Thạnh Phú (Bến Tre) phát triển mạnh mẽ về hướng Đông
Phát triển về hướng Đông, Huyện ủy Thạnh Phú đã ban hành NQ số 03-NQ/HU về phát triển bền vững kinh tế biển giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030.
Với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Bứt phá”, huyện Thạnh Phúđã và đang triển khai mạnh mẽ các nhiệm vụ trọng tâm, gồm: phát triển nông nghiệp, thủy sản; đầu tư hạ tầng, giao thông, đô thị, cụm công nghiệp; phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch...
Cụ thể hóa chủ trương phát triển về hướng Đông, Huyện ủy Thạnh Phú đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/HU về phát triển bền vững kinh tế biển huyện giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030.
Nhiều chỉ tiêu đạt cao so với kế hoạch
Ngay từ đầu năm 2024, UBND huyện đã tập trung lãnh, chỉ đạo các ngành, địa phương tổ chức triển khai ngay các kế hoạch, nhiệm vụ trong năm 2024 với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Bứt phá”. Kết quả những tháng đầu năm 2024, kinh tế - xã hội huyện Thạnh Phú chuyển biến tích cực so với cùng kỳ năm 2023. Sản xuất nông nghiệp, thủy sản trên địa bàn huyện tương đối thuận lợi, hoạt động khai thác trên biển được duy trì ổn định.
Hiện nay, các chuỗi giá trị của huyện được hình thành và từng bước phát triển. Trong đó các chuỗi cây lúa, cây dừa, cây xoài, con bò và con tôm biển đang hoàn thiện và phát triển mạnh, tập trung phát triển các loại hình sản xuất phù hợp theo từng vùng sinh thái của các tiểu vùng theo hướng sản xuất hàng hóa.
Đặc biệt, mô hình nuôi tôm thâm canh theo hướng ứng dụng CNC có diện tích 1.333 ha, đạt 88,86% chỉ tiêu kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025, tập trung ở các xã Thạnh Hải, Thạnh Phong, Giao Thạnh, An Điền, An Nhơn, An Qui, An Thuận, An Thạnh, Mỹ An, năng suất thu hoạch trung bình khoảng 40 tấn/ha diện tích nuôi.
Hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện tăng trưởng khá, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 9,92% so cùng kỳ. Huyện đang phối hợp với tỉnh lập Quy hoạch phân khu xây dựng 1/2000 KCN An Nhơn và xúc tiến các thủ tục đầu tư CCN C2 và CCN An Điền. Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh tiếp tục được chú trọng.
Toàn huyện hiện có 15/17 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã NTM kiểu mẫu. UBND huyện đã xây dựng Đề án huyện Thạnh Phú đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện. Đến nay, huyện tự đánh giá đạt 5/9 tiêu chí gồm 25/36 chỉ tiêu thành phần; 1/3 điều kiện theo Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới quy định.
Ông Đào Công Thương – Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú cho biết, huyện tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hiện thực hóa Nghị quyết số 03-NQ/HU về phát triển bền vững kinh tế biển giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030.
Trong đó, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, mời gọi, thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển công nghiệp. Triển khai kế hoạch phát triển các cụm công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, trong đó ưu tiên công tác giải phóng mặt bằng kết hợp với các chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp. Huyện cũng tiếp tục hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện nhanh các thủ tục để đẩy nhanh tiến độ các dự án điện gió, tạo bước đột phá mới cho huyện.
Tập trung phát triển ngành tôm bền vững
Trong những năm qua, lĩnh vực nuôi thủy sản nói chung, nuôi tôm biển theo mô hình ứng dụng công nghệ cao (CNC) nói riêng thực sự là lĩnh vực kinh tế chủ lực, mũi nhọn của huyện Thạnh Phú. Theo ông Đào Công Thương, thực hiện chủ trương phát triển kinh tế hướng Đông của tỉnh, huyện đã xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển 1.500ha nuôi tôm ứng dụng CNC đến năm 2025.
Theo kế hoạch này, huyện quy hoạch 5 vùng nuôi tập trung tích hợp vào quy hoạch sử dụng đất huyện thời kỳ 2021 - 2030, của 9 xã thuộc tiểu vùng 2 và 3 tiếp giáp 2 cửa sông Hàm Luông, Cổ Chiên và Biển Đông gồm các xã: Thạnh Hải, Thạnh Phong, Giao Thạnh, An Nhơn, An Qui, An Thuận, An Điền, Mỹ An và An Thạnh.
Huyện đã thành lập Tổ chỉ đạo cấp huyện, cấp xã trong vùng quy hoạch phát triển nuôi tôm CNC. Đồng thời, phối hợp khảo sát diện tích mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao để xây dựng chứng nhận ASC, BAP.
Năm 2025 sẽ tiếp tục phát triển mới 123ha để đạt 1.500ha nuôi tôm biển CNC, góp phần cho tỉnh đạt 4.000ha nuôi tôm nước lợ theo hướng CNC giai đoạn 2021 - 2025. Hiện tại, huyện đang hoàn thiện văn kiện, nhân sự thành lập hợp tác xã nuôi tôm ứng dụng CNC trên địa bàn 3 xã Thạnh Hải, Thạnh Phong và Giao Thạnh. Khuyến khích xây dựng nhà máy chế biến tôm trên địa bàn huyện. Đẩy mạnh việc ứng dụng các biện pháp quản lý tiên tiến trong nuôi thủy sản, chuỗi sản phẩm sinh thái, hữu cơ...
Thạnh Phú cũng tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp trọng tâm để phát triển ngành tôm tại huyện đảm bảo bền vững, tăng nhanh năng suất, sản lượng và chất lượng. Huyện tập trung phát triển đối với các vùng có cơ sở hạ tầng tốt để phát triển vùng nuôi tập trung theo hướng CNC. Phối hợp với các công ty, doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản, chế biến liên kết đầu vào, đầu ra giữa các doanh nghiệp và hộ nuôi.
"Thạnh Phú thường xuyên kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty, doanh nghiệp về đầu tư, cung cấp dịch vụ đầu vào, đầu ra sản phẩm, kết nối giữa sản xuất với thị trường, chủ động liên kết với nông dân và tham gia vào chuỗi giá trị"- ông Đào Công Thương nhấn mạnh.