Du lịch

Quảng Ninh: Nan giải trục vớt tàu du lịch

Bùi Hiền - Hải Ngân 17/09/2024 08:01

Dù bỏ ra chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng nhưng vẫn còn hơn 20 tàu du lịch tại Quảng Ninh đang ngâm nước biển sau hơn 1 tuần bị nhấn chìm bởi bão số 3.

Giá trục vớt tăng vọt

Sau hơn 1 tuần chịu ảnh hưởng của bão, ngày 16/9 chiếc tàu du lịch đầu tiên tại cảng Tuần Châu mới được tiến hành trục vớt thành công.

Nhiều chủ tàu đang mòn mỏi, điện thoại khắp nơi “cầu cứu” nhưng vẫn không thể thuê được đơn vị trục vớt nào vì bão khiến nhiều tàu thuyền bị chìm ở cả 2 địa phương TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh.

Ông Nguyễn Văn Chung – Chủ tàu Minh Phát 36 cho biết do đợi các công ty trục vớt quá lâu, ông thuê 2 tàu của dân từ Trà Báu về xưởng sửa chữa tàu ở phường Hà Khẩu, TP Hạ Long. Tuy nhiên, về đến đây, tàu vẫn nằm ở dưới nước vì xưởng chưa có điện và vẫn còn tan hoang sau bão.

tau-dam-sau-bao-quang-ninh.png
Các chủ tàu du lịch đang “nóng máy” liên hệ với các đơn vị trục vớt chuyên nghiệp nhưng thợ đều đang quá tải vì nhiều phương tiện bị đắm sau bão số 3

Ông Vũ Đình Khánh – Chủ tàu Bến Hải xót xa: “Tôi có 4 tàu du lịch chạy theo tiếng, nhưng 3 tàu (với quy mô từ 40 - 48 khách) đã bị đắm tại Cảng tàu khách Quốc tế Tuần Châu. Hiện cả 3 tàu vẫn chưa thể trục vớt vì không thuê được đơn vị trục vớt. Tàu của chúng tôi đều là tàu gỗ, càng ngâm lâu trong nước thì sợ rằng không sửa chữa được”.

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ninh, trong số 27 tàu du lịch bị chìm do bão Yagi, có 25 tàu tham quan theo tiếng và 2 tàu lưu trú nghỉ đêm. Trong đó, 23 tàu du lịch neo đậu, tránh trú bão tại Cảng tàu du lịch Quốc tế Tuần Châu bị chìm ngày 7/9.

Ông Trần Văn Hồng - Chi hội trưởng Chi hội tàu du lịch Hạ Long cho biết: “Bão Yagi đã nhấn chìm 23 tàu du lịch neo đậu, tránh trú bão tại Cảng tàu khách Quốc tế Tuần Châu. Tuy nhiên đến nay mới chỉ có 1 tàu du lịch được trục vớt. Chi phí trục vớt là 85 triệu đồng, cộng với lai dắt tàu về nơi sửa chữa (khoảng 12 triệu), tổng chi phí khoảng gần 100 triệu đồng. Chỉ có 2 tàu du lịch nằm ngoài Cảng tàu khách Quốc tế Tuần Châu đã được trục vớt với chi phí thấp hơn là khoảng 50 triệu đồng/tàu.

Ước tính, để sửa chữa phần thân của một tàu du lịch tham quan tốn khoảng 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng, chưa kể phần sửa máy móc. Một số tàu không còn khả năng khôi phục sẽ phải đóng lại hoàn toàn. Trong khi đó, kinh phí để sửa một tàu du lịch nghỉ đêm lên tới hàng tỉ đồng.

Mỏi mắt tìm thợ

Dù chi phí trục vớt tàu tăng cao nhưng việc tìm kiếm đơn vị trục vớt vẫn vô cùng nan giải. Nếu có, cũng với tần suất tìm kiếm thấp khiến các chủ tàu đứng ngồi không yên vì lo “mất trắng”.

Ông Khánh chia sẻ: “Nếu tàu không thể trục vớt kịp thời để sửa chữa được thì việc quay trở lại hoạt động đối với các chủ tàu như chúng tôi cũng phải mất hàng tháng. Chưa kể, với tình hình hiện tại khối lượng tàu sửa chữa sau bão tương đối lớn, nếu có trục vớt lên, việc sửa chữa tàu cũng cần phải chờ đợi dài”.

Ông Hồng cho biết thêm, thời điểm này rất khó khăn trong việc tìm kiếm đơn vị trục vớt. Chi hội vẫn đang liên hệ với một số đơn vị ở Hải Phòng sang trục vớt các tàu du lịch ở Tuần Châu. Hiện, mới có duy nhất một đơn vị đang thực hiện trục vớt các tàu ở Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu với tần suất 1 tàu/ngày, 22 con tàu còn lại đang ngâm nước biển sẽ phải chờ đợi hàng tuần thậm chí lâu hơn. Như vậy, nguy cơ không thể sửa chữa tàu là rất cao.

tau-bi-dam-sau-bao-o-quang-ninh.png
Chi phí sửa tàu rất tốn kém nhưng nhiều tàu không có khả năng khôi phục lại được sẽ buộc phải đóng mới với chi phí lên đến hàng tỉ đồng

Một số đơn vị trục vớt chỉ báo giá từ khoảng 30 - 40 triệu đồng/tàu nhưng rồi vẫn phải để đó vì việc không làm xuể. Nhiều đơn vị từ Hải Phòng sang trục vớt cũng báo giá 100 triệu đồng/tàu, nhưng cũng còn tùy vào tình trạng tàu sẽ có chi phí khác nhau. Nếu tàu bị bục vỏ, không thể tự nổi, phải cho xà lan chở về nhà máy để phục hồi sẽ có giá cao hơn.

Ông Cao Tường Huy – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định sẽ sớm có những chỉ đạo kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch, nhất là các tàu du lịch trên địa bàn tỉnh trong thời gian sớm nhất.

Đặc biệt, giao cho Sở Giao thông vận tải hỗ trợ công tác trục vớt tàu du lịch bị chìm đắm, phải làm ngay nhằm đảm bảo hoạt động vận tảu ổn định, an toàn, sớm bình thường trở lại.

Nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, bình ổn sản xuất kinh doanh, tỉnh Quảng Ninh cũng đã kiến nghị với Chính phủ các chính sách về ngân hàng, bao gồm khoanh nợ, giãn nợ, hoãn nợ, giảm lãi suất cho vay, cho vay mới đối với các doanh nghiệp thiệt hại. Đồng thời đề nghị giảm giá điện, thuế, bảo hiểm cho các doanh nghiệp trong thời gian tới.

Bùi Hiền - Hải Ngân