Cơ hội mới cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu và logistics Hải Phòng
Cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu và logistics sẽ được hưởng lợi nhiều từ việc xây dựng cảng Nam Đồ Sơn trở thành cảng trung chuyển quốc tế.
Đó là nhận định của ông Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, đồng chủ tịch Hiệp hội Logistics Hải Phòng về dự án xây dựng Cảng tổng hợp Nam Đồ Sơn.
Dự án cảng trung chuyển quốc tế trị giá tỷ đô
Năm 2023, UBND thành phố Hải Phòng cùng Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC), CTCP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel, SGT), Công ty Energy Capital Vietnam (ECV) với Cảng Los Angeles - Hoa Kỳ (POLA) đã cùng thỏa thuận hợp tác nghiên cứu phát triển dự án Cảng tổng hợp Nam Đồ Sơn với mục tiêu trở thành cửa ngõ trung chuyển hàng hóa nội địa và quốc tế. Cảng Nam Đồ Sơn chủ yếu nằm trên địa bàn huyện Kiến Thụy, phía Đông Nam TP. Hải Phòng.
Dự án cảng Nam Đồ Sơn có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 5 tỷ USD, tương đương 120.000 tỷ đồng. Diện tích của cảng khoảng 5.000ha (tương đương 50 km2), lớn gấp hơn 6 lần diện tích quận 1, TP. HCM và hơn 9 lần diện tích quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Dự kiến, khu bến Nam Đồ Sơn sẽ có năng lực đón tàu container sức chở đến 18.000 container; tàu tổng hợp, hàng rời đến 200.000 tấn; tàu hàng lỏng/khí đến 150.000 tấn; tàu khách có tổng dung tích đến 225.000 m3.
Ngoài ra, cảng sẽ ưu tiên xây dựng các bến phục vụ các cụm công nghiệp và bến trung tâm điện khí, phù hợp với quy hoạch phát triển năng lượng và điện lực quốc gia.
Theo ông Trần Tiến Dũng, với xu thế vận tải biển thế giới thời gian qua và dự báo trong thời gian tới, các công ty vận tải biển sẽ tiếp tục đầu tư, khai thác các tàu hàng có tải trọng ngày một lớn hơn nhằm mục đích cắt giảm chi phí trên mỗi tấn hàng hoặc container. Để đáp ứng nhu cầu này, các nhà khai thác cảng cũng phải nâng cấp năng lực của cảng bao gồm cả đầu tư mới hệ thống cảng nước sâu và các thiết bị xếp dỡ hiện đại. Để thúc đẩy các doanh nghiệp vận tải biển đưa tàu lớn vào Việt Nam chạy thẳng đi các thị trường Âu, Mỹ, Ấn độ, Châu Phi, tiết giảm chi phí vận tải/logistics, thúc đẩy XNK thì chúng ta cũng cần theo xu thế. Việc khai thác thành công các cảng nước sâu tại Cái Mép Thị Vải cũng như 2 bến thử nghiệm tại Lạch Huyện đã khẳng định sự thành công của chủ trương này.
Tại Hải Phòng, với vai trò là cửa ngõ kết nối giao thương của cả khu vực miền Bắc với thế giới, với tốc độ thu hút đầu tư trong nước và quốc tế tăng mạnh mẽ, Lạch Huyện, Nam Đồ Sơn và khu vực cửa sông Văn Úc đã được quy hoạch trở thành cảng biển nước sâu, trung tâm chuyển tải hàng hoá. Với khoảng 10 cầu bến đến 2030 và thêm khoảng 5 bến cho giai đoạn sau đó của Lạch Huyện và 10-20 cầu bên khu vực Nam Đồ Sơn, Sông Văn Úc với khả năng tiếp nhận tàu cỡ lớn nhất hiện nay. Đây thực sự là cơ hội lớn cho kinh tế cảng biển.
Tiềm năng phát triển cho lĩnh vực cảng biển và logistics
Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch chung TP. Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 xác định phát triển dựa trên ba trụ cột chiến lược: cảng biển, công nghiệp, và du lịch thương mại. Trong đó, cảng biển được đặt lên hàng đầu, với mục tiêu đưa Hải Phòng trở thành một thành phố công nghiệp gắn với cảng biển hiện đại, thông minh, và bền vững.
Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng cũng định hướng phát triển mạnh hệ thống cảng biển, đặc biệt là khu bến Lạch Huyện, Nam Đồ Sơn và Văn Úc. Các khu bến này được xác định sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình Hải Phòng thành một trung tâm kinh tế biển trọng điểm và đô thị cửa ngõ của khu vực Bắc Bộ.
Phân tích về vai trò của cảng trung chuyển quốc tế Nam Đồ Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam nhận định: Với năng lực vượt trội của hệ thống cảng khu vực Lạch Huyện, Nam Đồ Sơn và sông Văn Úc, với lượng hàng hoá ngày càng gia tăng mạnh mẽ, nằm trong nhóm phát triển nhanh toàn cầu thì các nhà vận tải biển luôn mong muốn đưa tàu lớn vào chạy trực tiếp từ Hải Phòng đi các thị trường lớn. Việc thu hút được đa dạng các tuyến, số lượng các tuyến vận chuyển trực tiếp từ Hải Phòng sẽ giúp hàng hoá của cả miền Bắc Việt Nam có cơ hội được vận chuyển nhanh, chi phí cạnh tranh hơn.
“Thay vì phải dùng tàu nhỏ kết nối Hải Phòng, Nghi Sơn, Vũng Áng, Chân Mây, Đà Nẵng, Chu Lai, Quy Nhơn,.. tới các cảng trung chuyển như Hongkong, Thẩm Quyến, Đài Loan, Singapore, Malaysia,... thì chúng ta có thể kết nối ngay tại Hải Phòng với chi phí cạnh tranh. Việc này không chỉ giúp cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu được hưởng lợi mà còn tạo ra nhiều việc làm cho lĩnh vực logistics”, ông Dũng khẳng định.