Chính trị

Chính phủ ban hành loạt gói hỗ trợ cấp bách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Lam Song 18/09/2024 09:59

Chính sách, giải pháp hỗ trợ phải nhanh, khả thi, kịp thời, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, trực tiếp vào các đối tượng bị ảnh hưởng.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.

khacphuc.jpg
Công nhân Công ty LS Metal Vina (Khu công nghiệp DEEP-C 2B Đình Vũ) khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão để sản xuất trở lại.

Nghị quyết cho biết tổng thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra ước tính sơ bộ trên 50 nghìn tỷ đồng, dự báo có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm khoảng 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đạt 6,8-7%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của nhiều địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai… có thể giảm trên 0,5% so với dự báo trước khi có bão số 3. Hệ thống kết cấu hạ tầng, nhiều công trình thiết yếu, dân sinh bị hư hại. Các vấn đề xã hội, nhất là y tế, giáo dục, môi trường, nước sạch nông thôn, nước sạch đô thị, lao động việc làm, đời sống người dân… bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Vì vậy, cần đặc biệt quan tâm, ưu tiên nguồn lực và triển khai nhanh sau bão, lũ để ổn định đời sống người dân, ổn định sản xuất kinh doanh.

Quan điểm của Chính phủ là chính sách, giải pháp hỗ trợ phải nhanh, khả thi, kịp thời, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, trực tiếp vào các đối tượng bị ảnh hưởng; trình tự, thủ tục, điều kiện thụ hưởng đơn giản, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, đánh giá.

Mục tiêu là bảo vệ tính mạng, an toàn, sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết. Không để người bệnh thiếu nơi cứu chữa; các cháu học sinh phải được đến trường sớm nhất có thể. Bảo đảm an sinh xã hội, khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đối tượng hỗ trợ là người dân, người lao động, người yếu thế, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp tại các địa bàn bị ảnh hưởng bởi bão số 3, ngập lụt, lũ, sạt lở đất.

Thời gian hỗ trợ chủ yếu trong tháng 9 và tháng 10 năm 2024; một số chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh, doanh nghiệp có thể kéo dài, bổ sung nguồn lực thực hiện đến hết năm 2025 để phù hợp với sự phục hồi của doanh nghiệp, hộ kinh doanh và yếu tố mùa vụ trong sản xuất kinh doanh.

Nghị quyết nêu ra 6 nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ bao gồm:

Nhóm thứ nhất: Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về bảo vệ tính mạng, an toàn, sức khỏe của Nhân dân.

Trong đó yêu cầu Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các cấp chính quyền địa phương, huy động tối đa các lực lượng tìm kiếm người mất tích; tăng cường bố trí lực lượng, phương tiện tuần tra, di dời, sơ tán người dân khỏi các khu vực có nguy cơ cao và vận chuyển hàng hóa viện trợ, tiếp tế cho người dân.

Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương huy động, bố trí đầy đủ lực lượng y tế, bảo đảm thuốc men, vật tư y tế cứu chữa người bị thương, bị bệnh; làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, xử lý, vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tuyệt đối không để bùng phát dịch bệnh sau lũ, nhất là tại các địa phương xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Bộ Tài chính, các địa phương bảo đảm nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp việc mai táng cho người thiệt mạng, các hộ gia đình có người chết, mất tích hoặc bị thương nằm viện do ảnh hưởng từ bão số 3; giải quyết, chi trả đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách cho nhân thân người thiệt mạng…

Nhóm thứ hai: Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về hỗ trợ khôi phục các hoạt động đời sống, xã hội để ổn định cuộc sống Nhân dân.

Trong đó yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xác định mức độ thiệt hại và nhu cầu hỗ trợ của các địa phương, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ bố trí dự phòng ngân sách trung ương năm 2024 để hỗ trợ các địa phương theo quy định pháp luật.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan và địa phương theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao nâng mức hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị sập, hư hỏng hoàn toàn cần xây mới, hư hỏng nặng phải sửa chữa và di dời chỗ ở từ nguồn ngân sách nhà nước, Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát, Quỹ Vì người nghèo, các nguồn hỗ trợ qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các nguồn xã hội hóa.

Đồng thời thực hiện nhanh, hiệu quả các chính sách hỗ trợ khẩn cấp hiện hành đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn để sửa chữa nhà ở bị hư hỏng nặng, di dời nhà ở…, theo phương châm "xác định thiệt hại đến đâu, hỗ trợ kịp thời đến đó".

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp dồn toàn lực để khôi phục hạ tầng thiết yếu (điện, nước, viễn thông…) trong thời gian sớm nhất, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu sinh hoạt, thông tin liên lạc của người dân; không để mất điện, mất sóng viễn thông và các dịch vụ thiết yếu khác bị đứt gãy do bão lũ gây ra.

Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương sử dụng dự phòng ngân sách nhà nước để khẩn trương sửa chữa, sớm đưa vào sử dụng trở lại các công trình dân sinh, trường học, bệnh viện, cơ sở y tế, trạm y tế, thủy lợi…

Nhóm thứ ba: Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp để khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, phục hồi và thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế.

Trong đó yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo, có kế hoạch sản xuất linh hoạt, hiệu quả và các biện pháp khắc phục hậu quả để khôi phục sản xuất nông nghiệp ngay sau bão, mưa lũ; tổng hợp nhu cầu, kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định hỗ trợ giống, thức ăn, hóa chất và các vật tư cần thiết cho các địa phương để khôi phục sản xuất nông nghiệp; chỉ đạo kiểm tra, rà soát, tổng hợp các sự cố, hư hỏng về hệ thống đê điều, hồ chứa thủy lợi do bão, mưa lũ và tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhu cầu kinh phí khắc phục, sửa chữa ngay để đảm bảo an toàn.

Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước... cho các đối tượng bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi bão, lũ, lụt, sạt lở đất theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo các công ty bảo hiểm khẩn trương rà soát, chi trả quyền lợi bảo hiểm cho các khách hàng bị ảnh hưởng theo quy định. Trước mắt, thực hiện ngay việc tạm ứng bồi thường cho khách hàng theo quy định.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động tính toán phương án hỗ trợ, thực hiện cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại, xây dựng các chương trình tín dụng mới với lãi suất ưu đãi phù hợp, tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng để khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định pháp luật hiện hành.

Nhóm thứ tư: Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với thiên tai, bão lũ, ngập lụt, sạt lở… trong thời gian tới.

Trong đó yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương khẩn trương rà soát, tổng hợp các dự án bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai cấp bách do các địa phương đề xuất, trong đó có phương án xây dựng khu tái định cư và di dân xen ghép, để di dân tại các địa bàn nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất (Quyết định 590/QĐ-TTg ngày 18/5/2022) và trong tháng 10/2024, phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hỗ trợ các địa phương từ nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2024. Chỉ đạo vận hành các công trình thủy điện thuộc liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng theo quy định.

Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát tổng thể, điều chỉnh các quy trình liên hồ chứa các hồ nước trên cơ sở cập nhật, tính toán, xem xét đầy đủ, toàn diện các tình huống bất thường, khẩn cấp (trong đó phải xác định cụ thể thẩm quyền, trách nhiệm, quy trình thực hiện, thời gian thực hiện, đồng thời rà soát phù hợp với quy định tại Luật Phòng thủ dân sự), kịch bản biến đổi khí hậu,...; thời gian mùa lũ phù hợp với quy định và ưu tiên giành dung tích cắt giảm lũ cho hạ du.

Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất phương án sử dụng một phần dung tích phòng lũ trên mức nước dâng bình thường của hồ chứa lớn, quan trọng để nâng cao khả năng cắt giảm lũ cho hạ du khi xảy ra các tình huống khẩn cấp, bất thường.

Nhóm thứ năm: Nhiệm vụ, giải pháp về cơ chế, chính sách, giải pháp cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để triển khai các chính sách hỗ trợ.

Trong đó yêu cầu Bộ Xây dựng, các bộ, cơ quan và địa phương rà soát, nghiên cứu cắt giảm thủ tục hành chính trong công tác quản lý đầu tư xây dựng; cho phép các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, doanh nghiệp áp dụng quy định tại Điều 89 và Điều 130 Luật Xây dựng được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Luật số 62/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng để sửa chữa, xây dựng lại công trình, nhà xưởng bị ảnh hưởng bởi hậu quả thiên tai để doanh nghiệp sớm quay lại hoạt động.

Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, cơ quan thực hiện công tác điều tiết giữa các tỉnh, thành phố đang bị ảnh hưởng của mưa, lũ với các tỉnh, thành phố khác khi có đề nghị của địa phương nhằm bảo đảm duy trì cung ứng hàng hóa thiết yếu cho các cháu học sinh, bệnh nhân các địa phương chịu tác động của mưa, lũ.

Các địa phương xem xét, quyết định theo chức năng, thẩm quyền việc chỉ định thầu rút gọn đối với các gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc xử lý kịp thời hậu quả do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra.

Nhóm thứ sáu: Nhiệm vụ, giải pháp về kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong đó, các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao nắm chắc tình hình thị trường, giá cả hàng hóa để có giải pháp phù hợp, hiệu quả ổn định thị trường. Thúc đẩy sản xuất, bảo đảm cung ứng đầy đủ nguồn hàng; tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai quy định về quản lý giá, ổn định giá mặt hàng thiết yếu, nguyên vật liệu cho đời sống của Nhân dân và sản xuất kinh doanh; xử lý nghiêm theo pháp luật các hành vi đầu cơ, găm hàng tăng giá, thao túng giá.

Cùng với đó, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào, nhất là vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão, lũ, thiên tai, tuyệt đối không để xảy ra thiếu lương thực, thực phẩm trong những tháng cuối năm.

Tiếp tục đẩy mạnh tiết kiệm chi, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để dành nguồn lực bảo đảm cho an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ người dân và đầu tư phát triển. Quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia, có tính liên tỉnh, liên vùng, kết nối quốc gia, khu vực, quốc tế.

Tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, ưu tiên khai thác và tận dụng tối đa các cơ hội từ các thị trường xuất khẩu trọng điểm, chiến lược và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký; thúc đẩy đàm phán, ký kết các FTA mới, mở rộng các thị trường mới như Trung Đông, Châu Phi, thị trường sản phẩm Halal…

Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới; tranh thủ tối đa các nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới như bán dẫn, năng lượng sạch, Hydrogen...

Tập trung thực hiện các giải pháp quyết liệt, kịp thời, hiệu quả để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố và các dự án vướng mắc, tồn đọng khác, đặc biệt là tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và mưa lũ sau bão.

Lam Song