Du lịch

Du lịch Đà Nẵng chú trọng xúc tiến các thị trường quốc tế

Tuấn Vỹ 19/09/2024 02:41

Để tiếp cận được nhiều thị trường khách du lịch quốc tế, TP. Đà Nẵng đã tăng cường công tác xúc tiến để chuẩn bị cho mùa cao điểm tiếp theo.

Thông tin từ Cục thống kê Đà Nẵng, hoạt động du lịch của địa phương đã có sự phục hồi mạnh mẽ với nhiều chương trình hấp dẫn nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, do tháng tám là tháng cuối của kỳ nghỉ hè của học sinh, sinh viên và một số trường đã khai giảng năm học mới từ giữa tháng nên nhu cầu du lịch giảm dẫn đến doanh thu lưu trú, lữ hành trong tháng này cũng có giảm nhẹ so với những tháng đầu kỳ nghỉ hè.

Tính chung 8 tháng năm 2024, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 18.299 tỷ đồng. Tính chung 8 tháng năm 2024, tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 7,8 triệu lượt. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 2,8 triệu lượt, khách trong nước đạt 5,0 triệu lượt.

dn.jpg
Xúc tiến du lịch quốc tế là phương án đa dạng thị trường cho Đà Nẵng.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, giai đoạn cuối năm được xem là mùa du lịch thấp điểm nên việc tìm kiếm thêm nhiều thị trường khách quốc tế cần được chú trọng. Bởi lẽ, qua hoạt động xúc tiến quảng bá, ngành du lịch có thể giới thiệu tới các đối tác tại các thị trường trọng điểm về tiềm năng, thế mạnh, các sản phẩm du lịch, hoạt động sự kiện mà địa phương đang có. Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước gặp gỡ, kết nối với đối tác để trao đổi khách trong tương lai.

Để đa dạng hóa thị trường khách quốc tế, Đà Nẵng thời gian qua đã gặp gỡ, xúc tiến tại các thị trường lớn như Úc, Ấn Độ, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản,... Qua đây, tạo thêm nhiều cơ hội để các doanh nghiệp tìm kiếm được thêm thôi tác mới để phối hợp triển khai hoạt động du lịch.

Tại chương trình xúc tiến ở Úc, bà Trương Thị Hồng Hạnh – Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng đã quảng bá những sản phẩm độc đáo của địa phương cũng như sản phẩm chung “Miền di sản diệu kỳ” kết hợp với Quảng Nam và Đà Nẵng. Theo bà Hạnh, Với kết nối ngày càng thuận lợi thuận lợi từ các đường bay thẳng giữa Úc và Việt Nam, miền Trung Việt Nam được kỳ vọng sẽ là điểm đến du lịch sinh thái bền vững, nghỉ dưỡng biển, MICE và golf yêu thích của du khách Úc.

Thừa Thiên Huế là Cố đô của Việt Nam, mang trong mình 8 di sản thế giới với hệ thống kiến trúc, thành quách, cung điện, lăng tẩm, đình chùa… mang đậm bản sắc văn hóa đã được kết tinh qua nhiều thế kỷ hòa quyện với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Đà Nẵng là thành phố năng động, trẻ trung, là Điểm đến Lễ hội và Sự kiện hàng đầu Châu Á, đa dạng các tham quan trải nghiệm, vui chơi giải trí trên sông , biển và núi. Quảng Nam nổi tiếng với 02 di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn cùng sự góp mặt của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Mỗi địa phương miền Trung với đặc trưng riêng cùng làm nên một điểm đến diệu kỳ, đầy sức hấp dẫn, chào mời du khách khám phá và làm giàu những trải nghiệm”, bà Trương Thị Hồng Hạnh nói.

8a1f4cfa4afbefa5b6ea.jpg
Thời gian qua Đà Nẵng đã chú trọng làm việc với nhiều đối tác để tìm kiếm thêm nguôn khách du lịch với cùng với các thị trường truyền thống.

Cũng theo vị này, các địa phương kết hợp đều là điểm đến có môi trường xanh sạch đẹp, an ninh an toàn, các khu vui chơi giải trí đẳng cấp quốc tế, hệ thống 7 sân golf,…Bà Hạnh cũng khẳng định khách du lịch sẽ có một hành trình du lịch đa dạng màu sắc khi khám phá và tận hưởng trải nghiệm tại đây.

Ngoài xúc tiến, Đà Nẵng cũng đang chuẩn bị sản phẩm, dịch vụ ẩm thực dành cho thị trường khách Ấn Độ. Theo đánh giá của các doanh nghiệp, đây là thị trường tiềm năng và nếu công tác chuẩn bị chu đáo và quy trình rõ ràng, nhân viên được đào tạo tốt,... thì việc đón tiếp khách sẽ thuận lợi và mang lại nguồn khách lớn cho điểm đến.

Theo thống kê, Ấn Độ là một trong 10 quốc gia có lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam lớn nhất từ đầu năm 2022 đến nay. Tại Đà Nẵng, lượng khách du lịch Ấn Độ đến địa phương đang tăng trưởng mạnh trong những năm vừa qua, sau 8 tháng đầu năm 2024 thành phố đã đón được hơn 135.000 lượt khách, chiếm 43,2% trong tổng số khách Ấn Độ đến Việt Nam.

Một thuận lợi khác là dự kiến từ tháng 10/2024, Hãng hàng không Vietjet (Vietjet Air) sẽ khai thác chặng Đà Nẵng - Ahmedabad tần suất 2 chuyến/tuần. Cùng với đó, cuối tháng 9 này, Hãng hàng không Malaysia (Malaysia Airlines) sẽ bay trực tiếp từ Kuala Lumpur - Đà Nẵng với tần suất 7 chuyến/tuần, nâng tần suất đường bay từ Kuala Lumpur đến Đà Nẵng lên 28 chuyến/1 tuần. Đây cũng là một thị trường tiềm năng đối với du lịch Đà Nẵng.

Vị đại diện Công ty CP Vietnam Travel mart nhận định thời điểm hiện tại các doanh nghiệp nên tập trung vào các thị trường khách quốc tế trọng điểm hoặc các thị trường quốc tế tiềm năng. Theo vị này, một số thị trường truyền thống như Hàn Quốc có kỳ nghỉ Trung thu dài, nhiều khách chọn du lịch nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng và đây là cơ hội để các doanh nghiệp tận dụng.

Theo định hướng, Đà Nẵng sẽ tiếp tục phát triển và hoàn thiện 5 nhóm sản phẩm trụ cột là du lịch biển cao cấp, du lịch văn hóa – lịch sử, du lịch MICE, du lịch đô thị và du lịch sinh thái rừng núi – sông hồ. Tại đây, du lịch MICE được xem là nhóm sản phẩm trọng tâm vì Đà Nẵng hội đủ các yếu tố lợi thế để trở thành trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế.

Tuấn Vỹ