Ô tô - Xe máy

Việt Nam sẽ ở đâu trên thị trường xe điện Đông Nam Á?

TRẦN THỦY 19/09/2024 00:32

Việt Nam có thị trường ô tô tiềm năng, lại nằm ở trung tâm xe điện lớn của thế giới, nhưng rất có thể chỉ là nơi tiêu thụ sản phẩm cho các quốc gia lân cận.

Công xưởng của thế giới

Báo cáo "Triển vọng xe điện Đông Nam Á năm 2024" do Trang nghiên cứu năng lượng BloombergNEF, thuộc hãng Bloomberg công bố cuối tháng 8 vừa qua dự báo, Đông Nam Á sẽ trở thành trung tâm xe điện lớn toàn cầu vào năm 2040.

Thái Lan đang hướng đến trở thành trung tâm sản xuất xe điện lớn trên thế giới.
Thái Lan đang hướng đến trở thành trung tâm sản xuất xe điện lớn trên thế giới.

Dự báo này hoàn toàn có cơ sở, bởi Đông Nam Á là khu vực đông dân cư, với quy mô khoảng 600 triệu người và kinh tế đang phát triển, nên nhu cầu về ô tô ngày càng tăng. Cùng với đó, xu hướng điện khí hóa trong lĩnh vực ô tô đang diễn ra mạnh mẽ, chi phí sản xuất giảm và xe điện ngày càng có phạm vi hoạt động lớn hơn, sẽ đẩy nhanh việc chuyển đổi sang sử dụng phương tiện này.

Với quy mô thị trường lớn và doanh số bán xe điện tăng nhanh, Đông Nam Á đang đứng trước cơ hội trở thành công xưởng của thế giới, không chỉ đáp ứng nhu cầu cho khu vực mà còn hướng tới xuất khẩu.

Hàng loạt các dự án đầu tư vào xe điện đang đổ về Đông Nam Á, trong đó Thái Lan và Indonesia là những điểm đến hấp dẫn. Các nhà sản xuất ô tô lớn của Trung Quốc như BYD, Great Wall Motor, hay GAC Aion… đều đã đặt cơ sở sản xuất tại Thái Lan. Thái Lan đặt mục tiêu sẽ thu hút 28 tỷ USD từ đầu tư nước ngoài vào xe điện trong vòng 4 năm tới, để trở thành trung tâm sản xuất lớn của thế giới.

Indonesia cũng tương tự, nhiều tập đoàn ô tô hàng đầu thế giới đang tiến vào quốc gia này với số vốn đầu tư hàng tỷ USD. Đầu tháng 7/2024, Indonesia khánh thành nhà máy sản xuất pin xe điện đầu tiên và lớn nhất ở Đông Nam Á, tại thị trấn Karawang, tỉnh Tây Java. Chính phủ Indonesia cho biết, đã sẵn sàng trở thành một nhân tố chủ chốt trong chuỗi cung ứng xe điện toàn cầu.

Giới chuyên môn nhận định, xe điện chính là sự thay đổi 100 năm mới có một lần. Đây là cơ hội lớn để các quốc gia nắm bắt và vươn lên. Khi ngành công nghiệp xe điện phát triển, đương nhiên sẽ mang lại nhiều lợi ích, từ tạo việc làm, nâng tầm công nghiệp chế biến chế tạo, đóng góp lớn vào GDP hàng năm và trở thành quốc gia có công nghệ cao…

Việt Nam sẽ ra sao?

Xu hướng phát triển của xe điện và Đông Nam Á trở thành trung tâm lớn, được nhìn nhận là “cơ hội vàng” để Việt Nam viết lại kịch bản ngành công nghiệp ô tô. Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, do Bộ Công Thương soạn thảo, sẽ trình Chính phủ phê duyệt vào cuối năm nay, đã xác định ô tô là ngành sản xuất quan trọng, không chỉ đóng góp vào kinh tế- xã hội mà còn đáp ứng các yêu cầu mới, đi tiên phong trong vấn đề bảo vệ môi trường; không chỉ đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ô tô điện mini sản xuất tại Indonesia.
Ô tô điện mini sản xuất tại Indonesia.

Theo BloombergNEF, Đông Nam Á sẽ trở thành một trung tâm xe điện lớn của thế giới, nhưng sự phát triển sẽ không đồng đều giữa các quốc gia, do khác biệt về chính sách hỗ trợ và hạ tầng cơ sở.

Đến nay, Việt Nam vẫn chưa thu hút được dự án đầu tư nước ngoài lớn nào vào sản xuất ô tô điện. Một số nhà hãng xe lớn đã đến Việt Nam tìm hiểu, thậm chí lắp ráp và bán thử ô tô điện, nhưng rồi lại quay sang đầu tư vào Thái Lan và Indonesia. Nguyên nhân là do chính sách dành cho ô tô điện thiếu hấp dẫn.

Giao thông xanh Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn để phát triển, trong đó xe điện chiếm vai trò quan trọng. Việt Nam đang có cơ hội lớn để vươn lên trở thành một cường quốc sản xuất xe điện. Tuy nhiên, điều mà các nhà đầu tư cần đó là một hệ thống chính sách đồng bộ, có ưu đãi, hỗ trợ đủ lớn và dài hạn cho sản xuất lắp ráp ô tô điện, vẫn chưa thấy đâu.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, thị trường ô tô Việt Nam sẽ đạt quy mô 1 triệu xe vào năm 2030 và từ 1,5 - 1,8 triệu xe sau năm 2035. Việt Nam có một thị trường ô tô tiềm năng, lại nằm trong khu vực Đông Nam Á, một trung tâm xe điện lớn của thế giới, nhưng rất có thể sẽ chỉ là nơi tiêu thụ sản phẩm cho các quốc gia lân cận. “Cơ hội vàng” sẽ bị bỏ lỡ, nếu chúng ta vẫn ứng xử với ngành công nghiệp xe điện giống như công nghiệp ô tô trước đây.

TRẦN THỦY