Quy định về tổ chức và quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế còn thiếu rõ ràng
Đánh giá cao đề xuất của Dự thảo, tuy nhiên, theo VCCI, quy định về tổ chức và quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam cần đảm bảo sự rõ ràng…
Theo đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý đối với Dự thảo Quyết định sửa đổi, điều chỉnh một số điều của Quyết định 06/2020/NĐ-CP ngày 21/2/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam (Dự thảo).
Tại văn bản, VCCI cho biết, việc soạn thảo, ban hành Dự thảo theo hướng phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính, dự báo sẽ tạo thuận lợi cho các đối tượng thực hiện thủ tục xin cấp phép tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế. VCCI hoan nghênh và đánh giá cao tinh thần cải cách thể hiện trong Dự thảo.
Tuy nhiên, để hoàn thiện Dự thảo, VCCI đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét một số vấn đề như, theo quy định tại Quyết định 06/2020/QĐ-TTg (Quyết định 06) có hai thủ tục liên quan đến việc tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam, bao gồm: đăng cai tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế; và tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế.
Trong đó, đối với việc tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế, thẩm quyền cho phép thuộc Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ, cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh tùy thuộc vào loại hội nghị, hội thảo quốc tế và chủ thể tổ chức.
Đối với đăng cai tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế, Điều 6 Quyết định 06 quy định “nếu đơn vị tổ chức cần xin chủ trương để đăng cai tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế, đơn vị tổ chức và cơ quan của người có thẩm quyền thực hiện việc xin chủ trương đăng cai theo quy trình và thẩm quyền quy định tại Điều 3 và Điều 5 Quyết định này”, “Hồ sơ xin chủ trương cần nêu lý do, mục đích, chủ đề, dự kiến thành phần tham dự và dự kiến nguồn kinh phí”. Việc thẩm định chủ trương đăng cai tương tự như thẩm định cho phép tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế.
Thực hiện Quyết định 1015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Dự thảo sửa đổi thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính theo hướng phân cấp thẩm quyền cho phép tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế theo hai phương án:
Phương án 1: Quy định bám sát theo nội dung của Quyết định 1015/QĐ-TTg đó là phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính cho cả hai thủ tục: đăng cai tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế và xin phép tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế. Trong đó ở địa phương, “người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh” có thẩm quyền: cho chủ trương đăng cai tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế kèm theo một số điều kiện: (i) không có nội dung nhạy cảm, phức tạp; đã có ý kiến đồng ý về chủ trương của cơ quan Đảng liên quan; quyết định việc tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế của cơ quan mình, các cơ quan, tổ chức Việt Nam và nước ngoài do UBND cấp tỉnh cho phép hoạt động trừ một số trường hợp;
Phương án 2: Không quy định rõ về phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính đối với thủ tục “đăng cai tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế” mà chỉ quy định về phân cấp thủ tục cho phép tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế. Trong đó ở địa phương, “người đứng đầu cơ quan chuyên môn phụ trách đối ngoại thuộc UBND cấp tỉnh” quyết định việc tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế của cơ quan mình, các cơ quan, tổ chức Việt Nam và nước ngoài do UBND cấp tỉnh cho phép hoạt động trừ một số trường hợp.
Theo VCCI, về cơ bản, cả hai phương án của Dự thảo đều đã thực hiện phân cấp thẩm quyền giải quyết thủ tục cho phép hội nghị, hội thảo quốc tế ở cấp địa phương, tuy nhiên, cả hai phương án đều có những điểm cần được cân nhắc, xem xét để đảm bảo rõ ràng.
Cụ thể, với Phương án 1, VCCI cho rằng, đang có những quy định chưa đủ rõ ràng về thẩm quyền cho phép đăng cai hội nghị, hội thảo quốc tế. Việc phân cấp thẩm quyền cho người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý thuộc UBND cấp tỉnh là rất khó để xác định loại hội nghị, hội thảo được phân cấp, bởi vì định lượng được “nội dung dung nhạy cảm, phức tạp” là không hề dễ dàng.
Trong khi, với Phương án 2, Dự thảo không quy định về thẩm quyền cho chủ trương đăng cai hội nghị, hội thảo quốc tế mà chỉ điều chỉnh quy định về phân cấp thẩm quyền cho phép tổ chức hội nghị, hội thảo đối với người đứng đầu cơ quan chuyên môn phụ trách đối ngoại thuộc UBND cấp tỉnh. Như vậy, quy định về đăng cai tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế sẽ vẫn thực hiện theo cách thức dẫn chiếu quy định tại Điều 6 Quyết định 06.
Tuy nhiên, hiện nay Điều 6 Quyết định 06 đang quy định: “Nếu đơn vị tổ chức cần xin chủ trương để đăng cai tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế, đơn vị tổ chức và cơ quan của người có thẩm quyền thực hiện việc xin chủ trương đăng cai theo quy trình và thẩm quyền quy định tại Điều 3 và Điều 5 Quyết định này.”. Quy định này, nếu đối chiếu với Điều 3 thì có thể đưa đến cách hiểu: người có thẩm quyền nào cho phép tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế sẽ có thẩm quyền đồng ý chủ trương đăng cai tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế. Nếu theo cách hiểu này thì quy định tại Phương án 2 là rõ ràng hơn Phương án 1 về thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính.
Trong trường hợp, chọn Phương án 2, VCCI đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung thêm một số quy định tại Quyết định 06 để rõ ràng, cụ thể hơn về thủ tục cho chủ trương đăng cai hội nghị, hội thảo quốc tế như: Bổ sung cụm từ “cho chủ trương đăng cai” vào Điều 3; Sửa đổi khoản 2 Điều 6 Quyết định về hồ sơ xin chủ trương theo hướng - Ban hành mẫu Đơn đề nghị xin chủ trương.
Ngoài những vấn đề đã nêu, tại văn bản góp ý, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét về những nội dung khác của Quyết định 06 như: đối tượng áp dụng (Điều 1); giải thích từ ngữ (Điều 2); quy trình xin phép và tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế (Điều 4).