Ô tô - Xe máy

AI biến đổi ngành ô tô: Cơ hội và thách thức tại Việt Nam

Thanh Trà 18/09/2024 17:49

Trí tuệ nhân tạo đang thay đổi ngành công nghiệp ô tô toàn cầu. Nhiều cơ hội và thách thức đặt ra với Việt Nam trong việc phát triển công nghệ AI nội địa.

AI biến đổi ngành công nghiệp ô tô

Ngành công nghiệp ô tô luôn phát triển nhờ những bước tiến công nghệ vượt bậc, từ dây chuyền sản xuất băng chuyền đến sự xuất hiện của robot. Hiện tại, trí tuệ nhân tạo (AI) đang mang đến một làn sóng cải tiến mới, không chỉ trong quá trình sản xuất mà còn tại các đại lý và trên các đường đua.

AI được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất ô tô thông qua các giải pháp như camera thông minh trên dây chuyền, giúp phát hiện khiếm khuyết với tốc độ và độ chính xác cao. Công nhân nhờ đó có thể tập trung vào các nhiệm vụ quan trọng khác, gia tăng năng suất đáng kể. Bên cạnh đó, AI còn giúp giảm thiểu tai nạn lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm chi phí bảo trì.

Trên các đường đua, thuật toán học máy cung cấp dữ liệu theo thời gian thực, hỗ trợ các đội đua nhanh chóng phân tích và đưa ra quyết định tối ưu. Đội Ducati Lenovo trong giải MotoGP là một ví dụ điển hình khi họ xử lý 100GB dữ liệu từ tám chiếc xe mỗi cuối tuần bằng các công cụ AI, giúp điều chỉnh chiến thuật đua hiệu quả hơn. Dữ liệu này cũng góp phần quan trọng trong việc phát triển các mô phỏng lái xe, hỗ trợ quá trình thiết kế dòng xe dân dụng như Ducati Panigale V4, giúp trải nghiệm lái xe trở nên an toàn hơn.

Trong lĩnh vực sản xuất hàng loạt, AI được ứng dụng để tự động kiểm tra sản phẩm, loại bỏ rủi ro do lỗi con người gây ra. Ví dụ, Lotus đã áp dụng máy quét AI phân tích dữ liệu video để phát hiện lỗi với độ chính xác lên tới 99% trong quy trình sản xuất 150.000 xe hàng năm. Các công ty như ByteLake cung cấp các giải pháp kiểm tra tự động thông qua việc sử dụng nhiều chỉ số khác nhau, chẳng hạn như âm thanh động cơ, để phát hiện và cải thiện quy trình sản xuất.

Tại các đại lý, AI đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện dịch vụ bảo trì. General Motors đã trang bị hệ thống máy quét AI tại 300 đại lý để phát hiện sớm các vấn đề về xe với độ chính xác hơn 90%. Chỉ cần lái xe qua hệ thống này, các vấn đề sẽ được kiểm tra và xử lý nhanh chóng, giúp nâng cao trải nghiệm dịch vụ cho khách hàng.

interactive-transparent-window-screen-smart-car (1)
AI đang được ứng dụng mạnh mẽ trong ngành công nghiệp ô tô.

Tiềm năng của AI trong ngành ô tô Việt

Việt Nam đang bắt nhịp với xu hướng toàn cầu trong việc ứng dụng AI vào ngành ô tô, đặc biệt là công nghệ trợ lý ảo. Các doanh nghiệp trong nước nhận ra tiềm năng lớn từ việc phát triển các giải pháp trợ lý ảo hỗ trợ tiếng Việt, đáp ứng nhu cầu của người dùng bản địa.

Một trong những ví dụ nổi bật là trợ lý ảo Kiki của ZaloAI được giới thiệu vào năm 2020, là một bước tiến quan trọng trong việc hỗ trợ tiếng Việt, hiểu giọng nói địa phương và thích ứng với văn hóa giao tiếp bản địa. Đến năm 2022, Kiki đã đạt 300.000 lượt cài đặt và hơn 150.000 lượt truy vấn mỗi ngày. Tiếp theo đó, tháng 5/2023, Gotech ra mắt trợ lý ảo GotechGPT, kết hợp giữa Gotech Assistant và công nghệ AI của ChatGPT, mang đến khả năng trò chuyện linh hoạt với tài xế như một người đồng hành thực sự.

VinFast cũng không đứng ngoài cuộc chơi. Họ đã phát triển trợ lý ảo ViVi, tích hợp trên các mẫu xe của mình, đặc biệt là phiên bản VinFast VF 8 Lux, mẫu ô tô thương mại đầu tiên trên thế giới có trợ lý ảo ứng dụng công nghệ AI tạo sinh (Generative AI). ViVi 2.0, phiên bản cải tiến của trợ lý ảo ra mắt năm 2021, có khả năng tương tác tự nhiên hơn và cung cấp trải nghiệm cá nhân hóa tốt hơn.

Việc phát triển công nghệ trợ lý ảo tại Việt Nam cũng mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ nội địa. Việt Nam sở hữu một nguồn nhân lực trẻ, sáng tạo và ngày càng có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển AI. Đồng thời, hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ cũng đang trên đà phát triển mạnh mẽ, với sự hỗ trợ từ chính phủ thông qua các chính sách ưu đãi cho đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, để khai thác tiềm năng này, Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những thách thức lớn nhất là sự thiếu hụt về hạ tầng công nghệ. Mặc dù đã có sự phát triển, nhưng mạng lưới internet và các cơ sở hạ tầng hỗ trợ dữ liệu lớn vẫn còn hạn chế, gây khó khăn cho việc phát triển các giải pháp AI phức tạp. Thêm vào đó, nguồn vốn đầu tư cho các dự án công nghệ cao và khả năng quản lý dự án còn yếu, điều này ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng triển khai các giải pháp AI trong ngành ô tô.

Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, học hỏi công nghệ từ các quốc gia tiên tiến và đồng thời phát triển hạ tầng công nghệ. Các chương trình hợp tác về đào tạo và chuyển giao công nghệ giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và các công ty lớn sẽ giúp nâng cao trình độ chuyên môn của nguồn nhân lực. Chính phủ cũng cần có những chính sách mạnh mẽ hơn trong việc hỗ trợ tài chính và cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của AI trong ngành ô tô.

Thanh Trà