Kinh tế thế giới

FED giảm lãi suất, tiền gửi của doanh nghiệp Mỹ chảy đi đâu?

Nam Trần 19/09/2024 03:30

FED dự kiến liên tục giảm lãi suất đang khiến các khoản tiền gửi của giới doanh nghiệp Mỹ chảy sang các quỹ thị trường tiền tệ.

Wall Street
Các doanh nghiệp đang rút dòng tiền gửi sang các địa điểm khác sinh lời ổn định hơn (Ảnh: Los Angeles Times)

Các giám đốc tài chính của các công ty đã kiếm được thu nhập từ lãi suất cao kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang (FED) bắt đầu tăng lãi suất hai năm trước. Và khi Fed chuẩn bị giảm lãi suất, họ không muốn từ bỏ nguồn thu nhập ổn định này.

"Chúng tôi không dễ dàng từ bỏ nguồn lợi tức ổn định này" Zane Rowe, Giám đốc tài chính của Workday cho biết.

Một trong những chiến lược chính của các doanh nghiệp Mỹ sau khi lãi suất giảm là yêu cầu ngân hàng duy trì lãi suất tiền gửi cao.

Họ cũng có thể chuyển nhiều tiền mặt hơn vào các quỹ thị trường tiền tệ (money-market fund), nơi lãi suất giảm chậm hơn so với các khoản đầu tư ngắn hạn khác. “Khi lãi suất giảm, tiền thường chảy vào các quỹ thị trường tiền tệ. Đó là cách mọi việc diễn ra,” Peter Crane, Chủ tịch của Crane Data chia sẻ.

Quỹ thị trường tiền tệ là một loại quỹ đầu tư chuyên đầu tư vào các công cụ tài chính ngắn hạn có tính thanh khoản cao và rủi ro thấp, như tín phiếu kho bạc, trái phiếu ngắn hạn, và các khoản tiền gửi ngân hàng. Mục tiêu của các quỹ này là mang lại mức lợi nhuận ổn định trong ngắn hạn cho nhà đầu tư, đồng thời giữ vốn an toàn.

Sau đại dịch, các công ty đã giữ lượng tiền mặt lớn do lo ngại về kinh tế và họ đã được hưởng lợi lớn. Trong số các công ty thuộc S&P 500, tổng lượng tiền mặt và các khoản đầu tư ngắn hạn đã tăng 4% trong quý hai, đạt gần 8 nghìn tỷ USD so với hai năm trước, khi Fed bắt đầu tăng lãi suất. Thu nhập từ lãi và đầu tư đã lên tới 19,4 tỷ USD, gấp gần bốn lần so với cùng kỳ.

us-money-market-funds-2023-11-24-total-fed_quarterly.png
Quỹ thị trường tiền tệ là một lựa chọn của giới đầu tư Mỹ trong ngắn hạn (Ảnh: Wolf Street)

Các công ty ở Mỹ thường phân chia lượng tiền mặt của mình theo nhu cầu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, từ đó quyết định đầu tư vào đâu và trong bao lâu. Hiện tại, lãi suất trung bình của các quỹ thị trường tiền tệ ở Mỹ là 5,06%, trong khi lãi suất của trái phiếu kho bạc Mỹ 3 tháng và 2 năm lần lượt là 4,854% và 3,601%.

Sau khi FED bắt đầu cắt giảm lãi suất, lãi suất của các khoản đầu tư ngắn hạn sẽ giảm, đến mức các công ty sẽ khóa tiền mặt trong thời gian dài hơn. Tuy nhiên, quá trình này có thể mất một thời gian, vì các doanh nghiệp thường muốn thấy lãi suất trái phiếu 2 năm cao hơn trái phiếu 3 tháng trước khi quyết định đầu tư dài hạn.

“Chúng tôi đang suy nghĩ nhiều hơn về thời gian đầu tư,” Zane Rowe chia sẻ thêm, nhấn mạnh việc Workday giữ thái độ cẩn trọng nhưng sẽ tận dụng cơ hội khi thị trường lãi suất thay đổi.

Trong chu kỳ hiện tại, các công ty có thể phải chờ lâu hơn vì kỳ vọng về việc Fed cắt giảm lãi suất mạnh đã khiến lãi suất trái phiếu 2 năm giảm. “Thách thức lần này là chúng ta đang bước vào một chu kỳ với đường cong lãi suất rất đảo ngược,” Teresa Ho, Giám đốc chiến lược của JPMorgan Chase, giải thích.

Khi Fed cắt giảm lãi suất, các công ty có thể chuyển thêm tiền vào các quỹ thị trường tiền tệ vì lãi suất của các quỹ này mất thời gian để điều chỉnh sau cắt giảm lãi suất. Đồng thời, các doanh nghiệp sẽ thương lượng với ngân hàng để giữ lãi suất tiền gửi càng cao càng tốt.

“Nhiều ngân hàng lớn đã trả lãi suất cao cho tiền gửi của doanh nghiệp trong những năm gần đây, vì vậy việc hạ lãi suất tiền gửi khi Fed giảm lãi suất có thể mất thời gian," Peter Serene, Giám đốc tại Curinos, chia sẻ với WSJ.

Các doanh nghiệp cũng sẽ chú ý đến các thông tin từ Fed để biết hướng đi của nền kinh tế. Một trong những lý do các công ty giữ nhiều tiền mặt là do lo ngại suy thoái kinh tế.

Bên cạnh Mỹ, loại quỹ thị trường tiền tệ này cũng xuất hiện tại nhiều nền tài chính phát triển như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, và Singapore. Các mô hình kiểu này được lập ra để phục vụ nhu cầu đầu tư ngắn hạn của các cá nhân và doanh nghiệp, dù có thể được điều chỉnh để phù hợp với quy định tài chính nội địa và môi trường lãi suất trong khu vực.

Chẳng hạn, ở Trung Quốc, quỹ thị trường tiền tệ rất phổ biến với các sản phẩm như quỹ Yu'e Bao của Alibaba, thu hút lượng lớn người dùng vì dễ tiếp cận và mang lại lợi nhuận cao hơn so với các tài khoản tiết kiệm ngân hàng truyền thống. Singapore và Hồng Kông cũng có hệ thống quỹ tiền tệ phát triển, thu hút nhiều nhà đầu tư tổ chức và cá nhân.

Nam Trần