Kinh tế địa phương

Kiểm kê khí nhà kính, doanh nghiệp Nghệ An đã sẵn sàng?

Hồng Quang 19/09/2024 08:45

Hàng chục doanh nghiệp có lượng phát thải lớn ở Nghệ An chuẩn bị phải đối diện với “kỳ thi” kiểm kê khí nhà kính sắp tới…

Một số doanh nghiệp đóng trên địa bàn vẫn còn tỏ ra khá lúng túng, chưa thực sự chú trọng vấn đề trên. Tuy nhiên, đó chỉ là số ít. Bởi, nhiều doanh nghiệp phát thải khí nhà kính lớn hiện nay đã định hình cho mình chiến lược phát triển dài hạn, bắt đầu quá trình chuyển đổi để hướng tới “xanh hóa” trong sản xuất lẫn kinh doanh.

Ảnh 1
Nhiều doanh nghiệp có lượng phát thải lớn trên địa bàn tỉnh Nghệ An phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. (Ảnh tư liệu)

Kiểm kê hàng loạt doanh nghiệp lớn

Quay trở lại hồi trung tuần tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg ngày 13/8/2024 về việc ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cập nhập năm 2024. Trong đó, các lĩnh vực phải thực hiện việc kiểm kê khí nhà kính, bao gồm: Năng lượng, giao thông vận tải, xây dựng, các quá trình công nghiệp; nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất; chất thải.

Riêng tại địa bàn tỉnh Nghệ An, có 37 doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực khác nhau thuộc diện phải kiểm kê phát thải khí nhà kính theo Quyết định nêu trên. Cụ thể, về ngành Công Thương, địa phương có 24 doanh nghiệp phải kiểm kê, điển hình như: Công ty Dệt may Hoàng Thị Loan, chuyên sản xuất sợi, sử dụng 4.090 TOE; Công ty CP Tập đoàn bao bì Sài Gòn, sử dụng 1.443 TOE; Công ty TNHH Hoa Sen Nghệ An sử dụng 26.348 TOE;…

Hay các cơ sở chuyên sản xuất bột đá siêu mịn, tiêu thụ năng lượng trên 1.000 TOE như: Công ty CP khoáng sản Á Châu, Công ty CP khoáng sản Toàn Cầu, Công ty CP Bột đá trắng Thọ Hợp. Các doanh nghiệp sản xuất thuộc Khu công nghiệp VSIP, xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên cũng thuộc diện phải kiểm kê phát thải khí nhà kính, bao gồm: Công ty TNHH Merry&Luxshare Việt Nam, Công ty TNHH Innovative Manufacturing Solutions Việt Nam, Công ty TNHH Luxshare – ICT, Công ty TNHH Biomass Fuel Việt Nam.

Bên cạnh đó, 8 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực giao thông vận tải là: Công ty TNHH Hòa Hiệp, Công ty TNHH Hợp Mạnh, Công ty TNHH Mai Linh, Công ty TNHH Thanh Thành Đạt, Công ty TNHH Trường An, Công ty TNHH vận tải dịch vụ và thương mại Thạch Thành; Tổng Công ty Thương mại và Xây dựng Đông Bắc, chi nhánh Nghệ An; Công ty CP vận tải và dịch vụ Petrolimex Nghệ Tĩnh.

Ảnh 3
Ngành giao thông vận tải là một trong những ngành có lượng phát thải khí nhà kính lớn, gây ảnh hưởng đến môi trường.

Đáng chú ý, Nghệ An có 5 cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính thuộc ngành xây dựng, bao gồm: Nhà máy xi măng Tân Thắng, Công ty xi măng Tân Thắng; Nhà máy xi măng Sông Lam 1, Tập đoàn The Vissai; Nhà máy xi măng Sông Lam 2, Tập đoàn The Vissai; Nhà máy xi măng Công ty CP xi măng Vicem Hoàng Mai; Công ty CP xi măng sông Lam.

Ngoài ra, trên lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường, địa phương cũng có 1 đơn vị phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính là Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên, tại xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc. Được biết, cơ sở này chuyên xử lý chất thải hợp vệ sinh, đốt chất thải, với công suất xử lý 182.500 tấn/năm.

Ảnh 4.
Tình trạng ô nhiễm môi trường tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An đã kéo dài nhiều năm.

Doanh nghiệp phản ứng ra sao?

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các cơ sở phát thải khí nhà kính thực hiện kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở theo hướng dẫn của các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường; nộp báo cáo kiểm kê khí nhà kính của cơ sở theo Nghị định của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc có liên quan đôn đốc các cơ sở phát thải khí nhà kính trên địa bàn thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo quy định. Cập nhật, điều chỉnh danh mục cơ sở phát thải khí nhà kính trên địa bàn phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ quản lý lĩnh vực có liên quan theo quy định.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã cho ý kiến: Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung theo hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường; chủ động tham mưu UBND tỉnh đề xuất các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định các vấn đề có liên quan theo đúng quy định của pháp luật.

Qua tìm hiểu của Diễn đàn Doanh nghiệp, hiện tại vẫn còn một số cơ sở trên địa bàn tỉnh chưa nắm bắt rõ vấn đề này để chuẩn bị thực hiện việc báo cáo liên quan đến kiểm kê khí nhà kính. Tuy nhiên, đó chỉ là số ít. Bởi, nhiều doanh nghiệp phát thải khí nhà kính hiện đã đầu tư chuyển đổi công nghệ, máy móc hiện đại nhằm tuân thủ nghiêm ngặt, theo đúng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường.

Nhớ lại cách đây 2 tháng, vào ngày 19/7, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An đã tổ chức kiểm tra, xem xét các công trình bảo vệ môi trường, công bố kết quả quan trắc chất lượng khí thải Lò đốt tại Nhà máy sản xuất viên nén sinh khối của Công ty TNHH Biomass Fuel Việt Nam tại Khu công nghiệp VSIP Nghệ An, xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

Tại đây, ông Đoàn Văn Đại – Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam đã đề nghị đại diện Công ty TNHH Biomass Fuel Việt Nam và đại diện Công ty TNHH VSIP Nghệ An công bố kết quả lấy mẫu, phân tích chất lượng khí thải Lò đốt (2 đơn vị lấy mẫu và phân tích độc lập để đảm bảo tính khách quan), cụ thể như sau: Qua 3 kết quả chất lượng khí thải Lò đốt sau khi xử lý cho thấy các chỉ tiêu đều thấp hơn rất nhiều so với ngưỡng cho phép đặc biệt là các thông số chất hữu cơ.

Ảnh 5
Kiểm kê phát thải khí nhà kính được nhiều chuyên gia đánh giá là hoạt động quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát triển “xanh” bền vững.

Về chiến lược phát triển dài hạn trong thời gian tới, đại đa số các doanh nghiệp có lượng phát thải lớn ở Nghệ An đều chung một mục tiêu, đó là tiến tới hành trình “xanh hóa” cả trong hoạt động sản xuất lẫn kinh doanh.

Đơn cử như ý kiến của ông Nguyễn Cảnh Thắng – Giám đốc Công ty TNHH Mai Linh Nghệ An: Là đơn vị vận hành, kinh doanh vận tải hành khách, chúng tôi đang bắt đầu đưa ra lộ trình để chuyển dịch dần sang kinh doanh “xanh”, phù hợp với yêu cầu và xu thế chung hiện nay. Cụ thể, tương lai sẽ đầu tư, đưa vào sử dụng các dòng xe điện và xe hybrid có mức tiêu thụ nhiên liệu ít hơn so với xe sử dụng động cơ đốt trong thông thường để kinh doanh vận tải hành khách; qua đó, góp phần làm giảm khả năng phát thải ra môi trường.

Hồng Quang