Bán tín chỉ carbon, người trồng lúa "bỏ túi" 100 triệu USD/năm
Việc World Bank mua 10 USD/tín chỉ carbon, thì 1 triệu ha lúa người nông dân sẽ thu về khoảng 100 triệu USD/năm.
Phía World Bank đã đề xuất cơ chế chi trả tiền giảm phát thải carbon dựa trên kết quả cho Đề án 1 triệu ha lúa với đơn giá 10 USD/1 tín chỉ carbon giảm phát thải. Các Bộ, ngành đang thảo luận về khả năng xây dựng cơ chế chi trả riêng biệt cho Đề án 1 triệu ha.
Theo ước tính của World Bank, với 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao ở ĐBSCL khi hình thành có thể giảm 10 triệu tấn carbon/năm. Việc World Bank mua 10 USD/tín chỉ carbon, thì 1 triệu ha lúa người nông dân sẽ thu về khoảng 100 triệu USD/năm.
Theo các báo cáo khoa học, Việt Nam là một trong những quốc gia bị tác động mạnh mẽ nhất bởi biến đổi khí hậu, đặc biệt là ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong đó, nông nghiệp chỉ xếp sau ngành năng lượng và giao thông vận tải về lượng phát thải khí nhà kính ra môi trường, góp phần gia tăng tốc độ biến đổi khí hậu.
Từ thực tế đó, nông nghiệp Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ theo hướng xanh hóa, phát thải carbon thấp trên cơ sở sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào sản xuất, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên…
Điều đó sẽ giúp sản phẩm nông nghiệp có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trước đòi hỏi hội nhập kinh tế quốc tế cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững.
Theo GS.TSKH Trần Duy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam, nguyên nhân khiến việc trồng lúa sản sinh ra lượng khí nhà kính lớn là do nhu cầu về nước tưới quá lớn hay việc tiêu tốn nhiều năng lượng trong quá trình trồng lúa.
Đặc biệt, trong quá trình sinh trưởng và phát triển của lúa nước đã làm sản sinh ra khí mê-tan (CH4), đây là một trong những khí nhà kính làm nóng lên toàn cầu.
TS Vũ Duy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cũng khẳng định, canh tác lúa nước truyền thống đóng góp một lượng lớn phát thải khí nhà kính, đặc biệt là CH4.
“Tưới ngập nước liên tục trong canh tác lúa truyền thống đã đã đẩy oxy (O2) ra khỏi đất, hình thành môi trường yếm khí. CH4 được tạo ra do việc phân giải các chất hữu cơ có trong phân bón hữu cơ, tàn dư rơm rạ, rễ cây chết… bởi vi sinh vật trong điều kiện thiếu oxy như vậy. Sau đó, khí CH4 sinh ra trong đất phát tán vào khí quyển, chủ yếu là thông qua mô khí dẫn từ rễ lên lá lúa”, TS Vũ Duy Hoàng phân tích.
Bên cạnh đó, báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp năm 2023 đã chỉ ra, những cánh đồng lúa đóng góp 8% tổng lượng khí mê-tan do con người tạo ra trong khí quyển.
Khí mê-tan là nguyên nhân chính dẫn đến sự hình thành ozon ở tầng mặt đất, một chất ô nhiễm không khí nguy hiểm và khí nhà kính, tiếp xúc với chất này gây ra 1 triệu ca tử vong sớm mỗi năm. CH4 cũng là một khí nhà kính mạnh. Trong khoảng thời gian 20 năm, loại khí này có khả năng làm ấm mạnh hơn 80 lần so với khí CO2.
Đánh giá về thị trường tín chỉ carbon trên thế giới, TS Vũ Duy Hoàng nhận định, hiện nay thị trường tín chỉ carbon đã bắt đầu sôi động. Nếu cắt giảm được phát thải khí mê-tan trong trồng lúa, lượng giảm phát thải này có thể được chuyển đổi thành tín chỉ carbon và giao dịch trên thị trường trong nước và quốc tế, mang lại lợi nhuận và nâng cao thu nhập cho người nông dân.
“Bên cạnh đó, việc canh tác lúa giảm phát thải carbon không chỉ đóng góp cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính mà đây còn là cơ hội để nâng cao vị thế, giá trị và thương hiệu lúa gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế”, TS Vũ Duy Hoàng nhấn mạnh.