Giải quyết chồng lấn trong quy hoạch khoáng sản
Góp ý Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, các đại biểu đưa ra một số đề xuất nhằm giải quyết chồng lấn trong quy hoạch khoáng sản.
Theo đó, Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản (Dự thảo) được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và dự kiến sẽ được xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới. Dự thảo gồm 12 Chương với 117 Điều, trong đó, vấn đề quy hoạch khoáng sản nhận được nhiều sự quan tâm của các chuyên gia, đại biểu Quốc hội và Nhân dân.
Liên quan đến nội dung này, góp ý hoàn thiện Dự thảo, đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông cho hay, thực tiễn hiện nay, một số địa phương đang rất vướng mắc trong quy hoạch khoáng sản. Điển hình như quy hoạch khoáng sản là bô-xít đã ảnh hưởng, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc lập quy hoạch chưa bám sát tình hình phát triển, còn chồng lấn với quy hoạch khác, gây ách tắc cho sự phát triển.
“Do đó, cần bổ sung quy định về căn cứ quy hoạch khoáng sản là thực trạng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương tại khu vực có tiềm năng khoáng sản quy hoạch", đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị
Ngoài ra, đại biểu cũng chỉ ra thực tế, hiện nay, trên địa bàn một số tỉnh Tây Nguyên, việc quy hoạch bô-xít phân bố rộng, có huyện quy hoạch bô-xít chiếm khoảng 53% diện tích tự nhiên và có xã chiếm đến 90% nên diện tích quy hoạch bao trùm lên toàn bộ hoạt động đời sống kinh tế - xã hội của người dân cũng như các mỏ vật liệu xây dựng thông thường và tác động rất lớn đến việc thu hút, triển khai các dự án đầu tư. Đơn cử như tỉnh Đắk Nông, có khoảng hơn 1.000 dự án bị chồng lấn với quy hoạch bô-xít nên gần như không thể triển khai được.
Để giải quyết vấn đề này, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị, Dự thảo nên quy định các trường hợp không phải điều chỉnh quy hoạch và các trường hợp phải điều chỉnh quy hoạch để trình Quốc hội xem xét. Đồng thời, cần rà soát, bổ sung vào Dự thảo việc cấp phép cho các đơn vị khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng thông thường trong khu vực phát hiện có khoáng sản bô-xít, bao gồm cả những đơn vị chưa được cấp phép thăm dò, khai thác bô-xít, để đảm bảo không đứt gãy nguồn cung ứng vật liệu xây dựng cơ bản.
“Tôi đề nghị bổ sung trong nội dung quy hoạch khoáng sản là đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường, so sánh chi phí, lợi ích giữa việc lựa chọn vị trí, quy mô các khu vực có tiềm năng quy hoạch, khai thác khoáng sản so với việc triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội khác để làm cơ sở lựa chọn quy mô, diện tích khu vực quy hoạch khoáng sản cho phù hợp”, đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Thị Đôi, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La cho rằng, tài nguyên khoáng sản nằm trong lòng đất chưa thể phát hiện, đồng thời nhu cầu sử dụng thay đổi theo thực tế hằng năm, trong khi quy hoạch khoáng sản phụ thuộc vào nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội chung và của địa phương.
“Do đó, để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển chung thì Luật cần có quy định cho phép điều chỉnh, cập nhật quy hoạch khoáng sản định kỳ hằng năm”, đại biểu Hoàng Thị Đôi đề nghị.
Cũng chia sẻ quan điểm về chồng lấn trong quy hoạch, đại biểu Nguyễn Tạo, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh, sự chồng lấn về quy hoạch là rào cản trong quá trình, tiến trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương, vùng và quốc gia. Thực hiện Quyết định số 866/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì đối với việc thăm dò, khai thác khoáng sản bô-xít, sản xuất alumin, nhôm kim loại đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông, đảm bảo an ninh, quốc phòng, bảo vệ sinh thái vùng Tây Nguyên và phù hợp với Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, các công trình trọng điểm tại Tây Nguyên, đặc biệt là các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng chưa thể triển khai thực hiện do vướng về mặt pháp lý, chồng lấn về mặt quy hoạch vùng dự trữ mỏ khoáng sản, rất khó khăn cho địa phương trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất dự trữ khoáng sản để phát triển kinh tế xã hội.
Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét loại bỏ khỏi quy hoạch những vùng dự trữ mỏ khoáng sản có liên quan đến khu đô thị, dân cư nông thôn đã hình thành, tồn tại qua rất nhiều thế hệ (có nơi trên 30 năm) và liên quan đến các công trình trọng điểm nhằm phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của địa phương. Việc quản lý quy hoạch, quy hoạch dự trữ mỏ và khai thác khoáng sản cần phải được liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương và Trung ương, nhằm chịu trách nhiệm bảo đảm thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội mang tính khả thi cao nhất.
“Sự phân công, phối hợp theo quy định pháp luật giữa các ngành, các cấp là cần thiết để bảo đảm tính nhất quán và hiệu quả triển khai thực hiện, nhằm hạn chế và khắc phục những tồn tại, bất cập, chồng lấn trong quá trình triển khai thực hiện công tác quy hoạch; tháo gỡ những nút thắt, rào cản, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững kinh tế xã hội của đất nước ta trong thời gian sắp tới”, đại biểu này chia sẻ.