần giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025) của tỉnh Thanh Hóa giảm 1,79%, từ 6,77% xuống còn 4,99% (tương ứng giảm 17.791 hộ, từ 67.684 hộ xuống còn 49.893 hộ), vượt mục tiêu Chương trình đề ra. Đến ngày 31-12-2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh ước giảm 1,2%, xuống còn 3,79% (tương ứng còn 37.936 hộ). Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số năm 2022 giảm 7,37%, từ 27,23% xuống còn 19,86%, vượt mục tiêu đề ra (mục tiêu đề ra giảm 3%); đến ngày 31-12-2023 ước giảm 4,5%, xuống còn 15,36%. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm 5,4%, từ 32,88% xuống 27,48%, vượt mục tiêu đề ra (mục tiêu đề ra giảm từ 4 - 5%); đến ngày 31/12/2023, ước giảm 5,95%, xuống còn 21,53%. Tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giảm 2,48%, từ 7,1% xuống còn 4,62%; đến ngày 31/12/2023, ước giảm 1,1%, xuống còn 3,52%.

nhu-xuan-thuc-hien-chuong-trinh-giam-ngheo-ben-vung-gan-voi-xay-dung-nong-thon-moi-6-17224152164851154547455.jpg
Chương trình giảm nghèo bền vững đã hỗ trợ đa dạng nhiều mô hình sinh kế cho người dân thoát nghèo, trở thành hộ kinh tế ổn định

Tại huyện Thọ Xuân từ năm 2021 đến nay, được phân bổ nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo nhanh và bền vững hơn 11 tỷ đồng. Huyện đã giải ngân tổng kinh phí hơn 8,5 tỷ đồng, đạt 76,7%. Qua rà soát, năm 2023, toàn huyện đã có 350 hộ thoát nghèo. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn huyện còn 1,47%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 63,26 triệu đồng. Chương trình đã tạo nguồn lực đầu tư lớn để huyện thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. Nhiều hộ dân không chỉ thoát nghèo mà còn có thể phát triển kinh tế bền vững trong tương lai.

Để hỗ trợ các hộ dân thoát nghèo và không tái nghèo, huyện Bá Thước đã tăng cường nguồn vốn giảm nghèo thông qua ngân hàng chính sách xã hội, với tổng số vốn hơn 710 tỷ đồng. Số tiền này được tập trung vào việc hỗ trợ tạo sinh kế và việc làm mới, nhằm cung cấp nền tảng vững chắc cho người dân xây dựng cuộc sống bền vững.

Bà Bùi Thị Hoa, Phó Bí thư Huyện ủy Bá Thước, nhấn mạnh: "Để các hộ dân thoát nghèo và không tái nghèo, huyện Bá Thước đã tăng cường nguồn vốn giảm nghèo thông qua ngân hàng chính sách xã hội với hơn 710 tỷ đồng, tập trung hỗ trợ tạo sinh kế, việc làm mới".

Điểm sáng trong công tác giảm nghèo bền vững

Hiện tỉnh Thanh Hóa còn khoảng 35.000 hộ nghèo. Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Phong trào thi đua “Vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau” gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Từ đó, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1,5%/năm trở lên, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân hằng năm 3% trở lên. Phấn đấu đến năm 2030 sẽ không còn huyện nghèo và xã đặc biệt khó khăn.

Với tinh thần “Giảm nghèo trong thời gian tới bằng trí tuệ, trách nhiệm và cả trái tim” chính quyền tỉnh Thanh Hóa tin tưởng với truyền thống đoàn kết, tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, tỉnh Thanh Hóa sẽ thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, có thể thấy rằng trong những năm qua, công tác giảm nghèo nói chung và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã được tỉnh Thanh Hoá quan tâm triển khai thực hiện với những giải pháp đồng bộ từ công tác lãnh đạo chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Thanh Hoá là tỉnh duy nhất thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh do đồng chí Bí thư tỉnh uỷ làm Trưởng ban, đồng chí Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND tỉnh làm Phó ban. Hàng năm, tỉnh uỷ đã ban hành Kế hoạch thực hiện mục tiêu giảm ngheò trên địa bàn tỉnh, tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều Nghị quyết, kết luận và các cơ chế, chính sách, chương trình, kế hoạch, đề án nhằm hỗ trợ phát triển đồng bộ, thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “ Vì người nghèo – Không ai bị bỏ lại phía sau” được sự ủng hộ, hưởng ứng tích cực của nhân dân toàn tỉnh Thanh Hoá.

giảm nghèo ̀̀bb
Diện mạo xã vùng biên giới Bát Mọt, huyện Thường Xuân ngày càng khang trang, kinh tế - xã hội phát triển

Bên cạnh đó, một cơ chế của tỉnh là điểm sáng, nổi bật đó là việc phân công cho các huyện miền xuôi, nơi có điều kiện phát triển – kinh tế xã hội tốt để hợp tác với các huyện miền núi nơi có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, phân công các sở, ngành đỡ đầu các xã đặc biệt khó khăn. Đây là một trong những giải pháp hay đáng để các tỉnh trong cả nước tham khảo học tập. Thanh Hoá đã huy động hệ thống chính trị vào cuộc mạnh mẽ, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững gắn liền với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường vai trò lãnh đạo, tiên phong của cấp ủy; phân công đảng viên, cán bộ tham gia giúp đỡ cộng đồng nghèo, hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Khơi dậy văn hóa vươn lên, khát vọng sáng tạo trong xã hội; người dân có tinh thần tự lực, tự cường, chủ động vươn lên “thoát nghèo”, xây dựng cuộc sống “ấm no, hạnh phúc”.

Từ kết quả giảm nghèo trong năm 2023, năm 2024 tỉnh Thanh Hóa tiếp tục thực hiện mục tiêu hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo. Theo đó, sẽ hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Kiều Phiên