Kinh tế địa phương

Hải Dương phát triển kinh tế nông nghiệp xanh, tuần hoàn

VŨ PHƯỜNG - KIM DUNG 19/09/2024 08:56

Ngành nông nghiệp tỉnh Hải Dương đang hướng đến mục tiêu phát triển nhanh, toàn diện, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn…

Nhìn lại bức tranh tổng thể ngành nông nghiệp của tỉnh Hải Dương những năm gần đây cho thấy có nhiều bứt phá nổi bật. Tỉnh đang khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế để phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế hàng hóa cao theo hướng kinh tế tuần hoàn. Đây cũng là hướng mở đưa ngành nông nghiệp Hải Dương phát triển bền vững.

HTX Tân Minh Đức
Vùng trồng dưa lưới tại Hợp tác xã Tân Minh Đức, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân (Ảnh: Vũ Phường)

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ

Theo bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Hải Dương, việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp có vai trò hết sức quan trọng để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp đi vào chiều sâu và chất lượng. Việc này giúp nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh của các mặt hàng nông sản, tăng thu nhập cho nông dân, đồng thời sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thời gian qua, Hải Dương đã áp dụng nhiều mô hình, giải pháp hướng tới sản xuất nông nghiệp theo tiêu chí tuần hoàn bền vững, như: áp dụng quy trình sản xuất lúa "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm"; quản lý dịch hại tổng hợp IPM, quản lý dịch hại tổng hợp gắn với nông nghiệp sinh thái IPHM; sản xuất theo quy trình GAP, hữu cơ; đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.

Đặc biệt, bà Kiểm cho biết, tỉnh luôn khuyến khích nông dân áp dụng các công nghệ hiện đại như tưới nhỏ giọt, nhà màng, nhà kính và các hệ thống tự động hóa để giảm thiểu sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải và tăng năng suất cây trồng. Công nghệ này giúp tiết kiệm nước, phân bón và hạn chế các tác động tiêu cực đến môi trường.

Đồng thời, Hải Dương tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ, tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp để làm phân bón; không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học nhằm cải thiện chất lượng đất và tạo ra các sản phẩm nông sản an toàn, thân thiện với môi trường.

Để hướng tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ chế biến, nhằm gia tăng giá trị cho nông sản, giảm phụ thuộc vào xuất khẩu thô và nâng cao chất lượng sản phẩm. Hải Dương cũng đã xây dựng chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân trong quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Điều này không chỉ đảm bảo đầu ra cho sản phẩm mà còn giúp duy trì sự bền vững trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương giới thiệu các nông sản chủ lực của tỉnh đến các đại biểu và du khách
Bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc NNPTNT tỉnh Hải Dương giới thiệu các nông sản chủ lực của tỉnh đến các đại biểu và du khách tại Sự kiện giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm vải thiều Thanh Hà và các nông sản chủ lực của tỉnh Hải Dương năm 2024 diễn ra tại Quảng Ninh

Thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao

Theo Sở NNPTNT, Hải Dương định hướng trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng. Một diện tích rất lớn đất nông nghiệp sẽ phải chuyển đổi mục đích sang công nghiệp để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Do đó, để giải quyết bài toán vừa giảm diện tích đất nông nghiệp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vừa phát triển sản xuất nông nghiệp, không còn con đường nào khác là cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá tập trung, thu hút các doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nâng cao giá trị hàng hoá, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Trên cơ sở đó, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp và chính sách nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, tập trung vào việc xây dựng hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp.

Ông Bùi Văn Thăng, Giám đốc Sở NNPTNT Hải Dương cho biết, tỉnh đã quy hoạch và xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao với hạ tầng hiện đại, cung cấp đất đai và điều kiện sản xuất thuận lợi cho các doanh nghiệp. Các khu này được trang bị hệ thống tưới tiêu tự động, nhà màng, nhà kính và các tiện ích khác hỗ trợ sản xuất.

Các doanh nghiệp khi đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao ở Hải Dương sẽ được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế đất và phí hạ tầng. Cùng với đó, tỉnh Hải Dương phối hợp với các ngân hàng và tổ chức tài chính cung cấp các gói tín dụng ưu đãi cho các dự án nông nghiệp công nghệ cao, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn để mở rộng sản xuất.

Theo Giám đốc Sở NNPTNT Hải Dương Bùi Văn Thăng, trong tiến trình cải cách hành chính đang được đẩy mạnh như hiện nay, SỞ NNPTNT cùng với các sở, ngành trong tỉnh luôn chú trọng việc cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa các quy trình cấp phép, đăng ký đầu tư và các thủ tục liên quan đến các dự án phát triển nông nghiệp. Điều này giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp tiết kiệm nhiều chi phí thời gian và các chi phí khác khi thực hiện các dự án đầu tư.

Phát triển bền vững các sản phẩm OCOP

Tỉnh Hải Dương đã và đang triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị kinh tế của các sản phẩm nông nghiệp, thủ công và đặc sản địa phương. Việc xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP giúp tỉnh tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, mang tính đặc trưng vùng miền, qua đó góp phần phát triển kinh tế nông thôn bền vững.

Tính đến năm 2024, tỉnh Hải Dương đã phát triển 351 sản phẩm OCOP, bao gồm 118 sản phẩm OCOP 4 sao; 231 sản phẩm OCOP 3 sao. Ngoài ra, tỉnh có hai sản phẩm tiềm năng đạt OCOP 5 sao là bánh đậu xanh Rồng Vàng Hoàng Gia và vải tươi Queen Thanh Ha Lychee.

Việt Ý
Sản phẩm mật ong sữa ong chúa của công ty CP Ong mật Việt Ý (TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương)

Theo đánh giá, OCOP đã và đang thực sự trở thành phong trào thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo ở nông thôn, là hướng đi đúng, kịp thời và nhận được hưởng ứng tích cực từ người dân. Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền, Giám đốc công ty CP Ong mật Việt Ý (TP Chí Linh, Hải Dương) cho rằng, sau khi thực hiện chương trình OCOP, các sản phẩm từ mật ong của doanh nghiệp chị đã dần tạo dựng được thương hiệu và “tiếng vang” trên thị trường.

Các sản phẩm của Việt Ý hiện nay bao gồm mật ong hoa vải, mật ong hoa dẻ, mật ong hoa táo, mật ong sữa ong chúa, hộp thạch collagen jelly,… đều xuất phát từ thiên nhiên, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người, đã được đánh giá 3 sao OCOP. Theo chị Nguyễn Thị Thanh Huyền, việc được công nhận sản phẩm OCOP như có thêm “tấm vé thông hành” để đưa sản phẩm của doanh nghiệp có mặt tại hệ thống siêu thị ở trong và ngoài tỉnh, sàn thương mại điện tử. Thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới mẫu mã, bao bì và mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt chú trọng tới xuất khẩu để đưa thương hiệu mật ong của Hải Dương nói riêng, mật ong Việt Nam nói chung tới đông đảo khách hàng trên Thế giới.

Tương tự, Hợp tác xã sản xuất và thương mại thủy sản Xuyên Việt (Xuyên Việt Coop) huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, là một trong những mô hình nổi bật trong việc ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng thủy sản công nghệ cao, góp phần làm nâng cao vị thế của ngành thủy sản trong nước.

Xuyên Việt
Mô hình nuôi trồng thủy sản tại HTX sản xuất và thương mại thủy sản Xuyên Việt (Xuyên Việt Coop) huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương

Được thành lập từ năm 2011, đến nay Xuyên Việt Coop đã vươn lên trở thành một trong những đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực thủy sản, cung cấp đa dạng các dịch vụ chất lượng cao cho ngành nông nghiệp, như: cung ứng sản phẩm và kinh doanh đầu vào cho các hệ thống farm nuôi trồng thủy sản; Dịch vụ bao tiêu và kinh doanh đầu ra cho các hệ thống farm nuôi trồng thủy sản; Dịch vụ quy hoạch vùng nuôi và farm nuôi với quy mô lớn; Dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật và chuyển giao công nghệ cho các hệ thống farm nuôi trồng thủy sản,…

Đến nay, Xuyên Việt Coop đã sản xuất được 6 sản phẩm OCOP và nhiều sản phẩm từ các đối tượng gia tăng từ cá. Các sản phẩm của Xuyên Việt đã được bày bán tại nhiều hệ thống siêu thị, dần được khách hàng ưa chuộng, sử dụng.

Anh Lê Văn Việt, Chủ tịch HTX cho biết, các chính sách của Nhà nước luôn luôn ưu tiên đối với ngành nông nghiệp để hướng tới phát triển bền vững, đảm bảo an ninh lương thực. Mỗi sản phẩm OCOP của HTX đều được tỉnh hỗ trợ xây dựng thương hiệu, chứng nhận về an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn sản xuất. Thương hiệu mạnh giúp các sản phẩm OCOP có sự nhận diện cao trên thị trường và tăng cường giá trị kinh tế. Tuy nhiên, anh Việt cho rằng, ngành nông nghiệp thường chịu ảnh hưởng tới từ cơ chế và biến động thị trường, nên mong muốn chính quyền tỉnh Hải Dương dành những quan tâm đặc biệt, cơ chế ưu đãi hơn nữa đối với các doanh nghiệp nhỏ, HTX đầu tư trong ngành nông nghiệp. Đồng thời, để nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, doanh nghiệp, HTX cần ứng dụng nhiều hơn nữa các thành tựu khoa học công nghệ, mở rộng thị trường tiêu thụ ra thế giới để tạo dựng thương hiệu và phát triển ngành nông nghiệp nước nhà.

VŨ PHƯỜNG - KIM DUNG