Tự động hóa đã trở thành nền tảng cho sự phát triển bền vững
Trong những năm gần đây, tự động hóa đã trở thành xu hướng mà nhiều doanh nghiệp hướng tới và trở thành nền tảng cho sự phát triển bền vững.
Nội dung trên được Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TPHCM (VCCI HCM) Trần Ngọc Liêm nêu tại Hội thảo “Tăng cường hiệu suất và lợi nhuận cho doanh nghiệp thông qua dây chuyền tự động hóa”. Sự kiện do VCCI HCM phối hợp cùng Công ty Min Sen Machinery (Thái Lan) tổ chức sáng ngày 19/09, tại TPHCM.
Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc VCCI HCM Trần Ngọc Liêm cho biết, trong những năm gần đây, tự động hóa đã trở thành xu hướng mà nhiều doanh nghiệp hướng tới và trở thành nền tảng cho sự phát triển bền vững. Thị trường tự động hóa dự kiến tăng trưởng gấp 3 lần trong 5 năm tới.
Dẫn số liệu báo cáo từ hãng nghiên cứu thị trường Research and Markets và Zion Market Research, ông Trần Ngọc Liêm cho biết, thị trường siêu tự động hóa dự báo chạm mốc 26 tỷ USD vào năm 2028. Thị trường robot công nghiệp dự kiến sẽ tăng từ 15,7 tỷ USD vào năm 2022 lên 30,8 tỷ USD vào năm 2027.
Ông cho rằng, nhờ thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp việc ứng dụng tự động hóa trong sản xuất đang ngày càng được đẩy mạnh nhanh chóng. Nhiều doanh nghiệp ban đầu lo sợ việc đầu tư cho các dây chuyền sản xuất công nghệ mớisẽ tốn nhiều chi phí, việc đào tạo nhân sự để sử dụng sẽ mất nhiều thời gian và máy móc theo thời gian có thể trở nên lỗi thời nếu không ứng dụng các công nghệ sản xuất hiện đại.
“Thực tế chính kết quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã giúp các doanh nghiệp sản xuất giải quyết bài toán kinh tế, đầu tư thông minh, hiệu quả. Đó chính là cơ sở để nâng cao vị thế cạnh tranh, giúp doanh nghiệp đứng vững trên thị trường khốc liệt”, Giám đốc VCCI HCM Trần Ngọc Liêm đánh giá.
Cũng theo Giám đốc VCCI HCM Trần Ngọc Liêm, tự động hóa được ứng dụng rộng rãi trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau: sản xuất, gia công cơ khí, dây chuyền lắp ráp tự động, ứng dụng kiểm soát chất lượng… Đơn cử như trong sản xuất ngành dược mỹ phẩm, dây chuyền sản xuất đóng gói tự động rất quan trọng để đảm bảo đóng gói an toàn và đúng quy trình của các loại thuốc, mỹ phẩm đảm bảo chất lượng của chúng và bảo vệ khỏi các yếu tố bên ngoài như độ ẩm, ánh sáng. Hệ thống các máy đóng gói tiên tiến đã được phát triển để thực hiện các công việc đóng gói phức tạp và đa dạng giúp tăng hiệu quả và độ chính xác trong quá trình đóng gói, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào lao động con người.
Với khả năng hoạt động liên tục không ngừng nghỉ của các loại máy móc tự động, quy trình sản xuất của doanh nghiệp không bị gián đoạn so với hoạt động thủ công truyền thống. Đầu tư hệ thống tự động hóa giúp doanh nghiệp tối ưu quản trị, đảm bảo an toàn cho người lao động, tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm chi phí nhân công.
Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, Giám đốc VCCI HCM Trần Ngọc Liêm đánh giá, dịch COVID-19 như một cú hích để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và tự động hóa sản xuất kinh doanh diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn. Nhờ sự phát triển của Internet và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà tự động hóa được xem là một yếu tố then chốt, tất yếu để giúp các doanh nghiệp phát triển và nâng cao vị thế cạnh tranh trên thị trường. Theo thống kê có tới hơn 90% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam áp dụng công nghệ tự động hoá để tăng cường năng lực sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, ông Liêm cho rằng, ở các doanh nghiệp Việt, mức độ ứng dụng tự động hóa vẫn còn khá thấp. Điều này có thể xem là cơ hội cho những doanh nghiệp hoặc những nhà cung cấp các giải pháp tự động hóa khi mà họ còn rất nhiều "đất" để tiếp tục cải tiến, đổi mới, nâng cấp các quy trình mức độ cao hơn và phức tạp hơn.
“Nền công nghiệp 4.0 phát triển với tốc độ đáng ngạc nhiên và dự đoán sẽ đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Đây là cơ hội và cũng là thách thức cho các nhà sản xuất để tăng tốc chiến lược và đáp ứng yêu cầu của khách hàng một cách hiệu quả”, Giám đốc VCCI HCM Trần Ngọc Liêm đánh giá.