Petrovietnam ưu tiên các kiến nghị cho điện khí và điện gió ngoài khơi
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) chưa đáp ứng được yêu cầu về các vấn đề nguồn đầu tư phát triển, truyền tải phân phối và thị trường sử dụng điện...
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Dự thảo Luật và Quy hoạch Điện VIII đang vênh nhau; yêu cầu phát triển lưới truyền tải phù hợp với các loại hình năng lượng nhưng chưa xác định rõ được nguồn; quy định chuyển ngang về sản lượng, giá và tư duy giá bán lẻ điện chưa có thay đổi”. Do đó, ông Tuấn Anh cho rằng cần có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương với tư cách là một đơn vị phát triển nguồn, bởi dự thảo Luật chưa bảo đảm về đầu tư phát triển nguồn, liên quan đến bảo đảm an ninh năng lượng.
Những vướng mắc ở các đơn vị phát triển điện nguồn
HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã nghe báo cáo góp ý về xây dựng dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), với tinh thần góp ý tập trung vào lĩnh vực điện lực dầu khí và hài hòa với các đối tượng chịu tác động của Luật.
Theo đó, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng yêu cầu các kiến nghị cần có tính khái quát, tập trung vào những vấn đề khó khăn thực tiễn trong lĩnh vực điện lực dầu khí, để đảm bảo giải quyết triệt để. Đồng thời, các góp ý đưa ra cũng cần đứng ở góc độ của Quốc hội, Bộ Công Thương đảm bảo hài hòa mục tiêu hướng tới đông đảo các đối tượng chịu tác động.
Theo ông Lê Như Linh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) cho biết, dự thảo mới nhất đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của Petrovietnam. Tuy nhiên, PV Power nhận thấy vẫn còn nhiều vướng mắc, chưa rõ ràng để thực hiện.
Cụ thể, việc lựa chọn nhà đầu tư, Quy hoạch điện VIII được phê duyệt tháng 5/2023 nhưng từ đó đến nay chưa có địa phương nào lựa chọn được chủ đầu tư. Việc căn cứ kế hoạch, quy hoạch để chốt thời hạn dự án, không xét đến tiến độ thực tế sẽ gây khó khăn cho chủ đầu tư về đáp ứng được tiến độ thực hiện.
“Dự thảo Luật chỉ cho phép 12 tháng chậm tiến độ là rất khó khăn, nguy cơ không ai dám làm vì không đáp ứng được quy định thời gian. Bởi tiến độ dự án còn phụ thuộc thu xếp vốn, giải quyết các thủ tục với địa phương. Về đấu thầu, các địa phương còn nhiều băn khoăn giữa đấu thầu rộng rãi hay chỉ trong danh sách lựa chọn”, ông Linh cho hay.
Bên cạnh đó, một vấn đề bất cập khác cũng được PV Power đề cập tới là công suất ghi trong kế hoạch, quy hoạch là cố định, nhưng thực tế công nghệ khoa học tiến bộ liên tục, nếu thực tế có sự chênh lệch sẽ phải lập lại quy hoạch mất nhiều thời gian. Do đó, PV Power nêu ý kiến con số công suất không thể “đóng đinh chết” trong kế hoạch để chủ đầu tư được quyền chủ động.
Cũng theo ông Linh, sản xuất điện khí trong nước phải đảm bảo bao tiêu là cách làm của cả thế giới, nhưng hiện nay việc bao tiêu đang giao cho các nhà máy điện. PV Power đang thực hiện bao tiêu cho 2 nhà máy, đơn vị cho rằng nên chuyển nhiệm vụ này sang Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) và Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) để đảm bảo tiêu thụ.
Ở góc độ khác, ông Phạm Văn Phong, Tổng Giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) cho biết, hoạt động của PV GAS bị ảnh hưởng bởi 3 nhóm chính sách: Quy định xây dựng kho LNG trung tâm đã bị bỏ khỏi dự thảo bản mới nhất; phát triển năng lượng mới không đề cập đến hydrogen và ammoniac mà chỉ chỉ đề cập chung chung sẽ gây khó khăn cho công tác phát triển về sau; cước phí là vấn đề phức tạp, nhưng không được đề cập rõ ràng, khi xây dựng Luật Giá (sửa đổi), Bộ Tài chính cũng đã bỏ vấn đề cước phí này nên câu chuyện xây dựng cước phí khá mơ hồ, chưa có căn cứ Luật nào.
Ông Trần Hồ Bắc, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) cho biết, đến nay có 8/21 vấn đề đơn vị đóng góp cho Dự thảo Luật được tiếp thu, những vấn đề còn lại nếu không được Luật hóa thì việc triển khai các dự án điện gió ngoài khơi sẽ gặp nhiều vướng mắc.
“Xây dựng điện gió ngoài khơi ở thế giới có 3 giai đoạn: thí điểm, cạnh tranh có điều kiện, cạnh tranh hoàn hảo. Việt Nam đang ở giai đoạn thí điểm, cần 30 năm nữa mới đạt đến giai đoạn cạnh tranh hoàn hảo. Do đó, Nhà nước bao tiêu sản phẩm thì nhà đầu tư mới dám làm”, ông Bắc cho hay
Theo đó, PTSC kiến nghị dự thảo Luật mở và phân quyền quyết định cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có linh hoạt, thống nhất giao đất, giao biển và các cơ chế chính sách liên quan cho dự án thí điểm. Cũng theo PTSC, vấn đề khảo sát điều tra cơ bản, theo Kết luận 76-KL/TW giao cho Petrovietnam nhưng rất cần có cơ chế thực hiện.
Ngoài ra, PTSC cũng kiến nghị Tổ soạn thảo đưa vào dự thảo Luật cơ chế ưu đãi cho điện gió ngoài khơi về các loại phí, thuế. Cơ chế xuất khẩu điện gió ngoài khơi ra nước ngoài có quy định rõ về giá bán theo cơ chế thị trường.
Bên cạnh ý kiến từ các đơn vị sản xuất, khối thương mại của Tập đoàn cho rằng cần có cơ chế điều chỉnh quy định giá bán lẻ trong chính sách mua bán điện để có hành lang pháp lý thực hiện linh hoạt hơn.
Các đơn vị ở lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí (E&P) nhấn mạnh 3 chính sách cần được quy định rõ ràng trong dự thảo Luật: Chuyển ngang giá và sản lượng trong toàn chuỗi; huy động tối đa nguồn lực trong nước đảm bảo tối đa nguồn thu quốc gia thay cho khái niệm “chạy nền” được Bộ Công Thương cho rằng nhạy cảm; chính sách ưu tiên phát triển đồng bộ chuỗi điện khí liên quan đến LNG.
Điện khí và điện gió ngoài khơi sẽ được tập trung ưu tiên
Nhìn nhận dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) bản mới nhất, ông Phạm Tuấn Anh, Thành viên HĐTV Petrovietnam cho rằng: “Các vấn đề cần tập trung là nguồn đầu tư phát triển, truyền tải phân phối và thị trường sử dụng điện. Theo tôi dự thảo Luật chưa đáp ứng được các yêu cầu này. Dự thảo Luật và Quy hoạch Điện VIII đang vênh nhau; yêu cầu phát triển lưới truyền tải phù hợp với các loại hình năng lượng nhưng chưa xác định rõ được nguồn; quy định chuyển ngang về sản lượng, giá và tư duy giá bán lẻ điện chưa có thay đổi”.
Do đó, ông Tuấn Anh cho rằng cần có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương với tư cách là một đơn vị phát triển nguồn, bởi dự thảo Luật chưa bảo đảm về đầu tư phát triển nguồn, liên quan đến bảo đảm an ninh năng lượng.
Theo Chủ tịch Petrovietnam, hiện Petrovietnam đang chuyển dịch sang mô hình tập đoàn công nghiệp - năng lượng, không chỉ hoạt động trong lĩnh vực dầu khí, nên dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) có tác động lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh toàn Tập đoàn.
Chủ tịch Lê Mạnh Hùng yêu cầu các đơn vị, bộ phận tập trung cho công tác góp ý dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi). Kinh nghiệm từ góp ý sửa đổi ban hành Luật Dầu khí 2022 cho thấy đây là vấn đề khó khăn, phức tạp, do vậy, yêu cầu Tổ công tác của Tập đoàn góp ý xây dựng dự thảo Luật theo hướng nêu rõ những khó khăn, vướng mắc đang nhận diện từ thực tế, từ đó cô đọng các đề xuất, kiến nghị với Tổ soạn thảo Bộ Công Thương, ưu tiên những đề xuất mang tính quyết định, trọng tâm, ảnh hưởng trực tiếp tới các dự án đang thực hiện.
Công tác góp ý cần đánh giá kỹ, tổng thể dự thảo Luật, những điểm đã được tiếp thu, điểm còn vướng mắc. Báo cáo những khó khăn do dự thảo Luật chưa tiếp thu hết để tháo gỡ, bởi giá trị đầu tư các dự án rất lớn, rủi ro cao và thời gian dài.
“Rà soát ý kiến của các đơn vị thành viên: PV Power, PV GAS, PTSC, PVPGB. Với điện khí cần có tư duy rõ về điện nền và cơ chế chuyển ngang giá; với điện gió ngoài khơi cần có cơ chế thí điểm và chính sách ưu đãi cụ thể; quy định rõ về cơ chế giá”, ông Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Về tiến độ, Bộ Công Thương yêu cầu hoàn thành ngày 20/9, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam giao nhiệm vụ Tập đoàn tiếp thu và tổng hợp đầy đủ các kiến nghị, ý kiến đóng góp gửi Chính phủ và Bộ Công Thương ngày 18/9.
Các góp ý trọng tâm của Petrovietnam
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) bao gồm 9 chương với 130 điều. Cập nhật tiến độ, Tổ công tác góp ý xây dựng dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) của Tập đoàn thông tin về các góp ý trọng tâm của Petrovietnam tính đến hiện tại.
Ở chương I Quy định chung, Petrovietnam góp ý về: Cơ chế khuyến khích tham gia xây dựng dự án nhiệt điện khí nhiên nhiên, khí hóa lỏng; cơ chế ưu tiên, huy động tối đa các nhà máy sử dụng khí thiên nhiên trong nước theo khả năng cấp khí và các ràng buộc về nhiên liệu; cơ chế đảm bảo sản lượng huy động tối thiểu dài hạn đối với các nhà máy sử dụng khí; cơ chế chuyển ngang giá và sản lượng khí làm nhiên liệu đầu vào.
Đối với chương II, Quy hoạch phát triển điện lực và đầu tư dự án điện lực, các góp ý của Petrovietnam gồm: Tiến độ dự án nguồn điện; cơ chế xử lý các dự án nguồn điện bị chậm tiến độ; thẩm quyền quyết định, chỉ định các dự án, công trình điện khẩn cấp; các quy định ưu tiên đối với đầu tư dự án, công trình điện khẩn cấp.
Chương III phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới, Petrovietnam góp ý về: Cơ chế chính sách của việc quy hoạch, thăm dò, khảo sát, giao đầu tư, phê duyệt Pre- FS/FS, triển khai đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi; cơ chế vận hành, huy động các nhà máy điện gió ngoài khơi; cơ chế giao triển khai thí điểm các dự án điện gió ngoài khơi.
Bên cạnh những góp ý đã được chấp nhận, vẫn còn nhiều ý kiến đóng góp của Petrovietnam chưa được cơ quan soạn thảo tiếp thu, về cơ chế giá, cơ chế đặc thù cho điện gió ngoài khơi, các vấn đề liên quan đến danh mục kinh tế biển, luật hóa việc hợp tác giữa tập đoàn kinh tế Nhà nước với nhà đầu tư nước ngoài…