Thanh Hóa: Phát triển kinh tế toàn diện để giảm nghèo bền vững
Những năm qua, công tác phát triển kinh tế toàn diện giảm nghèo bền vững ở Thanh Hóa được quan tâm, đẩy mạnh “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Đầu tư đồng bộ, phát triển kinh tế
Từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, đã có hàng ngàn hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được thụ hưởng từ các dự án hỗ trợ trực tiếp. Bên cạnh đó, nhiều xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh đang triển khai xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu theo Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Theo báo cáo của tỉnh Thanh Hóa, Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 cho biết: Năm 2022, áp dụng chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,79% từ 6,77% xuống còn 4,99% (giảm 17.791 hộ; từ 67.684 hộ xuống còn 49.893 hộ). Năm 2023, công tác giảm nghèo của tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Toàn tỉnh đã giảm gần 14.600 hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo từ 4,99% năm 2022 giảm xuống còn 3,52% cuối năm 2023, vượt 0,13% chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng Nhân dân tỉnh đề ra.
Những kết quả giảm nghèo nhanh, bền vững ghi nhận được nhiều kết quả lớn chính từ những cách làm cũng như các "quyết sách" đúng và trúng của tỉnh Thanh Hóa.
Cụ thể, theo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2024 của tỉnh Thanh Hóa, tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 phân bổ cho tỉnh Thanh Hóa là 1.640.539 triệu đồng. Trong tổng vốn Trung ương giao có 1.249.507 triệu đồng hỗ trợ 6 huyện nghèo. Giai đoạn 2022 - 2024, Trung ương đã giao 1.387.293 triệu đồng (năm 2022 là 486.183 triệu đồng, năm 2023 là 458.850 triệu đồng, năm 2024 là 442.260 triệu đồng).
HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành các nghị quyết, quyết định phân bổ kế hoạch vốn cho các đơn vị, địa phương. Chủ tịch UBND tỉnh đã giao vốn chi tiết cho các huyện, các dự án là 1.364.437 triệu đồng đạt 98,35%. Dự kiến số vốn đầu tư phát triển còn lại 22.856 triệu đồng sẽ được giao chi tiết trong quý III/2024.
Vốn đầu tư phát triển đã giải ngân năm 2022 được 254.881 triệu đồng; giải ngân năm 2023 được 412.052 triệu đồng, công tác giải ngân 6 tháng năm 2024 được 206.161 triệu đồng, đạt 62,95% tổng số vốn Trung ương giao. Đối với số vốn năm 2024 giải ngân đạt 31%. Dự kiến đến ngày 31/12/2024 sẽ giải ngân vốn đầu tư phát triển được Trung ương giao giai đoạn 2022 - 2024 đạt khoảng 1.305.560 triệu đồng/1.387.293 triệu đồng, đạt 94% so với kế hoạch vốn.
Tăng nguồn lực cho giảm nghèo
Đặc biệt, công tác hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo với tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 hỗ trợ cho các huyện nghèo là 1.249.507 triệu đồng. Từ năm 2022 - 2024, HĐND tỉnh đã phân bổ cho 6 huyện nghèo để thực hiện 59 dự án, trong đó 28 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2021, 31 dự án đầu tư mới.
Với tinh thần chỉ đạo quyết liệt và sự vào cuộc của các cấp, các ngành cho công tác giảm nghèo, tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Năm 2023, toàn tỉnh giảm được gần 14.600 hộ nghèo (tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4,99% năm 2022 xuống còn 3,52% cuối năm 2023), vượt chỉ tiêu đề ra. Đến nay, 100% các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo đã được hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Toàn tỉnh xây dựng được 63 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, với tổng kinh phí gần 21,8 tỷ đồng. Các cấp, các ngành, các địa phương đã hỗ trợ đào tạo nghề, nâng cao năng lực sản xuất cho 90% người có khả năng lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn có nhu cầu. Giải ngân hơn 4.519 tỷ đồng vốn tín dụng chính sách xã hội giúp hơn 71.400 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn phát triển sản xuất.
Thuộc diện hộ nghèo, gia đình ông Cầm Bá Trọng, Thôn Bù Đồn, xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết, khi được nhận 40 triệu hỗ trợ làm nhà ở từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, ông đã rất vui mừng, bắt tay ngay vào xây dựng ngôi nhà mới. Sau 3 tháng thi công, căn nhà đã hoàn thành, với diện tích 130m2. Tôi rất vui mừng khi được ở trong căn nhà mới này, tôi cảm ơn Đảng, cảm ơn Nhà nước rất nhiều.
Tại huyện Như Xuân, Từ năm 2021 - 2024, huyện Như Xuân đã giải ngân được 8,9 tỉ đồng kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Trong đó, toàn huyện đã có 450 hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ kinh phí để nuôi trâu bò sinh sản. Cuối năm 2023, tỉ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới của huyện còn 9,94%, giảm gần 7% so với năm 2021, có 3/15 xã đã đạt tiêu chí về nghèo đa chiều.
Chị Lữ Thị Thanh, Thôn Me, xã Bãi Trành, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết, trước đây hộ nghèo đươc hỗ trợ con trâu, cho vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, tôi được vay th êm các nguồn để làm nhà ở khang trang như bây giờ.
Ông Lê Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết, Huyện Như Xuân tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tính chủ động của cấp ủy, chính quyền và người dân về công tác giảm nghèo. Quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm, ưu tiên cho công tác xuất khẩu lao động. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút mạnh các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, liên kết chặt chẽ giữa nông dân với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm".
Mặc dù giảm nghèo là một bài toán khó, nhất là giảm nghèo đa chiều. Nhưng nếu có sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và ý thức vươn lên của chính bản thân người nghèo, thì công tác giảm nghèo của tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống của Nhân dân, giảm nghèo bền vững và thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển.