Hải Dương: Điểm đến đầu tư hấp dẫn
Hải Dương phấn đấu năm 2024 thu hút 500 triệu USD vốn FDI, vốn đầu tư thực hiện là 850 triệu USD
Tính đến hết tháng 8/2024, Hải Dương có 577 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 10,6 tỷ USD đến từ 27 quốc gia, vùng lãnh thổ. Hải Dương phấn đấu năm 2024 thu hút 500 triệu USD vốn FDI, vốn đầu tư thực hiện là 850 triệu USD.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng nhấn mạnh, Hải Dương đã và đang là một địa điểm hấp dẫn dành cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Lãnh đạo tỉnh cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khi triển khai đầu tư dự án trên địa bàn. Có thể nói, thành công của các nhà đầu tư, doanh nghiệp chính là nguồn lực đặc biệt quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, sớm xây dựng Hải Dương thành tỉnh công nghiệp, hiện đại.
Đột phá trong thu hút vốn đầu tư
Theo ông Lê Anh Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) tỉnh Hải Dương, điểm sáng trong PCI của Hải Dương năm 2023 là chỉ số Chi phí gia nhập thị trường đứng thứ 3 cả nước, đạt 7,94 điểm, tăng 0,39 điểm; Cạnh tranh bình đẳng đạt 6,62, tăng 1,21 điểm, xếp thứ 8, tăng 41 bậc, đây là 2 chỉ số Sở KHĐT chủ trì. Điều này cho thấy 2 chỉ số của Hải Dương đột phá đi lên.
8 tháng đầu (30/8/2024) năm 2024 thu hút đầu đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh đạt 336,5 triệu USD bằng 99% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thực hiện cấp mới cho 46 dự án với tổng vốn đăng ký 202,5 triệu USD, gồm 10 dự án ngoài KCN và 36 dự án trong khu công nghiệp (KCN).
Các dự án FDI mới chủ yếu ở các KCN mới như Đại An mở rộng, Phúc Điền mở rộng, An Phát 1 với hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng, chế biến, chế tạo, văn phòng phẩm... Ngoài dự án cấp mới, tỉnh điều chỉnh tăng vốn cho 23 lượt dự án với tổng vốn tăng thêm 108,7 triệu USD và hoàn tất thủ tục cho 21 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào các doanh nghiệp trong nước.
Năm 2024, Hải Dương phấn đấu thu hút 500 triệu USD vốn FDI, vốn đầu tư thực hiện 850 triệu USD. Doanh thu của các doanh nghiệp FDI đạt 9 tỷ USD, nộp ngân sách Nhà nước hơn 500 triệu USD; đặt mục tiêu thu hút 8.000 tỷ vốn DDI, gồm khoảng 6.100 tỷ đồng vốn cấp mới, còn lại là vốn điều chỉnh tăng thêm.
Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong tương lai Hải Dương sẽ có hơn 30 KCN và một khu kinh tế chuyên biệt. Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 1.000 ha KCN đã hoàn thiện hạ tầng, sẵn sàng thu hút nhà đầu tư thứ cấp. Nhằm tận dụng vốn FDI đang dịch chuyển mạnh mẽ vào Việt Nam, tỉnh Hải Dương đang đẩy nhanh giải phóng mặt bằng (GPMB), sớm bàn giao đất cho các nhà đầu tư để đầu tư hạ tầng kỹ thuật đối với 6 KCN với tổng diện tích quy hoạch khoảng hơn 1.100ha.
“Đến năm 2030, Hải Dương đặt mục tiêu sẽ nằm trong nhóm các tỉnh có quy mô kinh tế lớn, với hệ thống đô thị xanh, thông minh, hiện đại, và đáp ứng một số tiêu chí cơ bản của thành phố trực thuộc Trung ương. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm dự kiến đạt 9,5%, dân số tỉnh đạt 2,55 triệu người, GRDP bình quân đầu người đạt 180 triệu đồng,” ông Dũng cho biết.
“Thỏi nam châm” thu hút dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương Nguyễn Thanh Hùng cho biết, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước được tỉnh Hải Dương xác định là một trong những nhiệm vụ kinh tế, chính trị quan trọng. Chính vì vậy, các cấp chính quyền tỉnh Hải Dương đã quyết liệt, tập trung nguồn lực, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, để giúp địa phương trở thành điểm đến lý tưởng, an toàn cho các nhà đầu tư.
Với lợi thế nằm ở giữa trung tâm chiến lược của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, Hải Dương vươn mình trở thành “thỏi nam châm” thu hút dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Trong đó, lãnh đạo tỉnh luôn nêu gương tinh thần người đứng đầu, chủ động trong công tác xúc tiến đầu tư tại nhiều quốc gia trên thế giới nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh về đầu tư của Hải Dương. Thông qua các hội nghị gặp mặt, tiếp xúc doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và kịp thời chỉ đạo, xử lý những đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp. Điều này cho thấy thiện chí của tỉnh Hải Dương trong thu hút đầu tư.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp rót vốn đầu tư, bên cạnh việc tạo hành lang pháp lý thông thoáng, chính quyền tỉnh Hải Dương quyết liệt, khẩn trương xây dựng quy hoạch vùng, quy hoạch phân khu và quy hoạch sử dụng đất hết sức rõ ràng. Nhờ thông tin từ quy hoạch mà các doanh nghiệp có căn cứ nghiên cứu, tìm hiểu và đưa ra quyết định đầu tư.
Tỉnh đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các dịch vụ cung cấp các thông tin về thị trường, tìm kiếm đối tác kinh doanh, thông tin về lao động và các dịch vụ hỗ trợ việc làm; hỗ trợ kinh phí đào tạo đội ngũ công nhân có trình độ tay nghề cao đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; hỗ trợ tư vấn các vấn đề pháp lý và hỗ trợ thực hiện các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực như thuê đất, GPMB, xuất nhập khẩu, hải quan, với phương châm: "Sự thành công của doanh nghiệp trên địa bàn cũng chính là sự thành công của tỉnh".
“Trong thời gian tới, khi các KCN trên hoàn thiện, đáp ứng điều kiện thu hút nguồn lực đầu tư, tiếp nhận các dự án đầu tư mới sẽ là cơ sở cho việc đón dòng vốn dịch chuyển, thu hút một lượng lớn các dự án đầu tư mới đổ về Hải Dương,” ông Hùng chia sẻ.