Hải Dương: Phát triển nguồn nhân lực cho tương lai
Hải Dương tập trung phát triển thị trường lao động, tạo thị trường lao động trên môi trường số để gắn kết nhu cầu của doanh nghiệp trong tỉnh
Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong ba khâu đột phá để thực hiện mục tiêu đến năm 2025 Hải Dương là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Hải Dương là tỉnh có nguồn nhân lực dồi dào với khoảng 1 triệu người trong độ tuổi lao động, cơ cấu lao động có sự chuyển dịch theo hướng phù hợp với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Những năm qua, tỉnh chú trọng phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực có tay nghề cao, góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh của tỉnh, tạo động lực để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội.
Hiện nay, mạng lưới các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, tích cực mở rộng ngành nghề và hợp tác đào tạo dần đáp ứng được nhu cầu của người học và nhu cầu của thị trường lao động, liên kết đào tạo đa dạng, phong phú, kết nối trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, tỷ lệ học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm và thu nhập ổn định tương đối cao, từ 70% đến trên 90% tùy theo từng ngành nghề và trình độ đào tạo.
Ông Bùi Quốc Trình, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương cho biết, để thực hiện mục tiêu xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030 thì việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa là hết sức quan trọng và cấp thiết.
“Hải Dương sẽ chú trọng phát triển thị trường lao động, tạo thị trường lao động trên môi trường số để gắn kết nhu cầu của doanh nghiệp trong tỉnh với nguồn cung lao động trong và ngoài tỉnh, tạo sự linh hoạt đối với thị trường lao động, ông Trình thông tin.
Để đáp ứng nhu cầu xã hội, tỉnh Hải Dương tiếp tục đa dạng hóa các loại hình đào tạo, chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho lực lượng lao động. Các trường không thể cứ đào tạo những gì mình có, mà phải đào tạo những gì doanh nghiệp, xã hội cần; tổ chức thực hiện các biện pháp để giải quyết tình trạng thừa hoặc thiếu việc làm cục bộ, mất cân đối cung - cầu lao động. Đồng thời, phát triển các hình thức giao dịch việc làm hiện đại trên nền tảng công nghệ số; thu hút lao động tại chỗ, đào tạo, đào tạo lại cho lực lượng lao động đang làm việc thích ứng với những biến động bất thường.
Song song với đó, Hải Dương cũng ưu tiên thu hút đầu tư các doanh nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao, sử dụng lao động có kỹ thuật; tăng cường nguồn lực cho các chương trình, đề án, dự án tạo nhiều việc làm bền vững, nhất là việc làm có năng suất cao nhằm chuyển dịch lao động từ nhóm ngành nghề công nghệ thấp sử dụng nhiều lao động phổ thông sang lĩnh vực công nghệ cao, sử dụng ít lao động.n