PCI Quảng Trị: Cải cách hành chính - “đòn bẩy” thu hút đầu tư
Tỉnh Quảng Trị đã nghiên cứu một cách nghiêm túc, có chiều sâu và chuẩn bị cho mình những nền tảng cơ bản để đón đầu làn sóng đầu tư.
Trong những năm qua, tỉnh Quảng Trị luôn xác định tạo đột phá từ cải cách hành chính, chuyển từ nền hành chính quản trị sang nền hành chính phục vụ, tạo môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi nhất cho nhà đầu tư. Théo đó, lãnh đạo tỉnh thường xuyên chỉ đạo quyết liệt trong việc đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, hướng đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Quyết tâm cải thiện
Trong năm 2023, Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đối với công tác cải cách hành chính, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Quảng Trị như: Chương trình hành động số 58-CTr/TU ngày 31/3/2023 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Trị khóa XVII thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng – an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; Chỉ thị số 35-CT/TU ngày 11/12/2023 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác cải cách hành chính, nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ, góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Bên cạnh đó, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy; Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành và địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; các chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp, khởi nghiệp doanh nghiệp.
Nhờ đó, tỉnh được người dân, doanh nghiệp đánh giá có sự cải thiện đáng kể trong công tác cải cách. Năm 2023, Tổng điểm PAR INDEX của tỉnh Quảng Trị đạt 86,25/100 điểm, xếp thứ 41/63 tỉnh, thành, tăng 11 bậc so với năm 2022. Kết quả chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (Chỉ số SIPAS) năm 2023 của tỉnh Quảng Trị đạt 79,46%, xếp thứ 53/63 tỉnh, thành, tăng 2 bậc so với năm 2022. Chỉ số PAPI 2023 tỉnh Quảng Trị đạt tổng điểm là 42,7705 xếp thứ 26/63 tỉnh, thành, tăng 11 bậc so với năm 2022.
Theo kết quả đánh giá Chỉ số PCI năm 2023 của VCCI, tỉnh Quảng Trị đạt tổng điểm là 63,23 điểm, tăng 1,97 điểm so với năm 2022. Trong 10 Chỉ số thành phần PCI, Quảng Trị có 05 Chỉ số cải thiện, tăng điểm gồm: Chỉ số Gia nhập thị trường; Chỉ số Tiếp cận đất đai; Chỉ số Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; Chỉ số Tính minh bạch; Chỉ số Đào tạo lao động.
Bên cạnh đó, cũng có 05 Chỉ số chưa được cải thiện và giảm điểm, gồm: Chỉ số Chi phí thời gian; Chỉ số Chi phí không chính thức; Chỉ số Cạnh tranh bình đẳng; Chỉ số Tính năng động của chính quyền tỉnh; Chỉ số Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Qua đó cho thấy vẫn còn những tồn tại về cách giải quyết thủ tục hành chính, ít có sáng kiến về CCHC được áp dụng trong toàn tỉnh; Chi phí không chính thức vẫn tăng; môi trường kinh doanh bình đẳng được doanh nghiệp đánh giá giảm sút; công tác giải ngân vốn đầu tư còn chậm; mức độ thu hút đầu tư còn hạn chế so với tiềm năng...
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng nhận định, CCHC là đầu tư cho sự phát triển bền vững, đề nghị các ngành, đơn vị cần tập trung chỉ đạo quyết liệt; có các giải pháp khắc phục những hạn chế, điểm nghẽn; chủ động nghiên cứu, tìm kiếm hoặc tham khảo các sáng kiến, mô hình mới, cách làm hiệu quả để áp dụng, tạo bước đột phá trong công tác CCHC; Quán triệt, chỉ đạo cấp dưới thực hiện nghiêm công tác phối hợp trong giải quyết thủ tục hành chính, giải quyết kiến nghị của nhà đầu tư và doanh nghiệp nhằm tạo môi trường kinh doanh năng động, minh bạch để các nhà đầu tư và doanh nghiệp yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.
Được biết, ngay từ đầu năm 2024, UBND tỉnh Quảng Trị đã kịp thời ban hành Quyết định số 410/QĐ-UBND ngày 26/02/2024 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024. Mục tiêu của tỉnh là phấn đấu tổng điểm PCI năm 2025 đạt từ 67,23 điểm trở lên và xếp thứ hạng 30/63, nằm trong nhóm 30 tỉnh/thành phố có điểm số cao của các địa phương.
Hiện nay, các Sở, ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã cũng đang tích cực bám sát 07 nhiệm vụ, giải pháp chính của Nghị quyết số 02/NQ-CP, cụ thể là: (1) Tháo gỡ bất cập pháp lý trong thực hiện dự án đầu tư; (2) Nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh; (3) Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đẩy mạnh cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa và triển khai hiệu quả Cổng thông tin một cửa quốc gia; (4) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước để nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính; (5) Tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp; (6) Hoàn thiện chính sách nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững; (7) Nâng cao chất lượng các dịch vụ phát triển kinh doanh.
Sẵn sàng đón làn sóng đầu tư
Tỉnh Quảng Trị đang nỗ lực chuyển mình mạnh mẽ để khai thác hiệu quả các tiềm năng sẵn có, đưa lợi thế của địa phương trở thành bàn đạp để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Quảng Trị trong thời gian tới. Tỉnh Quảng Trị đã nghiên cứu một cách nghiêm túc, có chiều sâu và chuẩn bị cho mình những nền tảng cơ bản để đón đầu làn sóng đầu tư.
Thứ nhất, nghiên cứu, đánh giá tổng thể và xây dựng chiến lược quy hoạch phát triển địa phương đến năm 2030 và đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1737/QĐ-TTg ngày 29/12/2023. Trong đó, xác định 04 mục tiêu chiến lược phát triển, tổ chức không gian phát triển bao gồm cấu trúc có 02 vùng trọng điểm kinh tế và 04 hành lang kinh tế động lực. Đồng thời rà soát, cập nhật và hoàn thiện các quy hoạch có liên quan nhằm xây dựng nền tảng pháp lý đồng bộ, thống nhất và toàn diện, làm cơ sở để thu hút, triển khai các dự án đầu tư trong dài hạn.
Thứ hai, trên cơ sở cập nhật xu hướng chuyển dịch của dòng vốn toàn cầu, tỉnh Quảng Trị đã ban hành đề án định hướng thu hút đầu tư của tỉnh trong giai đoạn tới tại Quyết định số 447/QĐ-UBND ngày 16/3/2023; Trong đó xác định các ngành, lĩnh vực, dự án, đối tác trọng tâm, trọng điểm để tập trung huy động các nguồn lực tiếp cận, thu hút. Tỉnh đồng thời xây dựng danh mục các dự án ưu tiên thu hút đầu tư tại các địa bàn cụ thể nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát và lựa chọn đầu tư. Định hướng thu hút đầu tư còn được cụ thể hóa bằng các hoạt động, nhiệm vụ ban hành tại Chương trình xúc tiến đầu tư hàng năm.
Thứ ba, tỉnh Quảng Trị đã nổ lực dành ngân sách để chuẩn bị những nền tảng cơ bản nhất tạo thuận lợi, hỗ trợ cho hoạt động đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đó là, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với phát triển nguồn nhân lực, tạo tiền đề thúc đẩy hoạt động đầu tư; Triển khai quyết liệt và có hiệu quả công tác chuyển đổi số trên cả 03 nền tảng; tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư, doanh nghiệp được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định chung của Chính phủ; ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của địa phương trong các ngành, lĩnh vực; tỉnh luôn quan tâm hỗ trợ nhà đầu tư trong thực hiện các thủ tục hành chính và triển khai đầu tư, xây dựng, vận hành dự án; Quyết liệt chỉ đạo các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị phải đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng tin tưởng, với các nỗ lực mạnh mẽ để cải thiện môi trường đầu tư, tạo lập chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, trong thời gian tới tỉnh Quảng Trị sẽ là một trong những điểm đến hấp dẫn, đầy hứa hẹn dành cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cam kết luôn sát cánh, đồng hành với nhà đầu tư, làm cầu nối tích cực. Đặc biệt, tỉnh tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sẵn sàng tạo mọi điều kiện để nhà đầu tư tiếp cận các nguồn lực, biến ý tưởng thành hiện thực, cùng tỉnh hiện thực hóa các mục tiêu trong Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hiện nay, thời gian trung bình giải quyết thủ tục đăng ký doanh nghiệp tại Quảng Trị là 1,89 ngày, nhanh hơn so với quy định tại Luật Doanh nghiệp (3 ngày làm việc); rút ngắn thời gian tham gia ý kiến trong thẩm định chủ trương đầu tư dự án từ 15 ngày xuống còn 10 ngày làm việc. Bên cạnh đó, mô hình “ngày thứ 2 không chờ” đối với một số thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đăng ký kinh doanh đã mang lại hiệu quả tích cực, nâng cao được chất lượng dịch vụ hành chính, chất lượng phục vụ cho tổ chức, cá nhân.