Sửa chính sách về giao dịch liên kết: Không nên hạn chế tình trạng "vốn mỏng"
Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, phát triển, một số ý kiến cho hay, chính sách về giao dịch liên kết không nên hạn chế tình trạng “vốn mỏng”...
Theo đó, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, ngày 15/7/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP. Trong đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, rà soát, đánh giá để sửa đổi, bổ sung Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, nhằm tháo gỡ khó khăn, đáp ứng kiến nghị của doanh nghiệp.
Quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định số 132/2020/NĐ-CP, cơ quan soạn thảo cho rằng, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã xây dựng dự thảo báo cáo tổng kết việc thi hành Nghị định số 132/2020/NĐ-CP và hoàn thiện hồ sơ để báo cáo Bộ Tài chính xin ý kiến các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan.
Sau khi tổng hợp ý kiến tham gia của các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan, Tổng cục Thuế sẽ trình Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ theo đúng trình tự quy định, từ đó triển khai đúng tiến độ như yêu cầu của Chính phủ.
Theo đại diện cơ quan soạn thảo, việc khống chế chi phí lãi vay đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết nhằm hạn chế tình trạng chuyển giá thông qua lãi vay của các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, điều này phù hợp với thông lệ quốc tế và khuyến nghị của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về việc các nước cần quy định ngưỡng giới hạn khấu trừ chi phí lãi vay trong khoảng từ 10% - 30% trên tổng lợi nhuận trước thuế chưa trừ khấu hao và lãi vay…
Nhìn nhận về đề xuất đã nêu, không ít ý kiến cho rằng, quy định cơ quan soạn thảo đưa ra cần được xem xét, rà soát một cách cụ thể, tránh tạo gánh nặng cho doanh nghiệp.
Cụ thể, tại góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 132/2020/NĐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết mới đây, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, nội dung áp dụng quy định về trần chi phí lãi vay đối với giao dịch trong nước, không có chênh lệch thuế suất.
Việc Dự thảo giữ nguyên quy định giới hạn chi phí lãi vay 30% EBITDA (thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao tài sản hữu hình và khấu hao tài sản vô hình) là không hợp lý vì giữa hai doanh nghiệp nội địa không có chênh lệch thuế suất thì không có nhiều động cơ để chuyển giá.
Theo VCCI, không có cam kết quốc tế nào buộc Việt Nam phải áp dụng bình đẳng mức khống chế chi phí lãi vay cho các doanh nghiệp có giao dịch liên kết nội địa và giao dịch liên kết quốc tế. Đây là một hiểu nhầm thường thấy trong các cuộc thảo luận về giao dịch liên kết tại Việt Nam.
Nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia khác, VCCI nhận thấy không ít quốc gia chỉ áp dụng quy định trần chi phí lãi vay cho nhóm doanh nghiệp đa quốc gia mà không áp dụng cho doanh nghiệp nội địa.
Ví dụ, tại Úc, một thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), chỉ bắt buộc trần chi phí lãi vay 30% cho 3 đối tượng thường có giao dịch liên kết quốc tế, bao gồm: doanh nghiệp Úc kiểm soát một doanh nghiệp nước ngoài hoặc tiến hành kinh doanh tại hoặc thông qua một cơ sở thường trú ở nước ngoài; doanh nghiệp Úc được kiểm soát bởi một hoặc nhiều doanh nghiệp nước ngoài; hoặc doanh nghiệp nước ngoài.
Tương tự, Ấn Độ tuy không phải là nước thành viên OECD nhưng sở hữu xấp xỉ 100 hiệp định tránh đánh thuế hai lần (DTAAs) cũng chỉ giới hạn mức khấu trừ lãi suất ở mức 30% EBITDA đối với bên cho vay có chủ nợ là doanh nghiệp liên kết nước ngoài.
Vì vậy, VCCI cho rằng, nhìn chung, điểm mấu chốt trong chính sách của rất nhiều nước là chỉ nhắm tới chống chuyển giá đối với giao dịch liên kết quốc tế do đây là giao dịch có rủi ro chuyển giá cao.
“Điều này không có nghĩa là phân biệt quốc tịch, nơi cư trú doanh nghiệp, mà sẽ phân biệt dựa trên tính chất và nguy cơ của giao dịch liên kết. Ví dụ, giao dịch liên kết quốc tế có thể bao gồm cả doanh nghiệp nội địa có khoản cho vay, đầu tư nước ngoài. Theo đó, doanh nghiệp nội địa cũng sẽ bị áp trần chi phí lãi vay...”, VCCI cho hay.
Đáng nói, VCCI cũng cho rằng, một trong những mục đích của việc bị giới hạn chi phí vốn vay tại Điều 16.3 đối với cả giao dịch thuần túy nội địa, không chênh lệch thuế suất được suy đoán nhằm chống lại tình trạng "vốn mỏng" của các doanh nghiệp…
Tuy nhiên, theo VCCI, sử dụng công cụ quản lý thuế cho mục tiêu chính sách này chưa thực sự phù hợp trong bối cảnh của Việt Nam. Bởi, việc chống "vốn mỏng", bảo đảm an ninh an toàn tài chính của các ngân hàng và doanh nghiệp lớn nên được thực hiện theo các quy định pháp luật quản lý thị trường tín dụng.
“Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã có nhiều quy định để khắc phục tình trạng "vốn mỏng" của doanh nghiệp mà vẫn giúp thị trường tín dụng phát triển lành mạnh. Điển hình như Điều 136 của luật này đã giảm tỷ lệ cấp tín dụng tập trung của một ngân hàng cho một khách hàng (nhóm khách hàng liên kết). Thêm vào đó, Điều 153 của luật này đặt ra cơ chế giám sát để bảo đảm các hợp đồng trong giao dịch liên kết cũng phải bảo đảm nguyên tắc độc lập, bình đẳng”, VCCI góp ý.
Đồng thời cho hay, việc giới hạn chi phí lãi vay bằng một con số cố định (30% EBITDA) sẽ làm méo mó thị trường tín dụng. Ví dụ, trong trường hợp hai bên vay nợ theo đúng lãi suất bình quân của thị trường, giao dịch phù hợp với nguyên tắc giao dịch độc lập (arm's lenght principle), không hề có biểu hiện gian dối về lãi suất để chuyển giá, nhưng vẫn bị giới hạn bởi mức 30%...
Trong khi đó, trên thực tế, chi phí lãi vay cao là đặc điểm tự nhiên thường thấy trong các khoản đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và hạ tầng. Đây là hai nhóm ngành có mức đòn bẩy tài chính cao hơn trung bình, một hình thức tài trợ phổ biến trong các tập đoàn kinh tế là để doanh nghiệp mẹ cho vay doanh nghiệp con hoặc bảo lãnh khoản vay cho doanh nghiệp con nhằm đảm bảo dòng vốn cho các dự án lớn mà doanh nghiệp con đang thực hiện…
Liên quan đến vấn đề này, trước đó, không ít ý kiến cũng cho hay, quy định về khống chế chi phí lãi vay bắt nguồn từ Chương trình Hành động số 4 trong tổng số 15 Chương trình Hành động chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Đây được xem là giải pháp hạn chế tình trạng lạm dụng “vốn mỏng”, lạm dụng tài trợ vốn/tài trợ tài chính nội bộ giữa các thành viên trong tập đoàn đa quốc gia với mục đích tránh thuế. Tuy nhiên, doanh nghiệp trong nước, dù có phát sinh giao dịch liên kết, vay vốn nội bộ lẫn nhau thì cũng khó chuyển giá, trốn thuế, nhất là khi có cùng mức thuế suất.