Những sai lầm khiến Tupperware phá sản
Chiến lược “bán trực tiếp” cổ lỗ đẩy Tupperware từ một thương hiệu đồ gia dụng nổi tiếng của tầng lớp trung lưu đến kết cục phá sản.
Quyết định nộp đơn xin giá sản là kết quả từ nhiều năm đối mặt với khó khăn tài chính, bất chấp việc trong đại dịch nhiều người phải nấu ăn ở nhà vì lệnh phong tỏa.
Nguyên nhân phá sản
Một công ty phá sản thường vì nhiều nguyên nhân. Trong một thông cáo báo chí về việc nộp đơn đăng ký phá sản, Tupperware tuyên bố “môi trường kinh tế vĩ mô đầy thách thức” đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính của mình.
Khi một công ty đổ lỗi cho “môi trường kinh tế vĩ mô”, điều này đồng nghĩa với việc họ đang chỉ đến những yếu tố rộng lớn, thứ mà bất kỳ công ty nào cũng chịu chung, chẳng hạn lạm phát khiến chi phí sản xuất tăng, lãi suất không phù hợp, sức mua người tiêu dùng không như ý, v.v..
Tuy nhiên câu chuyện của Tupperware không dừng lại ở đó.
Một điều đặc biệt đáng lưu ý là Tupper cho biết rằng trong nhiều thập kỷ qua, kênh bán hàng trực tiếp bằng các nhân viên bán hàng, hay còn gọi là “sales force”, “direct sales” là kênh bán hàng chủ đạo của họ. Thế nhưng theo thời gian, lực lượng sales force không còn hoạt động hiệu quả như xưa. Hay nói cách khác, điểm mạnh direct sales của họ đã biến thành điểm yếu chết người.
Không mạnh về bán hàng trực tuyến
Tupperware cho biết gần 90% doanh số trong năm 2023 đến từ kênh direct sales. Đó là một tỷ lệ đáng kinh ngạc, đặc biệt khi thương mại điện tử đã xuất hiện từ những năm 1990. Và đáng kinh ngạc hơn khi trong thời đại số, đến tháng 6/2022 Tupperware mới mở cửa hàng trên Amazon. Đến tháng 10 cùng năm, họ có mặt trên Target.
Nhìn vào những mốc thời gian này, nếu nói rằng Tupperware chậm chân trong cuộc chơi bán hàng trên mạng thì đó đã là nói giảm nói tránh rất nhiều!
Nộp đơn phá sản, Tupperware sẽ làm gì tiếp theo?
Nếu tòa án phê duyệt đơn xin phá sản, Tupperware có thể thực hiện chiến lược tái cấu trúc. Họ cho biết mình sẽ tiếp tục bán hàng trong quá trình xử lý phá sản thông qua các kênh bán hàng trực tiếp, trực tuyến và tại các cửa hàng bán lẻ.
Đồng thời, Tupperware còn muốn xin tòa án “tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán hàng để bảo vệ thương hiệu và thúc đẩy quá trình chuyển đổi Tupperware thành một công ty dẫn đầu về công nghệ, kỹ thuật số”. Chưa biết họ tính gì đến “công nghệ”, “kỹ thuật số”. Đó có thể chỉ là những chiến lược giúp doanh số bán hàng trực tuyến chiếm tỷ trọng cao hơn.
Cạnh tranh trên thị trường trực tuyến rất khốc liệt
Trên thị trường trực tuyến, Tupperware cũng sẽ đối mặt với những thách thức cực lớn.
Trong hồ sơ xin phá sản, họ nói rằng ngay cả khi mở cửa hàng trên Amazon, khách hàng tìm kiếm Tupperware, thì kết quả trả về vẫn kèm theo rất nhiều quảng cáo từ các thương hiệu cùng ngành, cùng phân khúc, khiến chiến lược bán hàng trên Amazon của họ không hiệu quả.
Về dự án tái cấu trúc, Tupperware chia sẻ rằng chiến lược chính là tăng cường tiếp thị và quảng bá nhằm nắm bắt nhu cầu hiện tại và tạo thêm doanh số bán hàng.
Tupperware Brands Corporation, đơn vị sở hữu thương hiệu Tupperware, thành lập năm 1938. Trên sàn giao dịch chứng khoán, cổ phiếu của họ từng đạt mốc cao kỷ lục 74 USD vào tháng 4/2017. Thế nhưng tính đến thời điểm này (sau khi Tupperware nộp đơn phá sản), cổ phiếu chỉ còn chưa đến 51 xu.